CHUYẾN  VỀ NHÀ CHỊ

 

Cầm tờ giấy ra trại, Tín đón xe tìm về xã Bành Trạch, một xã kinh tế mới thuộc miền Đông Nam bộ. Nơi đây, người chị góa bụa của Tín đã dắt hai đứa con đến lập nghiệp vài năm trước.

Ban quản lý trại cấp cho Tín được 15 đồng tiền xe. Số tiền Tín gởi khi vào trại cũng qui được 15 đồng nữa. Như vậy là Tín có được 30 đồng lận lưng trong chuyến trở về. Đoạn đường từ trại ra đường chính chừng 3 cây số, chỉ có xe lôi chạy vào những ngày có thăm nuôi hay những ngày tha tù. Toán cùng đi với Tín vừa ra khỏi cổng đã gặp ngay mấy anh xe lôi nồng nhiệt chào mời. Nhưng họ đòi mỗi người 5 đồng để ra đường chính, trả tiền trước, không bớt một xu. Những người chạy xe lôi trong khu vực này đều là thân nhân của những cán bộ trại, họ thường biết trước những khi nào có thả tù. Họ cũng dư biết tâm lý những người tù mới được tha, chẳng mấy ai dám tiếc tiền. Đã có một vụ tha tù năm 1979, khi một số tù còn đang đón xe để về nhà, một số khác đang chờ nhận lại những đồ gởi cho trại khi mới vào thì bỗng có lệnh giữ họ lại. Xe công an đã hỏa tốc đuổi theo vớt từng anh mới vừa được thả đang đi lếch thếch tìm phương tiện về nhà trước sự ngơ ngác của mọi người. Nhớ lại việc đó, Tín bấm bụng mà bỏ ra 5 đồng bạc cho một khoảng đường nửa giờ đi bộ.

Ra thấu đường chính đám tù được tha rẽ thành hai toán đón xe về hai hướng ngược nhau. Toán Tín có bốn người. Tín chưa phải đợi chờ lâu đã một chiếc xe đò sà lại. Chủ xe, tài xế, lơ xe đều tươi cười nồng nàn mời bọn Tín lên xe. Không nói đến tiền xe, họ chỉ hỏi thăm lần này thả được bao nhiêu, cảnh sống trong tù ra thế nào, bây giờ đi đâu, dự tính sắp tới làm gì… Tuyến xe này đi về Bà Rịa. Theo lộ trình, Tín phải xuống dọc đường ở ngã ba Cam Hưng để đón xe khác đi Bình Trạch. Đi một chặng khá xa mà chẳng ai hỏi đến tiền bạc, Tín đâm ra lo lắng. Nếu họ đòi nhiều thì kẹt lắm. Bốn anh cựu tù hỏi thầm nhau rồi cùng cười tới đâu hay đó. Tới một trạm đổ nước, xe ngừng lại để đổ nước thêm và cho khách xuống xả hơi chốc lát. Tín đi giải xong định vô trạm kiếm miếng nước thì gặp bà chủ xe từ trong trạm bước ra:

  • À quên, mời bốn anh vô đây ăn tô bún Huế cho ấm bụng. Bún ngon lắm.

Tín cười lúng túng:

  • Dạ chúng tôi tiền đâu mà dám ăn! Sợ không đủ tiền xe trả cho bà nữa đấy làm sang sao được!
  • Đừng có lo. Tôi bao cho mấy anh. Mời hết cả bốn anh vô đây!

Thấy Tín do dự, bà chủ khiến anh lơ đi mời. Đồng thời, bà kêu người trong trạm múc bún và đem nước xá xị và nước cam ra. Nhiều hành khách cũng nói theo:

  • Bà chủ đãi thiệt đấy mà! Ai cũng hiểu hoàn cảnh của mấy anh hết. Đừng có ngại!

Tín được ăn một tô bún ngon đáo để. Trong khi bọn Tín ăn uống thì bà chủ xe cùng một số hành khách ngồi bên cạnh uống nước, nói chuyện. Một hành khách móc ra tờ 20 đồng để lên bàn:

  • Xin lỗi, tôi xin góp một chút để mấy anh uống nước dọc đường.

Một hành khách khác lại biếu mỗi người một chai dầu xanh.

Bà chủ xe hỏi Tín:

  • Quê anh ở Huế sao lại đi về miền Đông?
  • Dạ thật ra tôi cũng muốn chấp cánh mà bay về Huế ngay bây giờ. Ngặt vì họ chỉ phát cho 15 đồng bạc trong khi tiền xe về Huế nghe đâu tới tám chục, tôi phải ghé lại nhà bà chị ruột ở xã kinh tế mới Bình Trạch để nhờ chị ấy xoay xở ra sao đã.

  • Ồ, xã Bình Trạch thì tôi biết. Tiếc rằng anh lại về nhằm ngày hôm nay. Nếu như anh về ngày mai, tôi cho anh quá giang tận nơi được.

  • Dạ thế bà cũng chạy tuyến đường về Bình Trạch nữa à?

  • Không, tôi chỉ chạy tuyến này. Nhưng ngày mai ông bí thư huyện ủy thuê xe tôi chở một số người đi về Bình Trạch xem đất đai. Nghe đâu họ trù kế hoạch trồng cà phê hay trồng điều gì đó. À, phải rồi, bây giờ trời cũng đã chiều, anh đợi xe về đó cũng vất vả lắm. Sớm hơn một buổi cũng chẳng làm được chi. Hay là anh về nhà chúng tôi ở lại đêm nay rồi ngày mai cùng đi với đoàn người của ông bí thư huyện cũng tiện.

  • Dạ thưa bà, tôi thế này mà cùng đi với đoàn người của ông bí thư huyện sao tiện? Đôi khi cao hứng ông lại tống tôi vào tù lần nữa thì khổ.

  • Anh đừng lo. Tôi sẽ đưa áo quần nhà tôi cho anh mặc. Anh đừng có nói chi chuyện ở tù mới về hết là xong. Anh coi như người nhà của tôi ai mà hỏi đến. À, có điều này nói ra tôi xin lỗi trước nhé. Tôi để ý thấy mấy ông cải tạo mới về ông nào cũng có thói quen hay dạ dạ khi nói chuyện. Tránh bớt đi thì hay hơn.

  • Đêm đó dù nôn nóng trong lòng, nhưng Tín cũng có được một giấc ngủ khá ngon lành.

    *

    Hôm sau, vợ chồng ông chủ xe cùng Tín đến nhà ông bí thư huyện. Bà chủ đã thay cho Tín một cái xách mới trong đó bà có bỏ thêm vào một mớ quần áo của chồng mình. Ba người bước vào nhà ông bí thư trong khi ông này đang uống trà với mấy người bạn. Ông bí thư mời ba người cùng ngồi.

    • Nửa giờ nữa chúng ta sẽ khởi hành. Ông anh đây cũng đi Bình Trạch à?

    Bà chủ xe đáp:

    • Dạ đây là ông anh họ tôi từ Huế vô thăm, anh ấy cũng nhân tiện ghé thăm người chị ở Bình Trạch vài ngày.

    Tín thấy viên bí thư người khá to con, trán hơi hói, mắt lé mài mại. Những người cùng ngồi với ông trông anh nào cũng có vẻ bảnh bao. Hình như họ đang nói với nhau một câu chuyện gì hào hứng lý thú lắm.

    Giọng viên bí thư ồm ồm:

    • Bác Hồ nói đúng lắm chứ. Kế hoạch một năm không gì hơn là trồng lúa. Kế hoạch mười năm không gì hơn là trồng cây. Nay mai đây nhà nước sẽ cho dọn sạch rừng Trường Sơn. Chỗ cao thì trồng mít, trồng điều, trồng xoài, chỗ vừa thì trồng cà phê, trồng trà, chỗ thấp thì trồng lúa, trồng bắp. Đâu có ngu như bọn đế quốc kêu gọi giữ rừng cho nó choán đất!

    Một ông bạn hỏi ông bí thư:

    • Ông nói khu đất rộng lớn đó ai đã khai phá trước đây?
  • Hồi đó Ngô Đình Diệm trù lập khu dinh điền. Chúng san bằng vùng đó định làm chỗ ở cho bọn đầu não kế hoạch. Nhưng bị ta quấy phá ngăn trở nên kế hoạch của chúng phải bỏ dở. Bỏ hoang lâu thì nó trở lại rừng hoang. Ước chừng 30 mẫu là tệ.

  • Một người khác chen vào:

    • Tiêu, điều, cà phê, một ngày kia ba thứ đó sẽ nâng Việt Nam lên hàng đại cường!

    *

    Không may cho Tín, năm vừa rồi mùa màng vùng này không khá. Tín lại về đúng vào cuối mùa khô, lúc mà lương thực dự trữ mọi nhà trong vùng đều cạn. Nhiều nhà phải ăn cháo bột sắn cầm chừng. Có nhà phải đi hái rau hoang già để độn thêm. Nhà chị Thành trong lúc khó khăn lại phải bao thêm một miệng ăn nữa. Mọi người trong gia đình tuy vui mừng vì một người thân vừa thoát cảnh cá chậu chim lồng nhưng không giấu nổi vẻ lo lắng cho những ngày sắp tới.

    Mùa khô nơi này rất khó tìm ra việc làm. Hai đứa con chị Thành ngày ngày vào rừng kiếm tổ ong, đào củ mài hoặc lên sông Ray câu cá. Mùa khô nước vừa cạn vừa trong, cá rất ít ăn. Buổi tối cả nhà không ai ăn quá ba chén cháo nhỏ. Con chó trong nhà nuôi cũng ốm nhom, luôn phơi sượt cái bụng lép ra trước sân đợi người đi cầu. Sống với tình trạng đó gần một tuần lễ, Tín thấy vô cùng chán nản.

    Một hôm, trong lúc hai chị em đang hàn huyên thì thằng Lễ, con trai đầu của chị Thành đi đâu về, nó reo mừng:

    • Khỏi lo thất nghiệp rồi mạ ơi! Hôm nay con thấy ngoài chợ xã có một chiếc xe GMC về mua củ ngải hoang. Cân ký củ tươi giá cao như mì tươi vậy. Con buôn tranh nhau hẹn giao hàng quá trời. Phần đất thôn mình có cả một khu mênh mông mọc chằng chịt loại ngải đó. Đất không có cây gỗ lớn, có lẽ được khai khẩn từ lâu rồi bỏ hoang. Chỉ ngán hai loại dây mắt mèo và mắc cỡ tây leo hỗn dữ quá. Chịu khó khử nó đi thì đào mấy năm cũng không hết.

    Tín nghe cháu nói cũng mừng rơn lên:

    • Ừ, có công việc cho cậu làm với. Cậu cũng muốn kiếm một ít tiền để về thăm quê một chuyến. Trị loại mắc cỡ tây này thì dễ lắm. Cháu chỉ cần cầm dao phạt đại vào chúng đứt dây nào cũng đuợc hết, đứt gốc lại càng tốt. Thân dây chúng xốp, giòn và rất mau khô nước nên nhạy cháy. Cứ phạt sơ sơ chừng một buổi rồi châm một mồi lửa cho nó cháy bớt cái phần rườm rà sau đó dọn lại khỏe lắm. Còn loại mắt mèo thì khó trị hơn nhiều. Cháu phải đến chỗ cần phá lúc sương còn ướt, lông ở trái nó không thể bay được, nhẹ nhàng cắt gốc nắm từng dây kéo ra dồn lại một đống đợi khi hơi khô thì đốt một mồi là xong.

    Chị Thành hỏi Tín:

    • Cậu cũng biết dây mắt mèo à? Chị nghe nói nó ngứa lắm mà chưa biết cây trái nó ra sao. Chị sợ mình cũng có ngày vấp thôi.

    Tín giải thích:

    • Nó là loại thân dây, lá đôi, cũng thuộc họ đậu, trái cong cong gần giống trái me ra từng chùm, mang một lớp lông tơ nhỏ dày đặc, màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp. Những lông tơ đó mang đầy chất ngứa. Chất ngứa đó chỉ có lửa mới làm tiêu được. Có lần kia hai người bạn em đi phát rừng, gặp lùm cây đầy dây mắt mèo treo trái lòng thòng mà không biết. Cả hai anh hăng hái cởi áo ra mà đốn. Chỉ mấy phút sau là cả hai anh bị ngứa chịu không nổi liền nhảy đại xuống suối mà rửa. Nhưng càng rửa lại càng ngứa, xoa đến đâu thì ngứa lan ra đến đó. Hai anh phải bỏ luôn cả dao rựa lẫn áo quần vừa rên la vừa chạy về trại quên cả báo cáo với cán bộ. Cũng may là gặp viên quản giáo đã có kinh nghiệm về loại trái này. Nhìn qua hiện trường anh ta liền hiểu. Anh ta cũng chạy theo hai nạn nhân về trại và giúp họ đốt lửa lên để hơ. Sau đó anh ta cho hai nạn nhân nghỉ buổi chiều rồi trở lại hiện trường. Giờ giải lao anh ta kể: “Hồi đó tôi có cái rẫy kề cận thửa ruộng của một người khác. Bên mép ruộng cây mắt mèo này mọc quá nhiều nhưng chủ nhân quá lười không chịu triệt đi khi chúng chưa ra trái. Đợi khi ra dọn ruộng để cấy, họ cắt ra lôi lên quăng bừa bãi vào rẫy tôi. Ra làm cỏ bị ngứa quá đâm cáu, tôi dùng cái cây móc đừa hết xuống thửa ruộng kia. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại cũng ớn vì sợ bị trả thù. Tôi bèn chịu khó dùng móc kéo từng về quậy mạnh trong nước cho rụng bớt lông, rồi kéo dồn lại một đống tại một chỗ đất hoang chờ khô mà đốt. Hôm sau cả gia đình kia ra cấy. Bà già nhanh chân xuống nước trước. Nhưng chỉ mới cấy được mấy cây lúa thì kêu ngứa cấy không được. Ông già và hai đứa con gái đều cười cho là tại bà muốn nghỉ nên nói như thế chứ nước gì mà lại ngứa cấy không được. Tôi làm gần đấy cười một mình: “chốc nữa biết liền”. Mấy phút sau quả thật người nào cũng nghe xuýt xoa. Suốt ngày đó họ không làm gì được. Qua một tuần không làm việc ở đó, khi tôi trở lại rẫy thì thấy đám ruộng kia đã cấy xong. Tôi cũng không hiểu họ đã làm cách nào mà cấy được. Lâu lâu nhớ tới chuyện đó tôi vẫn còn tức cười.”

    Một lần có một anh bạn khác cũng gặp một lùm mắt mèo, thấy những chùm trái treo lủng lẳng sặc sỡ đẹp quá liền ngắt mấy chùm cột với nhau rồi tự đeo lên cổ mình gọi là vòng hoa chiến thắng. Khốn nạn sau đó vì vòng hoa chiến thắng anh ta phải chịu rên khóc một đêm. Đã vấp phải mắt mèo thì chỉ có cách ráng chịu nóng hơ lửa mới giải nổi. Bữa nào đi đào củ ngải, cậu sẽ lo việc giải trừ dây mắt mèo cho!

    Chị Thành cười nghi ngờ hỏi Lễ:

    -Con đã dò chắc là chuyện có thiệt chưa? Khi nào họ bắt đầu thu mua?

    -Họ hẹn bắt đầu ngày mai. Mình cũng bắt đầu ngày mai. Con hi vọng chỗ đó rất ít người biết. Cậu Tín đã có kinh nghiệm về dây mắc cỡ tây và dây mắt mèo thì mình làm khỏe thôi.

    -Đừng! Nói vậy chứ cậu mới về chưa lại sức. Để cậu nghỉ ngơi một thời gian đã. Tụi con cứ theo như lời cậu mà làm là được rồi.

    Tín cười phấn khởi nói:

    -Em đi làm với các cháu được mà, không sao đâu chị. Có việc làm người nó khuây khỏa đi. Em đã tốt nghiệp đại học Địa Ngục rồi thì khó khăn nào mà chẳng làm được!

    -Thế con có báo cho bạn bè gì cùng đi làm không?

    -Cần gì mạ! Tụi nó biết tụi nó cũng giấu mình nữa đấy chứ!

    Thế là cả nhà quyết định hôm sau xuất hành. Suốt buổi tối hai anh em Lễ và Lộc bận rộn về việc mài lại cái dao cái rựa, giũa lại cái cuốc, tra lại cái cúp cẩn thận. Đây là lần đầu trong đời chúng tự lo cho công việc mà không đợi mẹ thúc đẩy.

    *

    Khi chị Thành thức dậy thì hàng xóm đã nhiều nhà lục đục nấu ăn. Bữa đó chị Thành nấu cháo nhiều hơn thường lệ.

    Trên đường ba cậu cháu gặp rất nhiều toán người cùng đi. Chưa tới địa điểm, Tín đã nghe tiếng người ồn ào như một cái chợ. Thằng Lễ nói:

    -Thế mà con cứ tưởng chỗ này không ai biết!

    Tới gần chỗ người ta tập trung, Tín mới thấy cái cảnh hỗn loạn xảy ra. Người đang cãi cọ phân chia tranh giành nhau. Có người định phá đào chỗ này mới bứt vài dây thấy khó lại đi thử chỗ khác. Những dây mắc cỡ tây lẫn dây mắt mèo cứ bị vứt ngổn ngang. Có một số người vướng trúng mắt mèo ngứa chịu không nổi phải bỏ về. Lại có một người bị rắn độc cắn, người thân phải cõng đi cấp cứu. Ai cũng muốn lựa nơi ít gai góc, ít dây mắt mèo. Đã có vài vụ tranh cãi gay gắt và cả đánh lộn cũng đã xảy ra. Tuy thế, chừng một giờ sau công việc cũng đi vào nề nếp ổn định.

    Gần trưa thì có một số viên chức xã ghé thăm. Họ chúc mừng dân chúng có công ăn việc làm đúng lúc. Viên trưởng công an nói ngày mai sẽ cử người đến lo an ninh trật tự. Ông cũng cho biết khu đất này là của huyện. Đồng bào có quyền đào củ ngải nhưng không được chiếm dụng để canh tác.

    Buổi chiều các vựa thu mua củ ngải hoạt động hết sức rộn rịp. Những người đem bán đầu tiên được trả tiền mặt đầy đủ. Trông người nào người nấy sắc mặt tươi rói, cười nói hân hoan cầm tiền trên tay mà phát thèm. Có lẽ đây là lần đầu từ khi sống với xã hội chủ nghĩa họ kiếm ra đồng tiền ít vất vả và không ai kiểm soát. Sau đó, thấy lượng củ ngải đưa về quá nhiều, các chủ vựa chỉ trả cho người bán 20%, phần còn lại họ ký biên nhận hẹn trả vào hôm sau.

    Hôm sau người đi đào ngải tăng lên gấp bội. Rút kinh nghiệm qua một ngày tranh giành lộn xộn không ai có lợi hết, ai cũng cố gắng tránh đụng chạm nhau. Với lại thu được đồng tiền khá ngon lành, lần này mọi người làm việc bên nhau vui vẻ hơn nhiều. Đến 8 giờ sáng thì một toán công an cùng du kích xã đến. Viện lẽ phải lo giữ trật tự công bằng, họ tính đầu người, chia từng khu và tính lệ phí. Ai có mang sẵn tiền đủ tiêu chuẩn thì được đào. Ai không có thì phải mượn chác ở người quen hoặc về nhà lấy.

    Chiều hôm đó người ta ngạc nhiên thấy phần lớn số củ ngải mang về chiều hôm trước vẫn còn nằm đó. Các chủ vựa đều giải thích chủ mua chưa thuê được xe. Nay mai họ sẽ đưa từng đoàn xe tải về. Ngày này các chủ vựa cũng chỉ tạm ứng 10% tiền mặt, còn thì tạm xác nhận bằng biên lai.

    Qua hai ngày làm việc, Tín thấy mỏi nhừ. Hai bàn tay Tín đều rướm máu. Mấy đứa cháu thanh niên hăng quá không biết là ông cậu phải cố gắng lắm mới chạy theo kịp mình. Nhưng Tín không than thở nề hà, vẫn vui vẻ theo hai cháu đi làm tiếp. Ngày làm việc thứ ba trở về Tín vẫn thấy các đống củ ngải còn đó. Thấy một đám đông đứng tụ lai như đang nghe chuyện gì có vẻ quan trọng,  Tín đi lại gần thì thấy một người đang cầm đọc tin tức trên tờ nhật báo Sài Gòn giải phóng.

    “Tin Sài Gòn giải phóng: Các nhà bác học thế giới vừa mới khám phá ra một loại củ ngải dùng chế thuốc chữa bệnh cùi rất hiệu nghiệm. Tin mới nhất cho biết loại củ ngải này cũng dùng bào chế được thuốc chữa nhiều chứng bệnh ung thư như ung thư màng óc, ung thư vú… Loại củ ngải hoang này được biết là có rất nhiều ở miền cao đông Nam bộ nước ta. Dân chúng vài nơi đã đào loại củ ngải này đem bán với một giá rất rẻ so với giá trị thật của nó. Nay mai đây khi hợp đồng xuất khẩu được ký kết có thể giá bán sẽ cao lên cả trăm lấn so với giá hiện tại. Đặc biệt loại củ ngải này để càng khô càng giá trị và để dành lâu mấy cũng được. Sắp tới đây nhà nước có thể đề ra chương trình đầu tư trồng loại củ ngải này…”.

    Ngày đó các chủ vựa cũng chỉ ứng 10% số tiền củ ngải mang về. Những người đào ngải bấy giờ bàn nhau chưa được trả tiền thì cứ mang về nhà cất đã. Củ ngải càng khô càng giá trị thì lo gì!

    Số người đào củ ngải mỗi ngày vẫn tiếp tục tăng. Lần lần cả bà già con trẻ cũng xuất trận. Nhưng sau này ít ai mang đến bán cho các vựa mà cứ mang tuốt về nhà. Nhiều nhà lựa những củ mập có chồi còn tươi đem trồng trong vườn. Dù đang mùa khô, họ vẫn gắng bòn nước để tưới.

    Riêng vựa ông Hai Viễn thấy ít người đem củ ngải tới cân, vội vàng đem tiền nhà ra trả hết số tiền thiếu. Các vựa khác không đủ sức trả tiền thiếu cũ cũng cố gắng trả tiền đủ cho những ai đem củ ngải mới đến cân. Bấy giờ thì dù trả tiền ngay cũng ít người chịu đem củ ngải đến bán ngoại trừ một số cần tiền để đóng lệ phí hay phải trả nợ gấp.

    Quả thật ý dân là ý trời! Sức mạnh của dân là sức mạnh của lực sĩ khổng lồ! Chỉ dưới 20 ngày với sự nhịn đói nhịn khát, dân kinh tế mới Bình Trạch đã xới nhuyễn hơn 20 mẫu tây đất cứng với nhiều chướng ngại vật như lớp lớp củ ngải lâu đời chằng chịt và lớp lớp dây mắt mèo mang đầy chất ngứa ác nghiệt.

    Cái khó khăn nhất của mọi người là chỗ chứa củ ngải. Hết bắp, hết mì, họ có thêm một số đồ đựng. Sau đó họ phải cất củ ngải dưới gầm giường, dưới nhà bếp… Hễ để hớ hênh là lập tức bị mất cắp. Các chủ vựa thì phải nhờ đến công an du kích giúp đỡ và thuê người canh giữ. Đống củ ngải của ông Hai Viễn lớn nhất, trông như một ngọn đồi.

    *

    Rồi nỗi lo lắng không còn là vu vơ nữa mà đến thật nhanh với mọi người. Hơn nửa tháng chẳng thấy xe ai lên chở hàng. Theo dõi một số báo ít oi cũng chẳng thấy tờ nào nhắc đến vụ củ ngải chế được thuốc thần nữa. Hỏi qua hỏi lại cũng chẳng còn ai nhớ ai đem tờ báo kia về và nay nó ở đâu. Người lo lắng nhất đương nhiên là ông Hai Viễn. Vựa ông thâu nhiều củ ngải nhất và trả tiền đầy đủ hơn ai hết. Cả cái nhà hương hỏa ở quê ông đã bán để đi kinh tế mới bây giờ tiền đã đem dùng gần sạch trong chuyến đầu tư này.

    Cuối cùng thì toàn dân xã kinh tế mới Bình Trạch đều cười ra nước mắt. Một ít tiền nhận được từ các chủ vựa không đủ để đóng lệ phí cho nhân viên an ninh trật tự xã. Các chủ vựa lại càng méo mặt hơn. Ông Hai Viễn cả đời chưa biết buôn bán, mới thử thời vận lần đầu đã tiêu tan cả sản nghiệp. Ông bỏ ăn bỏ uống khóc than nhiều ngày.

    Những người chòm xóm gặp nhau vẫn đùa nhau qua nụ cười méo xẹo:

    -Tiền bán củ ngải cất đâu rồi?

    -Tiền bán củ ngải đã sắm sửa gì chưa?

    Cái khó khăn mới đến với mọi người là việc thanh toán những đống củ kia. Một số người cứ đổ bừa ra đường đi gây rất nhiều trở ngại. Có người gom đống lại lấy lá kè tủ lên cho nó thối mục. Vườn nương những nhà cẩn thận lưu giống loại ngải hoang thuốc thần lúc này thấy một số ngải mọc lên xanh tươi mập mạp.

    Giống củ ngải dù khô rồi đốt vẫn rất khó cháy. Cách loại bỏ hữu hiệu sạch sẽ là đào lỗ sâu để dập chúng xuống. Chị Thành nhìn hai đứa con đang lấp đống củ ngải, miệng chửi lầm bầm:

    -Mụ cô cha tụi nó. Chữa bệnh cùi! Chữa bệnh ung thư! Tội nghiệp cậu Tín vừa ra tù cũng đóng góp 20 ngày lao động tích cực không uống được một ly nước giải khát.

    *

    Không có cách nào kiếm được một ít tiền để về quê, phải ăn bám vào người chị trong lúc gia đình chị cũng túng thiếu, Tín rầu muốn thúi ruột. Hằng ngày, hằng giờ, Tín nằm, ngồi, đi đứng quanh quẩn mà lòng không lúc nào yên. Lâu lâu chàng lại ngước mắt nhìn bầu trời trong vắt ngóng từng cụm mây, mong từng hơi gió. Ôi thiết tha sao một một đám mây đen hay một luồng gió lạnh báo hiệu mùa mưa sắp về!

    Buổi tối ấy Tín vừa ăn cháo xong thì có một người đàn ông ghé thăm nhà.

    -Chào chú Hải, khỏe chứ! Đến chơi vậy hay có việc gì đấy chú?

    -Chị dọn rẫy bái xong chưa? Tôi cũng định sang thăm ông cậu một chút và cũng tiện thể nói với thằng Lễ thằng Lộc một chuyện.

    Ông Hải hỏi thăm Tín một lúc rồi đi thẳng vào vấn đề:

    -Tôi có thầu đi đào lỗ trồng cà phê cho người ta. Thằng Lễ thằng Lộc có muốn đào thì ngày mai đi với tôi. Tính số lỗ đào mà ăn tiền.

    Chị Thành cười mà hỏi lại:

    -Đào có giống như đào củ ngải không đó? Ai trả tiền? Lần này có làm thì ngày nào phải lấy tiền ngày nấy chứ không ai dại nữa đâu!

    -Chị khỏi lo. Đào ngày nào tôi trả tiền ngày ấy không thiếu một xu.

    Hôm sau ba cậu cháu Tín đến nhà ông Hải để cùng đi. Vùng đào lỗ cà phê chính là vùng mà dân xã Bình Trạch mới đào củ ngải. Tín thấy một người đàn ông khá to con đang điều khiển một toán người dọn dẹp rác rến. Trông người đàn ông Tín thấy quen quen, trán hơi hói, cặp mắt lé mài mại. Tín chắc chắn là đã gặp ông ta ở đâu rồi. Tín cứ nhìn người đàn ông ngẩn ngơ cố moi trí nhớ của mình. Ông Hải đến gần Tín nói nhỏ:

    • Làm bí thư huyện ủy mà còn lo kinh doanh cây công nghiệp dữ chưa! Vùng đất ông ta chiếm ít nhất cũng hăm lăm mẫu!

    Tín sực nhớ ra, đúng là viên huyện ủy đi chuyến xe về Bình Trạch xem đất ngày Tín mới ra tù. Tín buột miệng nói:

    • À à! Hèn chi!

    Ông Hải tuy nghe lời thốt của Tín nhưng hoàn toàn không biết Tín muốn nói gì.

    Ngô Viết Trọng

     

    Nguồn : tác giả

    Trở về tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân

    Trở về Trang Ngô Viết Trọng