CÁI TA ĐÁNG GHÉT (LE MOI EST HAISSABLE)

(Tài liệu sưu tầm)

       Trên trần gian này, mọi người đều yêu mình và những cái thuộc về mình, không ai ghét bản thân mình cả. Do đó, ai cũng có lòng tự ái. Chính từ ngữ “Tự ái” thì không có gì xấu vì tự ái là tự yêu mình, nằm trong “bác ái” mà bác ái là phải phát xuất từ bản thân mình trước, nhưng vì người ta lạm dụng nên thường nó có ý nghĩa không tốt.

       Khi đứa bé còn  rất nhỏ, xem ra nó đã có “tự ái” !  Trông thấy cái gì của người ta nó cũng đòi, đòi cho bằng được,  mà không được thì khóc! Phải chăng, tuy chưa có ý thức, đứa bé đã có “tính tự ái”, bởi vì nó tự coi nó như trung tâm, mọi người phải phục vụ nó.  Và như vậy tự ái đây đã kèm theo khuynh hướng vị kỷ.

       Sau này khi lớn lên, có ý thức, ai cũng vẫn cho mình là nhất, là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ. Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bực nào, bao giờ cũng cho ý kiến mình  là quan trọng hơn tất cả. Cái “Tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời của Pascal. Nó là chữ “dễ yêu” nhất trong đời. Nhưng, vì ta đã quá nâng niu chiều chuộng nó… mà thành ra cách xử kỷ tiếp vật trong đời ta gây ra không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế, mà Blaise Pascal tiên sinh mới thốt ra câu nói chua cay này :”Cái tôi đáng ghét”: (Le Moi est haissable) đã lưu truyền bao nhiêu nay năm cho hậu thế. Ai cũng có kinh nghiệm về vấn đề này.

       Thuở nhỏ, ta là người rất thích tranh cãi. Tính hiếu thắng xui ta  bao giờ cũng không chịu nhịn một ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã không bao giờ ta chịu nhượng ai một lời. Rủi mà lời nói mình  không được người để ý đến hoặc bị ruồng rẫy, bỏ qua, thì không gì bực tức và buồn khổ cho bằng.

       Đến tuổi thanh xuân vì khí huyết bồng bột nên không chịu coi vào đâu những ý kiến của các bậc cao niên dầy dạn kinh nghiệm hơn mình. Ý kiến của cha mẹ cũng không bằng ý kiến của mình. Cha mẹ có khuyên bảo thì chỉ trả lời là “Con đã trưởng thành, biết rồi, nói mãi!”. Cha mẹ có thể khuyên dạy con bằng những lời khuyên của một mục sư đối với đứa con 15 tuổi của ông bà như sau:

– Từ 15 đến 20 tuổi: cha cho phép con tin rằng “con thông minh hơn cha”.

– Từ 20 đến 25 tuổi: con cũng có quyền tin rằng “con thông minh bằng cha”.

– Nhưng bắt đầu từ 25 tuổi sắp lên, cha bắt buộc con phải nhìn nhận sự “thông minh của cha hơn con nhiều một cách tuyệt đối vậy”.

      Đến tuổi trưởng thành và cao niên, con người vẫn còn coi mình hơn tất cả. Không ai muốn nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian đại ác như Tào Tháo  cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước; mà Lưu Bị cũng tin mình vì dân vì nước. Godse, ngưới ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình vì vẫn nghĩ “mình đúng”.

       Bởi thế, cái Ta đáng ghét hay không đáng ghét là do Ta lấn lướt, đạp vùi người khác mà đi hay là Ta thương mình trước, hy sinh trước vì người khác. Nhìn vào hành động của một người, trong đối thoại tranh luận, ai cũng có thể nhận ra đó là cái Ta của Tào Tháo hay là cái Ta của Lưu Bị.

(Tài liệu sưu tầm)

CÁI TA ĐÁNG GHÉT

Cái ta đáng ghét lắm ai ơi!
Nó xé tình thâm bạn rã rời.
Nó khiến tâm tư u ám mãi,
Nó xua chia rẽ tãn muôn nơi.
Nó mừng lúc thấy người đau đớn,
Nó ghét nhìn vui vẻ đón mời.
Trần thế vốn đua tranh cướp giựt,
Cái ta xúi oán hận trong đời.
HỒ NGUYỄN (04-4-18)

CẢM TÁC THEO Ý: CÁI TA ĐÁNG GHÉT

Lời rằng khẩu Phật lại tâm xà,
Kết tội ba hoa bởi cái ta.
Khoác lác khoa trương vài tín chỉ,
Hô hào chữ nghĩa bởi trò ma.
Coi ra mới biết ông nghè dổm,
Thấy đó kêu to trống rách da.
Miệng rộng huênh hoang hay Ngữ Hán,
Lèn èn dịch chữ “ổng” ra “bà”!
Trần Đông Thành (06/4/2018)
Đọc thêm => Thơ Trần Đông Thành

Trở về>>> Văn GS Hồ Xưa (Hồ Nguyễn)  *   HOME

Đọc thêm >>> Thơ Thầy Hồ Xưa (Hồ Nguyễn)   

Leave a comment