PHỤ LỤC

 

Tiếng Than Nghẹn Ngào trong THĂM THẲM TRỜI XANH của Ngô Viết Trọng

 

Tập truyện dài thứ tư của Ngô Viết Trọng (NVT) được ra mắt độc giả vào những ngày nóng bức của mùa hè như gom thêm nỗi nhọc nhằn nặng nề của một xã hội điên đảo sau 1975, như những ngọn nắng rát trên đồng hoang cỏ cháy hắt vào mặt người nông dân làm việc cho hợp tác xã trong chế độ tập đoàn. Khi bắt tay vào việc sáng tác TTTX tác giả NVT quả thật là can đảm vì đây là một đề tài khô khan khó nuốt mà nhiều người viết ngần ngại khi dấn thân vào.

Với một tác phẩm dày gần năm trăm trang nói về cuộc sống trong hợp tác xã của người nông dân xã hội chủ nghĩa sau 1975, tác giả đã suy tư  và thực hiện trong một thời gian khá dài gần ba năm. Thời gian dù dài bao lâu cũng có thể kiên nhẫn để hoàn thành. Vấn đề là sự can đảm của tác giả khi tái dựng một quá khứ đầy gai góc, nhục nhằn mà mọi người đều muốn quên đi. Đó là một khung cảnh, một khoảng đời ê chề đớn đau và khổ nhọc. Trước hết là vì tác giả muốn ghi lại những hiện trạng xã hội bằng ngòi bút của một người dân khách quan để cho những thế hệ kế tiếp phán xét.

Tác giả đã miệt mài ngày đêm, có thể cả trong những giấc mơ để miên man sống lại với quá khứ để rồi cuốn phim sống động đó tuôn trào dưới ngòi bút của một cựu tù nhân chính trị, một người từng lăn lóc ở vùng kinh tế mới, một người từng viết tiểu thuyết lịch sử…  Có phải những điều kiện đó đã giúp anh hoàn thành tác phẩm TTTX? Chúng tôi sẽ còn rất nhiều thiếu sót nếu không nhắc đến hiền nội của anh, người đã kinh qua cuộc sống tập đoàn một cách trung thực và sống động. Chị NVT đã cho chúng tôi biết rằng sau ngày anh ở trại cải tạo về chị đã dần dà kể lại cho anh nghe quảng thời gian nhọc nhằn đó và chị không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ thành một tác phẩm giá trị như bây giờ bởi vì “Hồi đó ảnh có viết lách gì đâu!” Chắc chắn rằng tác giả NVT đã xúc động vì những mẫu chuyện đó rồi lồng vào một bối cảnh xã hội đầy mâu thuẫn và tối tăm của giai đoạn sau ngày mất nước mà chính gia đình của tác giả là những nhân chứng sống động và khách quan để hoàn thành tác phẩm.

Chỉ là người đọc mà chúng tôi đã thật gian nan khi theo chân các nhân vật trong truyện. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài nét chính và cũng là linh hồn của tác phẩm, phần còn lại xin mời quý vị tìm đọc để cùng sống với tác giả và cũng là sống lại một khoảng đời ngửa nghiêng của đất nước.

Riêng với các nữ độc giả, xin mời các chị hãy cùng chúng tôi cởi giày, xăn  quần để cùng theo chân nữ nhân vật chính của tác phẩm bước xuống ruộng để có thể chia xẻ và đồng cảm với tác giả.

Chúng ta hãy theo chân cô giáo Diệu Ngọc đi dạy, đi buôn, đi cấy, đi củi và thật sự đã “nóng lạnh” với cảnh “tình nguyện đặt vòng xoắn” để ngừa thai. Đó là vấn đề thông thường trong xã hội, nhưng những người bạn cô giáo Ngọc đã bị bắt buộc phải tình nguyện đặt vòng xoắn khi họ còn là con gái! Xin mời quí vị nghe một đoan rất ngắn mà người ta nói là “nhẹ nhàng giản tiện hơn cả chủng ngừa đậu mùa”. Xin trích một đoạn: “Khi cô y tá loay hoay làm việc, em thấy cửa mình bị đau rát rồi chảy máu. Cô y tá hỏi em: “Chị còn con gái à? Em gật đầu. Cô y tá lại hỏi: “Sao không nói trước?” Thật tình em đâu biết chuyện gì mà nói. Cô y tá lại tiếp: “Thôi, cũng không sao! Đề phòng vẫn hay!”

Vấn đề là sau đó cô gái tội nghiệp kia bị nhiễm trùng nhưng vì xấu hổ không dám đi khám bệnh mà nhà cũng không có tiền để đến trạm xá, khi được đưa tới thì quá muộn, cô gái đã chết vì nhiễm trùng đường tiểu!

Không phải chỉ nạn nhân bị nhiễm trùng nóng sốt mà người đọc cũng phải tạm dừng đọc đôi phút cho qua cơn “nóng lạnh” Cô gái vừa bị nhiễm trùng do dụng cụ thiếu vệ sinh đã không có thuốc mà còn ăn sắn và bột sắn thì làm sao mà không thiệt mạng!

Cuộc sống sau 1975 thật hỗn loạn. Khi còn ở trường cô giáo Ngọc cũng đâu có được dạy học. Lấy cớ đã đủ người dạy rồi nên cô được phân công nuôi một đàn gà ngay trong một phòng trống của lớp học! Dù sao thì công việc đó cũng dễ chịu hơn là việc lội xuống ruộng cấy lúa, bó lúa, gánh lúa và đi củi để bị sốt rét hành hạ và bị ong đốt cho đến chết như những người bạn cùng cảnh với cô. Ngay cả ngày tết cũng phải lên rừng rẫy “trồng cây nhớ bác” Thế nhưng mọi việc đó cũng không khổ bằng cảnh bị những người thiếu ý thức chung quanh mỉa mai châm biếm vì cô là vợ của một đại úy ngụy quân đang học tập cải tạo, một cô giáo xuất thân từ thành phố không quen đi chân không để lội xuống ruộng.

Trong cảnh cùng khổ đó cô Ngọc còn phải làm quen với “cái cực quí của xã hội chủ nghĩa”: Phân người! Người ta dành nhau chưởi nhau, khổ sở vì từng đàn ruồi bám lên từng cành cây làm cây trĩu xuống như những chùm dâu màu đen!

Cô giáo Ngọc đã từng im lặng như đồng lõa khi các bạn đề nghị ăn cắp sắn vì thiếu đói để rồi khi bị phát giác phải bị phạt đền gấp 14 lần giá trị của tang vật!

Ngoài ra các cán bộ lãnh đạo còn luôn luôn muốn lập công dâng đảng bằng những sáng kiến điên cuồng ngu xuẩn mà không kể gì đến nỗi khổ của người dân như việc viên bí thư xã muốn lập công thật hiển hách đã tự ý phát động phong trào thủy lợi bắt dân cải táng cả khu nghĩa địa cổ đã nhiều đời để làm “hồ thủy lợi”. Thế là dân chúng điêu đứng mất hàng vạn công sức và vô số lương thực. Rốt cuộc tuy hoàn thành được một cái hồ thủy lợi vĩ đại nhưng vào mùa nắng nước hồ chỉ đủ cho một đàn vịt tắm!

Nhờ số tiền cha mẹ giúp, cô giáo Ngọc quyết định liều mạng đi buôn trầm hương để có thể rời xa cái tập đoàn khủng khiếp có những người lãnh đạo ngu dốt đăm đăm rình rập ngày đêm vợ một người tù cải tạo còn xuân sắc. Ngoài ra cô giáo cũng còn rất cần tiền để đi tìm chồng là một thương binh mất cả hai chân bị đẩy ra khỏi tổng y viện cộng hòa sau khi cộng sản tràn vào. Chồng cô bị tàn phế nhưng vẫn phải đi cải tạo và sau ngày ra trại không biết lưu lạc nơi đâu. Đi buôn trầm thất bại lại còn bị công an sở tại lừa gạt đến phải thất tiết, cô giáo Ngọc như bị đẩy xuống tận cùng địa ngục. Nhưng cô lại vùng lên để nuôi con bằng cách buôn xác cá, một nghề ít vốn nhưng rất hôi hám ít ai cạnh tranh. Giai đoạn này cô hỏi thăm được manh mối chồng và mang các con đi tìm nhưng thất bại. Chồng cô đã được phóng thích từ lâu nhưng anh mãi lang thang đầu cầu xó chợ. Rồi chồng cô cũng trở về. Nhưng chỉ một đêm xót xa anh lại bỏ nhà ra đi sau khi mạt sát cô tàn tệ qua lá thư mà anh để lại  đã làm cho cô giáo Ngọc gục ngã hoàn toàn.

Không thể sống trong cảnh bẽ bàng đó, cô giáo Ngọc bỏ làng ra đi lên thành phố nương tựa một cô bạn thân. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của bạn, mẹ con cô đã đến được bến bờ tự do.

Sau nhiều năm khó nhọc nuôi con trưởng thành Ngọc lại cảm thấy cô đơn và đau đớn vì không thể giải tỏa nỗi lòng với người chồng yêu quý, cô vẫn tìm mọi cách tìm dấu vết chồng nhưng vẫn biệt tăm….

TTTX  không chỉ như một tự truyện mà còn phản ảnh một xã hội, xúc cảm và suy tư của chính tác giả. Mặc dù tâm lý của nhân vật chính quá đa dạng cũng vì tác giả đã bắt nhân vật Diệu Ngọc tượng trưng cho nhiều lớp người trong xã hội đương thời nên có mất đi ít nhiều nét nhất quán tâm lý. Nhưng suy cho cùng thì tác giả chỉ muốn tạo nên một bối cảnh đầy đủ của một giai đoạn lịch sử nên những mâu thuẫn đó không đáng kể. Nét chính của TTTX là một tiếng than thống thiết của cả một thế hệ bị trói buộc trong một thể chế điên cuồng khập khiểng tìm đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Xin mời quí vị đọc TTTX để biết được phần kết thúc của câu chuyện: Phải chăng chồng của Diệu Ngọc hối hận trở về tìm vợ con? Phải chăng cô giáo Diệu Ngọc  an vui trong đoàn tụ và nhìn những ngày  qua như một giấc mơ? Đó là một trong những kết thúc có hậu trong tiểu thuyết mà chỉ có tác giả NVT mới đủ thẩm quyền để đưa quí vị đi vào thế giới của anh, một thế giới an bình chỉ có trời xanh mây trắng dù có cao thăm thẳm nhưng ước mơ của con người cũng sẽ vươn tới bằng tất cả mọi nỗ lực để sống còn. Chúng ta chỉ biết rằng với tấm lòng nhân hậu cô giáo Ngọc đã quên đi cuộc đời bất hạnh của mình để chỉ sống trọn vẹn cho chồng con. Tiếng than nghẹn ngà của người đàn bà chịu nhiều oan khiên chắc chắn sẽ thấu đến trời cao vì lòng nhân hậu đã sáng ngời bên cạnh bản chất quá ích kỷ ghen tuông và nông cạn của người chồng.

“-Trời xanh kia có thấu… Tôi không còn cơ hội nào để giải thích nữa? Tôi nghĩ đến những giờ phút cuối đời của chàng, với bao nhiêu uất ức, phẫn hận cứ tàn nhẫn hành hạ tâm trí chàng mà rùng mình! Làm sao cứu vớt linh hồn chàng đây?”

 

CAO THANH TÂM [Mùa Vu Lan 2007]

 

 

Đọc THĂM THẲM TRỜI XANH của Ngô Viết Trọng

Là một cựu tù cải tạo, năm 1993 ông Ngô Viết Trọng sang Mỹ tị nạn. Vừa lao đao kiếm sống, vừa suy ngẫm lịch sử, vừa nhìn lại cuộc đời, rồi từ đầu thế kỷ 21 tới nay ông đã trở thành một trong vài tác giả giữ được nhịp viết và ấn hành đều đặn nhất. Tập truyện đầu tay của ông mang tên Vết Hằn Mùa Xuân ấn hành năm 2001; kế đó gần như năm nào ông cũng cho ra đời một tác phẩm mới và gây được sự chú ý của người đọc qua các tiểu thuyết như Lý Trần Tình Hận (2002 tái bản 2005), Ngõ Tím (2003), Công Nữ Ngọc Vạn (2004), Dương Vân Nga: Non Cao & Vực Thẳm (2005). Phần lớn độc giả của ông vẫn tin rằng sẽ có nhiều phần trăm tác phẩm mới của ông (thứ bảy) ông viết rồi cũng sẽ là một lịch sử tiểu thuyết – một bộ môn dễ cám dỗ người viết nhiều chỗ nói liều cho nổ chuyện, nhưng với ông, ông đã tự chứng minh ông viết tiểu thuyết lịch sử không theo lối ấy.

Năm nay, tháng tám 2007, ông lại thêm một tác phẩm mới trình làng. Nhưng Thăm Thẳm Trời Xanh (TTTX) không phải tiểu thuyết lịch sử mà lại là một “truyện dài xã hội” theo đúng tác giả tự minh định. Như thế, với tác phẩm mới này, độc giả coi như tác giả đã tạm thời rời khỏi những lớp bụi quá khứ để lại lao vào lớp khói… ô nhiễm của thời hiện tại.

Đọc xong phần “Vào Chuyện” người đọc đã có thể mỉm cười và nhủ thầm rằng ôi thôi Ngô quân trước đây đã “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, giờ chẳng hiểu cảm kích thế nào mà lại… khóc giùm cả người đời nay nữa đây. Mà quả thế thật. TTTX là một truyện dài nhưng không có những cái gài thắt cái buộc cái tháo… của một tiểu thuyết thông thường; nó như một cái ký dài tác giả viết thay cho một người bạn gái không may, một người dân bị ức hiếp chà đạp, một bà mẹ cô đơn, một bà vợ bị hàm oan, một cái “giống thứ hai”, nói theo Simone de Beauvoir, luôn luôn là đối tượng béo bở cho bọn đàn ông và cái xã hội của cánh ấy vừa bóc lột vừa chà đạp. Chẳng thế mà Bạch Cư Dị đã than thở giúp cho họ rằng:

Nhân sinh mạc tác phụ nhân thân,

Bách niên khổ lạc do tha nhân.

(Người đời không nên làm phụ nữ,

Trăm năm vui khổ cũng do người).

Lẽ tất nhiên ở đây chính là cái giống đàn ông và cái xã hội của cánh ấy đấy. Phận đàn bà đã khổ, lại phải tranh sống nuôi con thơ ngoài đời và nuôi chồng tàn tật ở tù thời… xã hội chủ nghĩa thì còn khổ đến đâu?

Chi tiết hơn một chút nữa về nội dung truyện thì nhân vật chính xưng tôi có chồng là một sĩ quan. Ông vốn đã là một thương phế binh nhưng vẫn đi tù cải tạo. Bà vợ trẻ ở nhà nuôi một bầy con và sau một lần đi buôn trầm lậu, bị công an bắt, kế được thả, nhưng lại bị thất thân với tên công an sở tại là kẻ cũng chẳng xa lạ gì. Tuy nhiên, cuộc đời bà từ đó ra tới hải ngoại mang một nỗi day dứt khôn nguôi: tại sao sau khi được thả chồng bà đã không về thẳng nhà với vợ con mà lại lết cái tấm thân cụt cả hai chân sống kiếp ăn mày ở mãi Nha Trang? Ông biết ra sự thật và oán giận bà? Bà đã từng lặn lội tìm ông, mong đem ông về để giải quyết nỗi oan nhưng không bao giờ thành công. Sự bí mật đi biệt tăm của ông chồng, với bà, vì thế cũng nan giải chẳng kém gì cái bí mật án mạng dưới cánh cổng Lã Sanh Môn!

Và nay, vào những ngày tháng sau cùng của cuộc đời với bệnh ung thư gan, bà tha thiết kêu gọi các con giờ đã trưởng thành hãy quay lại quê hương tìm cha, nhưng chúng đều đánh bài lờ. Lạ quá chăng, đáng buồn quá chăng? Kể cũng đáng buồn thật dù sự nhẫn tâm của lũ trẻ lớn lên ở hải ngoại trong phần lớn các gia đình Việt tị nạn đều không khác nhau mấy.

Riêng nhân vật nữ chính trong truyện dường như đã được tác giả cố công tạo cho nhiều nét sáng để bà nổi bật hơn lên giữa cái chợ đời vốn như một tảng đen lớn bà phải trầm mình vào. Nhưng chỗ nhân vật được độc giả nhớ đến nhất lại nằm ngay ở những dòng cuối cùng của sách. Nó làm sáng lên tính nhân hậu của người mẹ người vợ và dù có bị cuộc đời làm trầy trụa đến đâu, lòng yêu thương chồng con của họ cũng vượt lên trên tất cả. Hãy nghe người đàn bà với mảnh đời nhiều tan nát, nhiều oan khiên, tâm tình: “Trời xanh kia có thấu…. Tôi không còn cơ hội nào để giải thích nữa. Tôi nghĩ đến những giờ phút cuối đời của chàng, với bao nhiêu uất ức, phẫn hận…. Làm sao cứu vớt nổi linh hồn chàng đây?”

Sống một đời với nỗi oan khiên hành hạ, lúc sắp cuối đời sao bà không nghĩ đến mình để tìm cách tự cứu vớt lấy chính linh hồn bà? Không, bà vẫn nghĩ đến ông chồng _ mà thực chất có thể rất ghen tuông, rất thiếu hiểu biết, và vì thế, rất ích kỷ với tất cả tấm lòng nhân hậu. Không giống lắm đâu, nhưng cái lòng nhân hậu này cũng có khiến người đọc thoáng nhớ lại hình ảnh một cô gái mới mất con, vú còn căng sữa, không nghĩ đến an nguy của chính mình có thể chết vì lũ lụt, đã nâng đầu một cụ ông kiệt lực vì đói khát lâu ngày và cho ông cụ hưởng cặp vú lành thánh của mình. Cô gái này nằm trong những dòng cuối trong danh tác The Grapes of Wrath của John Steinbeck.

Nhưng sau khi đọc xong Thăm Thẳm Trời Xanh, câu hỏi đáng nói hơn cả nảy ra trong đầu người đọc lại là phải chăng tác giả đã mượn một thảm kịch riêng để lồng thêm vào một thảm kịch chung của đất nước, đặc biệt vào thời buổi này, thời buổi không thiếu người cứ cho rằng chuyện đau khổ Việt Nam đã thành chuyện dài… nhân dân tự vệ, thừa mứa rồi, nói thêm mà làm gì cho tốn giấy tốn mực. Những người ấy có lý của họ vì thật ra chuyện Việt Nam đã thành lịch sử hơn 30 năm. Mà lịch sử thì có khác gì một cái xác khô. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy xác khô Việt Nam khác với nhiều loại xác khô khác trên đời: nó vẫn còn rỉ máu tươi!

Những tác phẩm nói về nỗi đau khổ của con người và đất nước khi đất nước và con người còn đau khổ, bất kể dày mỏng, lớn nhỏ, đều xứng đáng là tác phẩm của lương tâm. Có lẽ người đọc sẽ không sai trái gì khi xếp “Thăm Thẳm Trời Xanh” của Ngô Viết Trọng vào hạng mục những tác phẩm này./-

Hà Thúc Sinh (Sacramento, 08/07)

 

 

Điểm sách mới:

THĂM THẲM TRỜI XANH

của Ngô Viết Trọng

 

Nói đến Trời, người ta bỗng kính sợ.  Nỗi kính sợ thiêng liêng của cát bụi giữa bao la; của giới hạn đối diện với vô cùng…

Thăm Thẳm Trời Xanh:  Là sự ngưỡng vọng đầy tính mặc khải; là tiếng vọng từ một cõi sơ xưa nào đó hay là tiếng kêu xót ruột từ cõi nhân gian?

Ngô Viết Trọng đã chọn lựa.  Chọn lựa tên gọi làm điểm xuất phát cho tiếng kêu câm nín pha nỗi oan khiên từ một “khách má hồng” trong “cơn gió bụi” của thời cuộc Việt Nam sau năm 1975.  Trong truyện dài xã hội mang tính hiện thực phê phán Thăm Thẳm Trời Xanh, nhà văn Ngô Viết Trọng đã viết lên tự truyện cho một người bạn cũ.  Nhưng đây không hẳn là tự truyện của nàng (her biography) mà còn là một nguồn phản ánh xúc cảm, suy tư, hồi ức và góc nhìn của chính tác giả.

Vương Duy, nhà thơ, nhà danh họa, thư pháp đời Thịnh Đường nói đến cái khó của khuynh hướng hiện thực xã hội trong sáng tạo nghệ thuật; rằng, “vẽ ma vẽ quỷ dễ, vẽ người khó.”

Đấy là một triết lý nhân sinh đơn giản, nhưng đồng thời cũng là một nan đề của nhà văn khi viết về tâm lý xã hội hiện thực phê phán.  Qua các tác phẩm Vết Hằn Mùa Xuân (2001), Ngõ Tím (2003) Ngô Viết Trọng có quyền xây dựng một thế giới riêng tư cho mình đối tác với nhiều hành trạng của các nhân vật trong tác phẩm.  Hoặc với Lý Trần Tình Hận (2002), Công Nữ Ngọc Vạn (2004), Dương Vân Nga: Non Cao Vực Thẳm (2005), tác giả thoải mái phóng tầm nhìn vào khung trời mênh mông của thời gian xa tắp và không gian nghìn trùng của lịch sử.  Nhưng với Thăm Thẳm Trời Xanh, Ngô Viết Trọng phải thường xuyên đối đầu với con quái vật hiện thực đang bày ra trước mắt khi anh viết về một đề tài “nổi tiếng” như một kỳ án chung thân đầy phẫn hận của lịch sử con người.  Đó là đề tài bao hàm lắm khía cạnh trực tiếp liên quan đến tâm lý, thể lý, triết lý và luân lý của mỗi con người trong cuộc; mà cụ thể là con người Việt Nam sau năm 1975 phải đổi đời trong môi trường sinh hoạt đầy bất công và khập khiểng của hình thức hợp tác xã và kinh tế mới.

Vấn đề cá nhân đối đầu với xã hội ló mặt cùng một lần với lịch sử của loài người.  Đối diện với trời xanh thăm thẳm, ý hướng mang con người đến với nhau đã là một ước mong có từ trong cổ thư như Kinh Vệ Đà, Cựu Ước, Đạo Đức, Đại Thừa.  Platon nói cụ thể hơn trong Republic (Cộng Hòa) về hình thức Hợp Tác Tập Thể (co-operative).  Đến Marx thì quyết liệt cho rằng chỉ có hình thái chính trị  chuyên chính vô sản và hình thức kinh tế hợp tác xã thì mới đích thực là mô thức xã hội mang đến hạnh phúc chân chính cho con người trong môt xã hội phồn vinh không giai cấp.  Thực tế ở Liên Xô, Trung Hoa và Việt Nam đã chứng minh sự sai lầm nghiêm trọng đã đưa con người vào khổ nhục của hình thái hợp tác xã nầy.

Ngô Viết Trọng xây dựng bối cảnh tác phẩm trong khung cảnh chiến tranh Việt Nam. Nhưng tụ điểm bi đát nhất của nhân vật chính là mảnh đời sống qua những ngày tháng nhục nhằn trong quan hệ kinh tế hợp tác xã và xã hội Việt Nam sau cuộc đổi đời 1975.

Tùy theo từng kinh nghiệm cá nhân, có thể có người cho rằng, nhà văn Ngô Viết Trọng đã cường điệu hóa hay diễn đạt chưa đủ mức độ bi thảm về những gì đã thực sự xảy ra trong hoàn cảnh cụ thể của nhân vật.  Tuy nhiên, khó ai có thể phủ nhận rằng, với một văn phong chuyển biến hài hòa và nhất quán trong từng động thái của tình tiết và nhân vật, Ngô Viết Trọng đã viết lên được hình ảnh biểu hiện và bản chất sâu kín của từng tuyến nhân vật thiện, ác rạch ròi.  Ngọn bút của anh đủ sức lay động để làm cho tâm thức người đọc dấy lên sự phẫn nộ, đối kháng với điều ác và tâm đắc, đồng cảm với điều thiện.

Qua gần 500 trang “tự sự” của nhân vật chính là “khách má hồng” trong Thăm Thẳm Trời Xanh, người ấy vẫn băn khoăn trong nỗi dày vò – lúc bức xúc, lúc mơ hồ — về mình và về người.  Nỗi ưu tư dằng dặc vẫn là: “Trời xanh kia đâu có thấu?… Làm sao cứu vớt linh hồn chàng đây?  Mối đau khổ, nỗi phẫn hận ấy chàng sẽ mang theo đến tận kiếp nào?” (TTTX, trang 484).   Nếp sống xã hội vắng bóng tâm linh sẽ bó tay không biết trả lời sao trước câu hỏi khi thiện ác thong dong, khi chánh tà lẫn lộn.  Nhưng khi con người đã biết ngửa mặt lên nhìn Thăm Thẳm Trời Xanh là khi “chàng” sẽ có một trực giác thiên nhiên (hay siêu nhiên) của một loại cá hồi nhân thế để tìm về lại… sẽ đến với “nàng” qua cuốn sách nầy.

Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, mùa Vu Lan 2007

 

Trở về Trang Ngô Viết Trọng