Bob Kerrey và Oan Nghiệt Làng Thạnh Phong / Toàn Như

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những dấu hiệu nồng ấm xích lại gần nhau. Một trong những dấu hiệu tích cực đáng chú ý là, cùng với việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến đi của Tổng thống Barack Obama lần này còn có việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam mà tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam viết tắt là FUV.

Tưởng cũng nên nhớ, trước đó vào tháng 7-2015, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng đã được chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Đại học Fulbright Việt Nam tại New York. Trường đại học này sẽ là cơ sở giáo dục với 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận. Trường có trụ sở đặt tại Sàigòn và khóa học đầu tiên dự trù sẽ khai giảng vào tháng 9 năm 2016. Người được chỉ định đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch đầu tiên của Đại Học Fulbright Việt Nam là Joseph Robert Kerrey, thường được gọi tắt là Bob Kerrey (xin đừng lầm với ông Ngoại (trưởng) John Kerry). Mọi việc đáng lẽ đã được tiến hành tốt đẹp nếu không có một vài dư luận đang ồn ào từ Việt Nam không đồng tình với việc bổ nhiệm ông Kerrey vào chức vụ đã định. Họ viện cớ ông Bob Kerrey, nguyên là một cựu chiến binh Mỹ từng gây ra nhiều tội ác trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, không xứng đáng để đứng đầu một cơ sở giáo dục như Đại Học Fulbright Việt Nam.

Ồn ào nhất trong số trong số những người chống đối ông Bob Kerrey là bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội CSVN, hiện nay đang là Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát Triển của Thành Hồ. Việc bà Thị Ninh chống đối cũng dễ hiểu vì bà nguyên là một du học sinh (thân cộng) tại Pháp từ năm 1964 nhưng lại về nước phục vụ dưới thời VNCH từ năm 1972. Sau tháng Tư năm 1975 bà đã sớm “giác ngộ” tham gia vào binh đoàn “cách mạng ba mươi” rất sớm. Theo bà, ông Kerrey là người đã từng trực tiếp tham gia vào một vụ thảm sát những thường dân – bao gồm cả phụ nữ và trẻ em – tại làng Thạnh Phong năm 1969 cho nên ông không thể là người chỉ huy cơ sở đại học này. Bà nói: “ông Kerrey không thể nhân danh sự cần thiết của việc giáo dục hướng tới tương lai mà xóa bỏ sự thật này.”

Thật ra, những tố cáo của bà Tôn Nữ Thị Ninh và những người phản đối ông Bob Kerrey đã căn cứ vào một bài báo trên tờ The New York Times từ 15 năm trước. Vào tháng 4 năm 2001, tạp chí này đã đăng một bài báo của ký giả Gregory Vistica, dựa theo lời kể của một cựu thành viên trong toán biệt kích do ông Kerrey chỉ huy ở Việt Nam, tố cáo ông Kerrey đã chỉ huy cuộc thảm sát ở làng Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre, trong một cuộc hành quân vào tháng 2 năm 1969.

Được biết, ông Joseph Robert “Bob” Kerrey, sinh ngày 27/8/1943, nguyên là một chính trị gia khá nổi tiếng trong chính giới Hoa Kỳ. Ông từng là cựu thống đốc tiểu bang Nebraska (1983-1987) rồi thượng nghị sĩ liên bang cũng của tiểu bang Nebraska trong 2 nhiệm kỳ từ 1989 đến 2001. Ông cũng từng tham gia tranh cử làm ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân Chủ năm 1992 (nhưng không thành công, thua ông Clinton). Ngoài ra, ông còn là một cựu chiến binh đã tham chiến trong chiến tranh Việt Nam và đã được tặng thưởng nhiều huy chương nhờ những hành động chỉ huy được cho là can đảm xuất sắc của ông trong đó có cả cuộc hành quân tại làng Thạnh Phong ngày 25/2/1969. Trong bản tuyên dương để tặng thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Đồng cho chiến công này có ghi là, “kết qủa của cuộc truy quét đã giết được 21 Việt Cộng, phá hủy hai túp lều và bắt giữ được hai vũ khí.”

Sự việc như trên tưởng đâu đã được ghi vào chiến tích làm sáng danh sự nghiệp của cựu chiến binh Bob Kerrey nếu như không có bài báo nói trên. Ký giả Gregory Vistica, tác giả bài báo, dựa vào lời tố cáo của Gerhard Klann, một cựu thành viên trong toán biệt kích SEAL’s (Sea Air Land) do Kerrey chỉ huy ở Việt Nam trước đây, đã viết rằng, vào đêm ngày 25-2-1969, toán biệt kích do Thiếu Úy Bob Kerrey chỉ huy trong một cuộc hành quân đã bắn và giết khoảng 13 hoặc 14 phụ nữ và trẻ em trong làng Thạnh Phong (tuy nhiên, trong bản tuyên dương chiến công của Kerrey lại ghi là 21 người ?).

Rõ ràng sự kiện trên đã được kể dưới hai ngữ cảnh hoàn toàn khác. Vậy đâu là sự thật và vì sao mãi hơn 30 năm sau nó mới được kể lại một cách khác lạ như vậy? Có hay không một vụ thảm sát đã xảy ra ở làng Thạnh Phong ngày ấy?

Nghi án làng Thạnh Phong

Vì câu chuyện thảm sát nói trên đã được kể dưới hai ngữ cảnh khác nhau nên theo tôi, có thể nói, nó còn là một nghi án. Hơn nữa, vì sao mãi hơn 30 năm sau nó mới được kể ra?

Theo báo cáo của Kerrey, vào năm 1969, làng Thạnh Phong thuộc quận Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa), là một cứ điểm của Việt cộng, ở trong một vùng được coi là một trong những vùng nguy hiểm nhất ở miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Tỉnh Bến Tre hay Kiến Hòa từng được Việt cộng tôn vinh là “quê hương đồng khởi” nên có thể nói đây là một địa bàn rất mất an ninh. Vào ngày 25/2/1969, toán biệt kích của Kerrey được lệnh hành quân đến làng Thạnh Phong vì có tin tình báo cho biết tại đây đang có một cuộc họp các cán bộ cao cấp VC. Theo báo cáo của Kerrey, khi toán biệt kích của ông đi đến gần ngôi làng thì đã bị súng từ trong làng bắn ra. Do đó, họ đã bắn trả về phía làng mà không hề biết có những thường dân trong lằn đạn giao tranh. Chỉ sau khi cuộc hành quân chấm dứt, trong lúc lục soát ngôi làng, họ mới biết có khoảng 13, 14 người gồm phụ nữ và trẻ em đã bị giết. Không biết trong số những người bị chết có ai là cán binh cộng sản hay không, hay họ chỉ là những thường dân, những nạn nhân ở giữa hai lằn đạn; còn những cán bộ cộng sản cao cấp như tin tình báo thì đã cao chạy xa bay.

Báo cáo của Kerrey đã được hầu hết các thành viên trong toán biệt kích xác nhận và ủng hộ, ngoại trừ Gerhard Klann mãi đến năm 2001 mới có một báo cáo khác được ghi lại trên tờ The New York Times. Trái ngược với Kerrey, Klann đã mô tả, toán của Kerrey đi vào làng mà không có một tiếng súng nào từ trong làng bắn ra. Họ đã gom các dân làng lại rồi nổ súng giết hại họ rồi bỏ đi vì lo sợ các dân làng có thể báo động cho đồng bọn.

Kerrey cho rằng lời tố cáo của Klann là vô lý vì nếu do sợ bị dân làng báo động mà lại nổ súng thì chẳng khác nào tự để lộ hình tích. Do đó, Kerrey phản bác lại và tố cáo Klann chỉ vì ganh tức Kerrey đã không hỗ trợ để anh ta được tưởng thưởng Danh Dự Bội Tinh (Medal of Honor) cho một công tác khác sau này nên đã nói những điều không đúng sự thực. Tuy nhiên, mặc dù không nhìn nhận lời tố cáo của Klann là đúng sự thật, nhưng hồi tưởng lại tấn thảm kịch này, Kerrey đã nói: “Điều mà tôi sẽ nhớ cho đến chết là lúc bước vào và nhìn thấy. Tôi không biết có phải là 14 (người) hay không. Ngay cả những con số đàn bà và trẻ em bị giết tôi cũng không biết. Tôi cứ tưởng tìm thấy xác chết những người lính VC với vũ khí. Nhưng thay vào đó lại là phụ nữ và trẻ em.” Ông cũng bày tỏ sự ân hận và cảm thấy tội lỗi về sự kiện này rằng: “Bạn sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ có thể quên được nó. Hôm đó trời quá tối. Tôi đã nghĩ chết cho quê hương là một điều tệ hại có thể xảy ra, nhưng tôi không nghĩ nó là như thế. Tôi nghĩ giết (người ta) cho quê hương mình có thể còn tệ hại hơn.” Ông nói, tuy nhiên, dù sự việc như thế nào, ông vẫn nhận trách nhiệm về biến cố này.

Mặc dù có hai báo cáo trái ngược nhau như thế nhưng nếu để ý sẽ thấy lời tố cáo của Klann có nhiều điểm không hợp lý. Klann kể rằng các biệt kích đã nổ súng chỉ tại ở một địa điểm trong khoảng thời gian trong vòng một phút. Căn cứ vào báo cáo sau cuộc hành quân, toán biệt kích đã sử dụng khoảng 1,200 viên đạn trong đêm hôm đó. Với một toán biệt kích 6 người từng được huấn luyện kỹ càng mà phải cần tới một cấp số đạn nhiều như thế để giết chết 14 người trong khoảng cách 10 feet (khoảng 3 mét) thì thật là phí phạm và vô lý. Hơn nữa, với dân số trong làng khoảng trên 100 người, tại sao toán biệt kích lại chỉ tàn sát có 13, 14 người. Như vậy, những người kia ở đâu, con số những người sống sót trong cuộc hành quân này chắc chắn phải là rất nhiều; nhưng sao lại chỉ có một mình bà Bùi Thị Lượm được cho là người phụ nữ sống sót ở làng Thạnh Phong kể lại câu chuyện cho phóng viên The New Yoork Times đi tìm hiểu sự thật sau khi có lời tố cáo của Klann. Phải chăng bà là một cán bộ của nhà nước VC được chỉ định để làm công tác tuyên vận này?

Tranh cãi chuyện ông Kerrey và Đại Học Fulbright Việt Nam

Như vậy, có thể nói lời tố cáo của Gerhard Klann là không đáng tin cậy. Vụ thảm sát ở làng Thạnh Phong chỉ là một hậu qủa đáng tiếc của một cuộc hành quân mà ông Kerrey đã chỉ huy và nghi vấn này vẫn cần thêm nhiều chứng cứ để xác minh. Tuy nhiên, mặc dù còn là nghi án, nó vẫn đang làm cho việc bổ nhiệm ông Kerrey vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ phía Việt Nam mặc dù trường Đại Học này được thành lập một phần cũng do công lao của ông vận động. Ngay từ năm 1991, ông đã vận động phân bổ tiền từ Quỹ Fulbright của Mỹ để thành lập một trường đào tạo cao đẳng tại Sàigòn. Chương trình này được gọi là Đại Học Harvard Việt Nam do ông Thomas Vallely làm giám đốc. Tiếp theo đó, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1995, chương trình này, một lần nữa lại được ông Kerrey vận động nâng cấp và mở rộng để trở thành Đại Học Fulbright Việt Nam như ngày nay.

Vì có những ý kiến chống đối, ông Kerrey lúc đầu nói rằng, ông “sẵn lòng rút lui” nếu sự tham gia của ông làm ảnh hưởng tới sự thành công của FUV. Tuy nhiên sau đó ông lại phát biểu khẳng định, ông sẽ không từ chức Chủ tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam dù phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận. Theo ông, chức danh chủ tịch hội đồng tín thác FUV nghe có vẻ to tát nhưng ở Hoa Kỳ, thực chất người đảm nhiệm chức vụ này chỉ là người đóng vai trò gây quỹ cho trường, một công việc mà ông nghĩ ông đã có nhiều kinh nghiệm có thể giúp cho FUV hoạt động có hiệu qủa. Ngân sách dự kiến cho FUV hoạt động là 70 triệu đô la Mỹ, trong đó giai đoạn I và II của dự án đã được cấp kinh phí tổng cộng 25.3 triệu; số còn lại cho giai đoạn III cũng là giai đoạn cuối là 44.7 triệu dự trù sẽ đến từ những nhà bảo trợ ở Hoa Kỳ mà sự vận động của ông Kerrey sẽ rất là cần thiết.

Như vậy rõ ràng ông Kerrey đã muốn tỏ thiện chí để phần nào chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ mà ông đã vô tình gián tiếp  can dự. Ngoài ra, ông cũng đã nhiều lần phát biểu bày tỏ sự ân hận về sự việc đã xảy ra ở làng Thạnh Phong, dù rằng nó đã xảy ra ngoài chủ đích của ông.

Thực ra những người chống đối ông Kerrey như bà Tôn Nữ Thị Ninh chỉ là những kẻ đạo đức giả. Hầu hết họ là những tín đồ trung thành của chủ nghĩa cộng sản mà chủ trương của họ là lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Người cộng sản là những người không ngần ngại sử dụng những hình thức bạo lực, kể cả giết người, để đạt được mục đích mong muốn. Lịch sử đã chứng minh điều này. Hoạt động của các đảng cộng sản trên thế giới trong đó có đảng cộng sản VN đã hoạt động chẳng khác gì một băng đảng mafia coi mạng người thật rẻ. Trong cuộc chiến quốc cộng vừa qua tại Việt Nam, đảng CSVN đã phạm nhiều tội ác giết người còn man rợ tàn nhẫn gấp nhiều lần so với cuộc thảm sát ở làng Thạnh Phong, nếu có. Có rất nhiều thí dụ có thể dẫn chứng mà nổi bật là vụ giết gần hai trăm ngàn người trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953-1956), hay vụ thảm sát hơn năm ngàn người dân vô tội ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968, hay vụ pháo kích giết hàng ngàn đồng bào trên đường di tản trên “đại lộ Kinh Hoàng” dọc theo Quốc lộ 1 trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị, hay vụ pháo kích giết các em học sinh ở trường tiểu học Cai Lậy năm 1974, v.v… Thật là nực cười những kẻ sát nhân hay từng thuộc về cái đảng mafia có tên gọi là đảng cộng sản VN lại lên mặt đạo đức (giả) phản đối ông Kerrey làm chủ tịch đại học FUV chỉ vì ông là người đã chỉ huy cuộc hành quân ở làng Thạnh Phong gần 50 năm trước (1969) gây thương vong cho nhiều thường dân dù đó chỉ là một bi kịch, có thể là hậu quả của bom rơi đạn lạc trong chiến tranh chưa được xác định.


Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt gần một nửa thế kỷ, Việt cộng vẫn thường kêu gọi “hoà hợp hoà giải”, xoá bỏ hận thù, xếp lại quá khứ để hướng đến một tương lai tốt hơn cho Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, những điều ấy chỉ là những khẩu hiệu dành riêng cho những người “bên thua cuộc” chứ không phải là khẩu hiệu chung cho cả hai bên trong đó có đảng CSVN.

Tuy có những tranh cãi ồn ào về ông Kerrey như thế, nhưng người viết tin rằng, mọi chuyện rồi sẽ lắng đọng và người ta sẽ hiểu biết hơn, thông cảm hơn để giúp cho Đại Học Fulbright Việt Nam đi vào hoạt động. Hy vọng với những kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lãnh vực giáo dục cũng như trong lãnh vực chính trị, cũng như nhờ vào uy tín cá nhân, ông Bob Kerrey sẽ giúp cho đại học FUV bước những bước tiến tích cực hiệu quả trong những ngày sắp tới.

TOÀN NHƯ