Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 11

th (7)

Trong trận đánh vào Đồ Bàn năm Đinh Tị*, vua Duệ Tôn đã bị mất tích trên chiến trường, không tìm xác về được. Thượng hoàng Nghệ Tôn phải cho đẽo cốt dâu để tượng trưng cho thể xác ngài, rồi làm lễ chiêu hồn nhập xác, đem an táng ở Hy Lăng. Thượng hoàng thương Duệ Tôn đã vì nước hi sinh nên lập con trưởng của vua là Kiến Đức vương Trần Hiện nối ngôi. Tháng 5 năm ấy, Kiến Đức vương Trần Hiện đăng quang tự xưng là Giản hoàng, đổi niên hiệu là Xương Phù. Giản hoàng tiếng là làm vua nhưng hầu hết mọi việc quan trọng trong triều vẫn do Thượng hoàng Nghệ Tôn chủ trương cả.
Thấy quân nhà Trần bị thảm bại dưới tay Chế Bồng Nga nhiều lần, vua nhà Minh nẩy sinh ý đồ thôn tính Đại Việt. Tuy bên ngoài nhà Minh vẫn đóng vai kẻ cả, dùng những lời đạo đức suông để hòa giải, can ngăn đôi bên nhưng bên trong lại ngầm khích lệ Chiêm Thành gây hấn với Đại Việt. Với lý do hợp tác bắt giặc biển, nhà Minh cử sứ đi lại với Chiêm Thành nhiều hơn và ban cho vua Chiêm nhiều ân sủng đặc biệt. Năm Kỷ Mùi*, vua Minh ban cho vua Chiêm một bộ y phục dát vàng với thư dụ như sau:
“Đạo của Đế Vương đối xử cùng chung một lòng nhân, nên cũng muốn nơi hải ngoại được yên ổn vô sự. Chiêm Thành vị trí tại phía tây nam, cách biển, cách núi, nhưng biết lấy lẽ bầy tôi phụng sự Trung Hoa, mấy lần cống phương vật. Mới đây sai sứ cống voi, lòng thành đáng khen. Trong tờ biểu tâu rằng vẫn còn giao tranh với An Nam, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên Chiêm Thành và An Nam cương giới đã định từ xưa, mỗi nước nên giữ đất an dân, chớ nên tranh giành, đạo trời vốn ghét, không thể không lấy làm răn. Nay ban cho khanh y phục thêu rồng vàng, ngựa tốt. Khi vật đưa đến, hãy nhận lấy.”
Trong khi đối với nhà Trần, vua Minh đã cố tình làm khó, gây sự. Như khi nhà Trần cho Lê Đình Thám sang cáo phó, nói vua Duệ Tôn đi tuần biên giới bị chết đuối và báo việc lập vua nối ngôi thì người Minh không chấp nhận. Sứ thần Lê Đình Thám phải ra sức biện bạch vua Minh mới sai người sang điếu tang. Khi vua Minh đem ý định thôn tính Đại Việt bàn với triều đình, Thái sư Lý Thiện Trường can:
-Em chết vì nạn nước mà anh lập con em lên, xem việc người như vậy thì có thể biết được mệnh trời. An Nam chưa thể tính được đâu!
Vua Minh nghe lời, bèn tạm dẹp ý định ấy.
Ở Đại Việt, Giản hoàng mới lên ngôi một tháng quân Chiêm Thành lại sang. Được tin giặc sắp đến, Thượng hoàng sai Cung Chính vương Trần Sư Hiền đem quân trấn giữ cửa biển Đại An. Chế Bồng Nga biết được cửa Đại An có binh chống giữ thì tránh đi mà tiến thẳng tới cửa biển Thần Phù rồi tiến ngược lên Thăng Long. Quân Đại Việt đã mất tinh thần không chống nổi, lại tan tác bỏ chạy. Thượng hoàng cùng Giản hoàng lại phải rời khỏi Thăng Long để lánh nạn. Quân Chiêm Thành lại một phen tha hồ cướp phá kinh thành. Hôm sau quân Chiêm ngang nhiên xuôi thuyền chở chiến lợi phẩm trở về Chiêm bằng chính cửa Đại An. Đạo quân của Cung Chính vương Trần Sư Hiền đóng giữ ở đây né tránh không dám truy cản. Nhưng lần này quân Chiêm đã gặp rủi ro. Đội quân chiến thắng mới về được nửa đường trời bỗng nổi bão tố rất lớn. Gần nửa phần số binh thuyền đi trận về bị lật chìm trên biển làm quân Chiêm chết đuối cả vạn người. Những chiến lợi phẩm mang từ Đại Việt về hầu hết phải vứt xuống biển cả. Thành ra quân Chiêm tuy đại thắng nhưng khi trở về lại tả tơi chẳng khác một đám bại binh. Rốt cuộc, thay vì tổ chức tiệc liên hoan khải hoàn, Chiêm vương lại phải cho tổ chức lễ chiêu hồn truy điệu tử sĩ.
Nhưng lần này quân Chiêm cũng để lại cho Đại Việt một kinh thành đổ nát hoang tàn như lần trước. Thượng hoàng cùng Giản hoàng đã hồi cung với bao nỗi nghẹn ngào, cay đắng trong lòng. Quốc khố đã rỗng tuếch, lấy gì để xây dựng lại? Dù có khả năng xây dựng lại đi nữa, liệu có giữ gìn được không? Nay mai quân Chiêm lại sang nữa biết làm sao? Muốn xây dựng lại phải làm sao nuôi quân, dưỡng tướng, luyện tập cho tinh thục, đủ khả năng chống giặc trước đã! Nghĩ vậy cho nên Thượng hoàng chỉ cho dựng những căn nhà dã chiến để trú ngụ tạm thời, vua quan đều phải sống như thế. Ngài cũng cho tuyển thêm quân và bổ nhiệm thay thế nhiều cấp chỉ huy trong quân đội.
Vì thiếu nhân lực để bổ sung cho quân đội, Thượng hoàng hạ lệnh cho thiền sư Đại Than lựa lấy những người tu hành đang trẻ khỏe và không có độ điệp* ở trong nước ra làm lính. Thật sự từ khi vua Duệ Tôn mất, không còn ai đủ sức ghìm được cái đà suy yếu của nhà Trần nữa. Bên ngoài Chiêm Thành cứ chực chờ xâm nhập quấy phá, bên trong loạn lạc cứ xảy ra liên miên. Trước tình trạng nhiễu nhương đó, rất nhiều trai tráng đã tìm vào các am, các chùa, mượn tiếng tu hành để cầu chước an thân. Biết được tệ nạn ấy nên Thượng hoàng phải ban lệnh này.
Ngoài ra, vì sợ người Chiêm cướp phá xúc phạm đến tổ tiên mình, Thượng hoàng cũng cho rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, ở Thái Đường, ở Long Hưng và ở Kiến Xương đưa về An Sinh cho dễ bảo vệ hơn.
Vấn đề lương thực, tiền bạc cũng trở thành một nỗi ưu tư to lớn của Thượng hoàng. Hiểu được tâm trạng ấy, Đỗ Tử Bình lúc bấy giờ đang bị đày làm lính xa xứ viết một bức thư nhờ một thuộc cấp cũ là Nguyễn Kim Ngao đang giữ chức quản lĩnh đội quân Thần Vũ dâng lên Thượng hoàng. Trong thư Tử Bình khiếu oan về việc cũ và hứa nếu Thượng hoàng xá tội và cho phục chức, y sẽ dâng một kế hoạch mới có thể tạo thêm một nguồn thu nhập tài chánh cho nhà nước. Thượng hoàng bèn cho đòi Tử Bình về yết kiến. Vụ 10 mâm vàng có lẽ không còn ai làm nhân chứng nênThượng hoàng không nhắc đến mà chỉ hỏi y về tội tự ý lui quân:
-Trước kia, khi vua Duệ Tôn bị hãm vào trận của giặc trăm phần nguy cấp, ngươi chỉ huy hậu quân lẽ ra phải tiến lên giải cứu cho người, tại sao ngươi lại rút lui?
-Bẩm Thượng hoàng, chỉ có những người trong cuộc, phải thấy được cái thực tế của trận địa mới biết việc làm của hạ thần lúc ấy gay go đến mức nào. Đức Duệ Tôn bị dụ vào một vùng đất hiểm nghèo, đường sá chật hẹp, khúc khuỷu, đá két gập ghềnh. Người ngựa đều phải len lỏi tiến hàng một rất khó khăn. Không những thế, hai bên đường đầy dẫy những hang hố thiên nhiên, giặc đã phục sẵn để bắn giết mà ta không thể nào đề phòng chống trả được! Địa thế vùng này có thể xếp vào loại đất hiểm “một người cố thủ có thể chống nổi trăm người”. Lực lượng Chiêm Thành lại hùng hậu và rành rõi địa thế. Cái thế phải thua của quân ta đã thấy rõ! Liều mạng tiến lên cứu đức vua chỉ là một hành động thiêu thân. Không những hạ thần phải chết mà tất cả đội quân do hạ thần chỉ huy cũng sẽ phải chết hết. Nhưng nếu không chịu tiến quân để cứu đức vua, thần cũng cầm chắc bị Thượng hoàng trị tội. Theo đúng quân pháp là xử tử. Đằng nào hạ thần cũng phải chết cả. Hạ thần đã đắn đo suy nghĩ vấn đề: Thà rút lui để chịu tội chết một mình còn lợi hơn tiến lên một cách liều lĩnh, vô vọng, để chết uổng cả một đạo quân! Phải để dành số nhân lực ấy cho triều đình sử dụng trong việc phục thù cho đức Duệ Tôn!
-Ngươi đã biết cái thế đất hiểm “một người giữ có thể chống nổi một trăm người” ấy sao không can ngăn đức vua để người phải lâm vào thảm họa đó?
-Bẩm, Đại tướng Đỗ Lễ đã can ngài, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng đã can ngài mà ngài đều chẳng nghe, hạ thần đâu dám can nữa!
-Ngươi biện bác cũng khéo đấy! Thế bây giờ hãy nói rõ kế hoạch mới tạo thêm nguồn tài chánh cho nhà nước của ngươi như thế nào ta nghe thử. Nếu nghe được, ta sẽ xá tội cho ngươi!
-Bẩm, theo phép cũ, lâu nay nước ta chỉ đánh thuế vào những người có ruộng lúa, bãi dâu, đầm cá còn những người làm thuê làm mướn thì không. Xin bệ hạ đặt ra ngạch “thuế đinh” để đánh vào những hạng người đã trưởng thành nhưng không ruộng đất mà cũng không ra lính ấy. Loại thuế này trước kia nhà Đường cũng đã áp dụng gọi là thuế “dung”. Cứ mỗi năm mỗi đinh nam phải thu ba quan, như vậy nhà nước sẽ thu thêm được một số tài chánh.
Thượng hoàng nghe xong nói:
-Đặt ra thứ thuế này kể ra cũng thiệt thòi cho dân đinh đấy. Nhưng ngộ biến đành phải tùng quyền thôi. Ta cứ tạm ban hành luật thu thuế đinh một thời gian. Sau này khi đất nước khá hơn ta sẽ cho bãi bỏ.
Thế rồi Thượng hoàng hạ chiếu xá tội Đỗ Tử Bình và cho y được phục chức.
Ngạch “thuế đinh” của nước Đại Việt bắt đầu được áp dụng từ đấy!
Nói về Trần Húc từ khi được Chế Bồng Nga gả công chúa Hoa Lài cho, vợ chồng chàng sống với nhau rất mực đầm ấm. Công chúa Hoa Lài ăn ở rất khéo léo, chẳng bao lâu nàng đã giúp chồng quên đi thân phận của một kẻ bại trận để thích hợp với hoàn cảnh mới: con rể của Quốc vương. Tuy chàng không được tham dự vào chính sự của triều đình, không có một chức quyền chính thức nhưng được hưởng cái thú nhàn hạ, vô ưu. Vợ chồng chàng có đủ vàng bạc, dư thì giờ để ngao du đây đó, để tham dự bao nhiêu cuộc vui không một chút lo nghĩ. Những buổi tiệc tùng lạ lẫm vui nhộn, những đêm ca vũ huyền ảo dị thường đã làm Trần Húc say mê. Quá hài lòng với hạnh phúc đang có, chàng không còn mong muốn xảy ra một sự đổi thay nào nữa…
Ngày kia công chúa Hoa Lài bỗng nhắc chồng:
-Trước khi tổ chức hợp hôn cho đôi ta, phụ vương có nói chàng sẽ có cơ may trở về làm vua nước Đại Việt chàng nhớ không?
Trần Húc thành thật nói:
-Được sống hạnh phúc bên nàng như hiện nay ta thật thỏa mãn lắm rồi. Ta chẳng mong ước gì hơn nữa. Ngôi cao quyền lớn chỉ làm khổ chứ có mấy khi thật sự mang lại hạnh phúc cho con người! Nàng hãy quên chuyện đó đi!
Công chúa Hoa Lài nói:
-Không phải thiếp có ý xúi giục chàng tìm công danh phú quí cao xa hơn nữa đâu! Thật sự phụ vương vừa cho thiếp biết ý định của người. Chắc hẳn nay mai chàng sẽ được cất nhắc vào ngôi vị ấy! Như vậy là phụ vương đã quyết. Chàng không nên cưỡng lại ý muốn của người! Giờ đây, ngày nào còn vui chơi được chàng cứ vui chơi cho thỏa, biết đâu rồi chẳng còn cơ hội nữa!
Trần Húc nghe vợ nói có vẻ lo lắng. Thế là chàng sắp phải giã từ cuộc sống vui vẻ hồn nhiên hiện tại. Ta sẽ về làm vua Đại Việt ư? Chàng liên tưởng ngay tới những bước đường chông gai mà mình sẽ phải dẫm lên! Chàng mơ hồ nhớ lại lời Chiêm vương đã nói với chàng trước kia: “Chiêm vương sẽ đánh bại và bắt giữ Thượng hoàng. Chính chàng sẽ đứng ra cứu mạng cha già! Và chàng sẽ trở thành vua nước Đại Việt!”. Nếu sự việc diễn ra như thế thì thật bẽ bàng! Chàng hỏi lại công chúa Hoa Lài:
-Tại sao phụ vương không trực tiếp cho ta hay kìa? Người nói bao giờ bắt đầu công việc?
Thấy Trần Húc đón nhận cái tin này với thái độ không mấy thoải mái, công chúa Hoa Lài cười chế giễu:
-Bộ chàng không mong cái ngày tươi sáng ấy sớm đến sao?
-Nhưng ta về Đại Việt bằng cách nào đây? Vả lại, Đại Việt đã lập vua mới, ta làm sao có thể làm vua Đại Việt được?
-Việc đó thiếp không hiểu, nhưng phụ vương đã nói chắc như vậy!
Vợ chàng cũng chẳng biết gì hơn nữa sao? Đành phải chờ đợi xem Chiêm vương tính liệu thế nào. Trần Húc tự nhủ: “Cũng không sao! Làm tù còn được huống là làm vua! Cứ mặc cho số phận đưa đẩy vậy. Giờ cứ vui chơi được ngày nào hay ngày ấy!”
Mùa hạ năm Mậu Ngọ*, vua Chế Bồng Nga cho gọi chàng đến gặp ông ta để bàn việc. Chế Bồng Nga nói:
-Ngươi sắp trở về làm vua Đại Việt đấy nhé! Hãy chuẩn bị đi là vừa! Còn thắc mắc điều gì nữa không?
Nhớ lời vợ đã dặn, Trần Húc từ tốn trả lời:
-Tâu bệ hạ, công danh phú quí dĩ nhiên ai cũng ham. Nhưng tiểu tử chỉ là một kẻ bất tài, may được bệ hạ rộng lượng đùm bọc mới còn được tấm thân. Việc này ngoài tầm tay tiểu tử không dám tự quyết định. Nay bệ hạ dạy bảo thế nào tiểu tử xin nghe theo thế ấy thôi!
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ngươi biết điều như vậy là tốt lắm. Khách quan mà nói, lẽ ra cái ngai vàng của Đại Việt hiện nay phải thuộc về ngươi. Ngươi là con trưởng của Thượng hoàng Đại Việt cơ mà! Nhưng bây giờ cái ngai vàng ấy đã thuộc về Trần Hiện (Giản hoàng)! Chính ta đã làm ngươi lỡ mất cơ hội. Bởi vậy, ta tự thấy có bổn phận phải giúp ngươi giành lại cái ngai vàng ấy. Nhưng giành lại ngai vàng bằng cách nào đây? Ta nghĩ, chỉ có cách dùng vũ lực để loại trừ Trần Hiện mà thôi! Vẫn biết rằng quân Chiêm ta hiện nay rất mạnh và quân Việt lại suy yếu thật đấy, nhưng ngươi còn thiếu một yếu tố cần thiết, đó là lòng dân! Nếu chỉ dùng quân Chiêm để đánh đổ Trần Hiện rồi đưa ngươi lên, ngươi sẽ bị coi như bù nhìn của ngoại bang, mất hết chính nghĩa! Muốn hóa giải nan đề đó, chính ngươi phải trực tiếp bắt tay vào công việc mới xong!
Trần Húc nghe Chiêm vương nói đâm ra lo lắng:
-Tâu bệ hạ, tiểu tử có thể làm được gì trong việc này?
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ta biết Đại Việt vẫn có tên cũ là An Nam, ngày nay người Trung Hoa vẫn gọi Đại Việt là An Nam! Vậy, ngươi phải lấy danh nghĩa là An Nam vương để tranh thủ lòng dân với Trần Hiện! Chuyến này ngươi hãy theo ta sang đánh Đại Việt. Quân ta chiếm được khu vực nào ngươi sẽ chiêu dụ dân bản xứ ở khu vực đó. Ta cho phép ngươi được tùy tiện đặt để các quan chức để trị dân theo nhu cầu. Nếu làm được như thế chắc không bao lâu cái ngai vàng của Đại Việt sẽ trở về tay ngươi!
-Tâu bệ hạ, dù Trần Hiện trên danh nghĩa là vua Đại Việt, nhưng trên thực tế Thượng hoàng vẫn nắm mọi quyền hành. Tiểu tử là con của Thượng hoàng mà lại hiệu triệu quân dân nổi lên đánh nhau với Thượng hoàng thì thật lỗi đạo! Không những tiểu tử phải xấu hổ mà thiên hạ chắc hẳn cũng không nghe theo đâu!
-Ngươi cứ làm theo lời ta! Mười người cũng có một hai người nghe. Con người mấy ai chẳng ham danh lợi? Dần dần chức tước, quyền lợi sẽ lôi kéo chúng sau. Nếu không chịu làm như thế bao giờ ngươi mới chiếm lại được ngôi báu?
Trần Húc bất đắc dĩ phải vâng lệnh. Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ta sẽ giao hết những người Đại Việt đã đầu hàng ta cho ngươi quản lãnh!
Đầu tháng sáu cùng năm, Chế Bồng Nga cùng Trần Húc kéo quân đánh Nghệ An. Quân Chiêm kéo đến đâu quân của Trần Húc theo đến đó. Đám thuộc hạ của Trần Húc đã huênh hoang lấy danh nghĩa An Nam vương để kêu gọi quan quân và dân chúng Đại Việt ra hợp tác với “tân vương”. Ban đầu có rất nhiều người hưởng ứng, phần đông là đám dân nghèo đói, bất mãn. Trong số đó có tên Hồ Thuật người Nghệ An là có vẻ sừng sỏ nhất. Trần Húc thấy Hồ Thuật mạnh mẽ, can đảm, ưa xông xáo bèn phong cho y chức Đô tướng.
Nhưng giữa bối cảnh xã hội loạn lạc ấy, đám quân tân tuyển thiếu huấn luyện đã dễ dàng trở thành bọn bất trị, thậm chí chúng còn ngang nhiên hùa theo quân Chiêm cướp bóc đồng bào ruột thịt của mình.
Trần Húc chỉ là một văn nhân hiền lành, không thể nào tiết chế nổi đội quân ô hợp ấy. Vì vậy, dần dần cái danh nghĩa An Nam vương trở nên dị ứng với dân chúng Đại Việt. Về sau, quân An Nam vương đến đâu dân chúng Đại Việt lẩn tránh đến đó. Vua Chế Bồng Nga thấy được tình trạng này đâm ra thất vọng. Ông nói với tướng La Ngai:
-Xem ra ta đã lầm khi nghĩ Trần Húc như là bửu bối kỳ diệu để chinh phục Đại Việt! Với tình hình như hiện tại Trần Húc thật khó mà làm nên trò trống gì. Hãy tính đường khác thôi. Vùng này bây giờ quân giặc đã co cụm lại trong các thành trì cả rồi, chẳng dám phản công đâu! Chỉ cần để Bố Đông cầm một ít quân ở lại đây hỗ trợ Trần Húc tiếp tục công việc cũng đủ. Ta với khanh đem đại binh tiến ra vùng châu thổ sông Hồng đánh bọn Trần Phủ một trận nữa!
La Ngai vâng lệnh, chia quân tràn ra vùng châu thổ sông Hồng.
Thượng hoàng ở Thăng Long nghe được tin dữ lập tức sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân chống giữ. Nhưng Đỗ Tử Bình như con gà chọi đã bị bể, không sao chống nổi quân Chiêm, quân Đại Việt lại tan chạy. Thừa thắng, quân Chiêm tiến thẳng lên Thăng Long. Vua quan Đại Việt lại phải di tản sang Đông Ngàn lánh nạn. Chỉ có An phủ sứ Thăng Long là Lê Giốc đã anh dũng ở lại quyết chống cự tới cùng. Vì thế cô sức yếu, cuối cùng Lê Giốc bị quân Chiêm bắt. Tướng La Ngai bắt Lê Giốc phải quì lạy, Lê Giốc mắng:
-Ta là quan của nước lớn, sao phải lạy chúng mày?
La Ngai nổi giận sai lính đem chém. Lê Giốc tiếp tục mắng chửi cho đến khi rơi đầu. Sau khi thả quân cướp phá Thăng Long thỏa mãn, vua Chế Bồng Nga ra lệnh rút về.
Quân Chiêm rút khỏi Thăng Long thì triều đình Đại Việt lại hồi kinh. Khi được nghe việc Trần Húc đã theo quân Chiêm đánh Nghệ An, lại lấy danh nghĩa An Nam vương để chiêu dụ quốc dân, Thượng hoàng lặng người đi một hồi. Lát sau ngài ứa nước mắt than:
-Nhà ta hết phước rồi chăng? Sao lại sinh thằng con bất trung bất hiếu đến vậy?
Ngài lại quay sang dặn Giản hoàng và các quan:
-Sau này các khanh ai gặp tên nghịch tử ấy cứ việc xử trảm nó! Từ nay ta coi như không sinh ra nó vậy!
Mọi người đều đáp: xin tuân mệnh.
Tới khi nghe tâu việc Lê Giốc mắng giặc đến chết, Thượng hoàng cảm kích nói:
-Trung thần phải như An phủ sứ Lê Giốc vậy mới được! Nếu thằng nghịch tử Húc mà làm được như Lê Giốc, dẫu nó có chết ta cũng đỡ đau khổ nhục nhã như bây giờ!
Thế rồi ngài hạ chiếu truy phong cho Lê Giốc tước Mạ tặc trung vũ hầu.
Biết rõ trong triều không còn ai đủ sức chống cự Chế Bồng Nga, Thượng hoàng chỉ còn gượng trông cậy vào Lê Quí Ly và Đỗ Tử Bình. Ngài tìm cách mua chuộc cảm tình của hai nhân vật này để họ gắng sức hơn, can đảm hơn trong công cuộc giữ nước. Đầu năm Kỷ Mùi Lê Quí Ly được thăng chức Tư không kiêm Xu mật đại sứ. Tới tháng chín, sợ quân Chiêm sang cướp, Thượng hoàng sai gom những tiền đồng của nhà nước đem giấu vào hành cung ở núi Thiên Kiện*. Tới tháng mười Thượng hoàng lại cho chở một số khác giấu ở tầng dưới tháp chùa Khả Lãng tại Lạng Sơn.
Thấy Thượng hoàng bất lực quá, trong đầu óc Quí Ly bắt đầu chớm dậy tư tưởng bất chính: dòm ngó ngai vàng. Ông kết giao với viên Chủ thư thị ngự sử Phạm Cự Luận để làm vây cánh. Sau đó Quí Ly lại tiến cử Cự Luận làm Quyền đô sự. Cự Luận là người khôn ngoan, mưu lược, có tài ứng biến nên Quí Ly yêu lắm. Quí Ly cũng tiến cử Nguyễn Đa Phương lên vua để bổ làm tướng quân. Nguyễn Đa Phương là con của vị võ sư nổi tiếng Nguyễn Sư Tề, người đã dạy võ cho Quí Ly hồi còn nhỏ. Bản thân Đa Phương có sức khỏe khác người, lại nhiều mưu trí và rất gan dạ. Cả Cự Luận lẫn Đa Phương đều luôn bày cho Quí Ly nhiều mưu kế hay nên người đời vẫn bảo Quí Ly có “phương viên tá lự” tức là giúp mưu kế cho được vuông tròn. Phương (chỉ Nguyễn Đa Phương) là vuông, viên là tròn (chỉ Cự Luận) vì chữ luận đọc âm gần với chữ luân có nghĩa là tròn. Phương viên tá lự còn có nghĩa là Đa Phương và Cự Luận bày mưu giúp kế. Nhờ sự phụ trợ của hai người này, Quí Ly đã đạt được nhiều thành tựu trong công việc. Do vậy, Thượng hoàng lại càng tin yêu Quí Ly hơn.
Sau khi rút quân về Đồ Bàn, vua Chế Bồng Nga lại cho mở tiệc khải hoàn để khích lệ quan quân. Mấy hôm sau ông cho mời một số đại thần nòng cốt trong triều vào cung họp bàn quốc sự. Ông nói:
-Trước đây ta nghĩ có thể dùng Trần Húc để lôi kéo quan binh và dân chúng Đại Việt hầu tạo sự chia rẽ, làm suy yếu thế lực của giặc, tăng trưởng thế lực của ta. Nhưng trong chuyến ra quân vừa qua, ta thấy rõ Trần Húc rất yếu kém trong việc thu phục nhân tâm. Đội quân ô hợp của y chắc phải dày công huấn luyện mới có thể sử dụng được. Chư khanh có kế hoạch nào giúp Trần Húc không?
Quan Bình chương Hùng Vân thưa:
-Trần Húc chỉ là một hoàng tử, từ nhỏ y đã đắm mình vào bể văn chương thơ phú mà chưa hề tiếp xúc với thực tế. Thân phụ y dù làm vua cũng chỉ là một ông vua bất tài thiếu kinh nghiệm làm sao dạy dỗ con được! Vì vậy y không biết gì thuật thu phục nhân tâm là phải. Muốn cho thành việc, bệ hạ nên cho người huấn luyện, hướng dẫn y một thời gian mới xong! Nếu bệ hạ không chê, thần tuy bất tài cũng tình nguyện cáng đáng việc ấy!
Chế Bồng Nga nói:
-Ý kiến hay đấy! Đã vậy ta giao việc đó cho khanh! Việc làm này rất quan trọng. Sử dụng được Trần Húc coi như mặt bắc Chiêm Thành không cần lo lắng gì nữa!
Theo lệnh của vua Chế Bồng Nga, một mặt Hùng Vân thân hành hướng dẫn Trần Húc về kế sách chiêu dụ dân chúng, một mặt ông cho người luyện tập quân sự cho đội quân dưới quyền của Trần Húc do Đô tướng Hồ Thuật chỉ huy.
Đầu năm Canh Thân, vua Chế Bồng Nga lại chuẩn bị sang đánh Đại Việt. Ông cho gọi Trần Húc đến hỏi:
-Nay mai ta sẽ ra quân đánh Đại Việt. Đội quân của ngươi đã được huấn luyện khá thuần thục rồi phải không? Chính ngươi cũng đã được huấn luyện cách thu phục lòng người. Vậy, ta để cho ngươi tự lo việc chiêu dụ dân Đại Việt trọn các xứ Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, ngươi liệu làm nổi không?
Trần Húc lúng túng nói:
-Tâu bệ hạ, đại quân đến đâu thần sẽ đưa người theo làm nhiệm vụ chiêu dụ quân dân Đại Việt đến đó!
Chế Bồng Nga lắc đầu:
-Ngươi chưa hiểu ý ta sao? Ta muốn chính ngươi phải hành động độc lập cho quen! Ngươi chỉ cần hoạt động từ lãnh thổ Nghệ An trở vào thôi! Còn đại quân của ta sẽ đánh vào những nơi khác như Thanh Hóa, Thăng Long…
Trần Húc càng bối rối, thưa:
-Tâu bệ hạ, đội quân của thần vừa ô hợp, vừa ít oi, nếu đơn độc đến các khu vực ấy sẽ bị quân Đại Việt tiêu diệt ngay! Việc đó thần sợ không gánh vác nổi!
Chế Bồng Nga dịu giọng dỗ dành:
-Ta đã tính kỹ rồi, ngươi khỏi sợ! Mỗi lần sang Đại Việt, hễ quân ta đến đâu quân trấn giữ địa phương đó lại lo co cụm vào các hang ổ của chúng để giữ mình. Bên ngoài hang ổ của chúng, ngươi làm gì chẳng được? Chỉ có quan quân ở Thăng Long mới thỉnh thoảng dám chường mặt đương cự với ta thôi. Nhưng đương cự mười trận chúng đã thất bại tới chín. Vì thế, quân ta đến đâu cũng như vào chốn không người. Nay đại quân ta đã ra đánh mặt ngoài, quan quân Đại Việt nghe tin đã khiếp vía co vòi lại hết ngươi còn sợ nỗi gì?
Trần Húc vẫn chưa hết lo ngại, thưa:
-Nếu lỡ Đại Việt biết được đại quân của bệ hạ dồn cả ra mặt ngoài thì e thần khó mà sống! Xin bệ hạ xét kỹ cho!
Chế Bồng Nga nhíu mày giọng hơi gắt:
-Sao ngươi nhát gan đến thế? Trước nay ta vẫn cố giúp ngươi thật sự trở thành An Nam vương. Ta đã không ngần ngại gả con gái ta cho ngươi chắc ngươi đã rõ lòng ta! Nếu để quân ta đi cùng thì ngươi đâu còn cái chiêu bài chính nghĩa để dẫn dụ quân dân Đại Việt? Ta để ngươi đi một mình vì lẽ đó. Chuyến này nếu ngươi không thành công được ta cũng hết phương giúp đỡ!
Sợ phật lòng Chiêm vương, Trần Húc đành phải liều vâng lệnh.
Đầu tháng 3, trong lúc đại quân Chiêm tiến ra Thanh Hóa thì Trần Húc kéo quân ra Nghệ An. Quả đúng như lời Chế Bồng Nga đã nói, quan quân Đại Việt ở Nghệ An vừa nghe tin quân Chiêm đến liền co cụm vào các thành trì để cố thủ. Trần Húc được thế liền chia quân bủa ra các nơi để chiêu dụ dân chúng…
Khi tin chẳng lành bay đến Thăng Long, Thượng hoàng cũng triệu tập quần thần bàn việc đối phó. Sau khi nghe các quan tâu bày về tình hình, ngài quyết định:
-Thủy quân của Chế Bồng Nga thiện chiến lắm. Phải có người chỉ huy uy tín mới chống lại được. Việc này phải nhờ quan Thái sư Lê Quí Ly mới xong! Nguyễn Đa Phương phụ tá cho Thái sư. Lực lượng trên bộ, trẫm giao cho Hành khiển Đỗ Tử Bình chỉ huy. Các tì tướng do các khanh bàn bạc với nhau để lựa chọn, sắp xếp.
Giản hoàng nói:
-Trẫm có một viên cận vệ tên Đỗ Hoành xem ra rất vũ dũng, quan Hành khiển nên cho Đỗ Hoành theo ra trận để y lập công một phen xem sao!
Đỗ Tử Bình vâng lệnh, bổ sung Đỗ Hoành vào vệ quân Thiết Giáp do tướng Nguyễn Vân Nhi quản lãnh.
Hai đạo quân thủy, bộ hẹn nhau cùng tiến. Lần này bên cạnh Lê Quí Ly có tướng Nguyễn Đa Phương nên ông có vẻ vững tâm hơn những lần trước. Quân đến sông Ngu là một nhánh của sông Mã, Quí Ly cho đóng cọc giữa dòng để cầm cự với quân Chiêm. Không lâu sau đó thì đạo quân bộ cũng đã đến kịp. Khi thấy đạo quân thủy của Chế Bồng Nga xuất hiện, Quí Ly sai viên tướng chỉ huy vệ quân Thần Vũ là Đỗ Kim Ngao và tướng chỉ huy vệ quân Thị Vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Đỗ Kim Ngao thấy quân giặc đánh hăng quá hoảng sợ vội quay thuyền trở lại để tránh. Quí Ly nổi giận thét:
-Đánh giặc mà nhát như vậy làm sao thắng được?
Quí Ly chưa nói dứt câu thì Nguyễn Đa Phương đã chém Kim Ngao rụng đầu. Nguyễn Đa Phương xách đầu Kim Ngao đưa lên cao cho mọi người thấy và hô lớn:
-Quân sĩ ai nghe lệnh mà không chịu tiến lên thì phải chịu như thế này!
Rồi chính Nguyễn Đa Phương vung gươm đi đầu thúc thuyền tiến lên. Quân sĩ thấy vậy cũng hăng máu theo, nổi trống reo hò liều chết xông tới. Quân Chiêm Thành lúc đó đang thắng thế sinh chủ quan khinh địch nên phản ứng không kịp, hàng ngũ đâm ra rối loạn. Tướng Đỗ Dã Kha cũng không bỏ lỡ cơ hội, thúc quân đánh mạnh. Cánh quân bộ thấy thế cũng reo hò để cổ võ. Không mấy chốc thế trận quân Chiêm Thành bị vỡ. Vua Chế Bồng Nga thấy tình thế bất lợi phải ra lệnh rút quân.
Thấy Lê Quí Ly đại thắng, tướng Hoàng Phụng Thế nói với Đỗ Tử Bình:
-Thế là đại công về tay ông Lê cả rồi! Quan Hành khiển cùng đi với ông Lê mà về tay không e khó ăn nói với thiên hạ lắm?
Đỗ Tử Bình hỏi lại các tướng:
-Thế bây giờ các ông muốn tính sao?
Các tướng Hoàng Phụng Thế, Nguyễn Vân Nhi đều nói:
-Trần Húc đang hoành hành ở Nghệ An, quan Hành khiển cho quân tiến thẳng vào đó biết đâu chẳng lập được công lớn?
Đỗ Tử Bình mừng rỡ khen:
-Phải lắm! Các ông hãy đem quân bản bộ đi trước. Ta sẽ theo sau tiếp ứng!
Hoàng Phụng Thế nói với Nguyễn Vân Nhi:
-Phen này không chịu truy sát giặc để lập công còn đợi khi nào nữa? Phải đi gấp mới được!
Thế là hai tướng tức tốc kéo quân bản bộ đi ngay. Giữa đường họ chẳng gặp một tên quân Chiêm nào. Vừa tiến vào địa phận Nghĩa Đường vài dặm thì trời tối, hai tướng cho quân dừng lại tạm nghỉ. Trong lúc quân sĩ đang nấu cơm, tướng Nguyễn Vân Nhi tình cờ thấy được hai kỵ sĩ lạ mặt vừa mới tới đó. Nguyễn Vân Nhi sinh nghi, lập tức hô lính vây bắt cả lại. Không ngờ đó chính là hai người đưa tin một Chiêm một Việt do Chế Bồng Nga sai đến truyền lệnh cho Trần Húc rút quân. Nguyễn Vân Nhi mừng lắm, bèn đích thân tra hỏi chúng. Chúng sợ hãi khai cho biết An Nam vương Trần Húc đang đóng bản doanh gần thị trấn Yên Thành. Nguyễn Vân Nhi liền báo cho Hoàng Phụng Thế biết tin ấy. Hoàng Phụng Thế nói:
-Theo tôi, ta phải thúc quân đi suốt đêm nay mới mong được việc!
Nguyễn Vân Nhi nói:
-Tướng quân nói đúng. Chỉ sợ quân sĩ đã đi suốt ngày quá mệt mỏi, tính thế nào cho tiện?
Hoàng Phụng Thế nói giọng cương quyết:
-Nếu đợi đến sáng mai thì mất tiêu yếu tố bất ngờ! Hiện thời Trần Húc chắc vẫn chưa biết tin Chế Bồng Nga đã rút quân. Chuyến này nếu nhanh tay ta có thể bắt Trần Húc được đấy! Trần Húc bị bắt là Chế Bồng Nga hết đường lợi dụng! Nhất định phải tiến quân ngay!
Thế là hai tướng thúc quân sĩ lo việc ăn uống gấp rồi suốt đêm tiến thẳng hướng về Yên Thành. Trời chưa rạng đông quân triều đình đã vây gọn đạo quân của An Nam vương. Hai tướng liền cho bắc loa kêu gọi quân của Trần Húc đầu hàng. Đô tướng Hồ Thuật nghe báo động liền xách đao lên ngựa xông ra kháng cự. Nhưng đánh nhau chưa bao lâu Hồ Thuật đã bị Hoàng Phụng Thế chém rơi đầu. Quân của Trần Húc quá khiếp hãi, hầu hết quăng khí giới đầu hàng. Trần Húc lúng túng chưa biết hành động như thế nào thì một tướng của quân triều đình đã hùng hổ tiến tới trước mặt. Trần Húc sợ tướng kia không biết mình là ai sẽ làm ẩu liền kêu lên:
-Ta là Ngự câu vương Trần Húc đây!
Viên tướng đó chính là Đỗ Hoành thét lớn:
-Lệnh của Thượng hoàng, bất cứ ai cũng có quyền xử tử tên phản quốc bất trung bất hiếu này!
Trần Húc khiếp hãi chưa biết phản ứng thế nào thì may sao Hoàng Phụng Thế vừa đến kịp ngăn Đỗ Hoành lại. Hoàng Phụng Thế nói với Trần Húc:
-Phép nước không ngoại trừ một ai. Đức ông là người có tội chúng tôi không thể làm gì khác được. Xin đức ông cảm phiền ngồi vào xe tù đợi về kinh đô Thượng hoàng sẽ định đoạt!
Trần Húc không một cử chỉ kháng cự, răm rắp bước vào ngồi trong xe tù. Đỗ Hoành hỏi Hoàng Phụng Thế:
-Thưa, Thượng hoàng đã từng ra lệnh cho các quan ai gặp được Trần Húc đều có quyền xử tử y sao nay tướng quân lại không thi hành lệnh ấy?
Hoàng Phụng Thế nói:
-Khi đang giận ngài nói vậy chứ tình nghĩa cha con làm sao ngài bỏ được! Nếu chúng ta thi hành lệnh đó không chừng sẽ chuốc oán về sau đấy!
Nguyễn Vân Nhi nói:
-Thôi, chúng ta bắt được Trần Húc là tốt rồi!
Vừa nhận được tin hai vị tướng quân Hoàng và Nguyễn thắng trận, Hành khiển Đỗ Tử Bình vui mừng lắm. Thế nhưng khi thấy cái cũi nhốt Trần Húc, Đỗ Tử Bình lộ rõ vẻ hoang mang, kinh sợ. Ông rất lo ngại Trần Húc có thể gieo tai họa cho ông. Trần Húc ở đất Chiêm đã gần ba năm nay và đã làm rể vua Chiêm, có thể chàng đã biết rõ về vụ 10 mâm vàng mà Chế Bồng Nga đã dâng cho Trần triều lắm! Nghĩ đến điều đó, Đỗ Tử Bình không còn bụng dạ nào để tranh giành công trạng với ai nữa. Ông đổi ra thái độ khiêm tốn nói với hai tướng Hoàng và Nguyễn:
-Chúc mừng hai ông! Ra trận lần này bởi ta không được khỏe thành ra chẳng làm nên trò trống gì cả. Nhờ sức hai ông triều đình mới trừ được Ngự câu vương. Công lớn ấy là hoàn toàn của hai ông, ta không muốn dự vào. Về triều ta sẽ trình rõ chiến công này để Thánh thượng xét định việc ban thưởng!
Nguyễn Vân Nhi biết ý nói với Hoàng Phụng Thế:
-Xưa nay Đỗ hành khiển vẫn nổi tiếng là người tham công, nay bỗng nhiên tự nói không lạm dự vào chiến công đánh bắt Ngự câu vương, ông thấy thế nào?
Hoàng Phụng Thế cười:
-Có thể ông ta sợ liên can đến việc Đỗ Hoành toan sát hại Ngự câu vương!
Nguyễn Vân Nhi cười khinh bạc:
-Nếu Đỗ Hoành giết Ngự câu vương đi nữa, anh ta cũng chỉ làm đúng lệnh trên, việc gì mà phải sợ? Không ngờ lão ấy lại nhát gan đến thế!
Hoàng Phụng Thế lắc đầu:
-Đầu óc lão ấy tinh ma lắm, mình khó mà biết được! Nay lão không làm gì thiệt hại đến mình thì thôi, tìm hiểu làm gì cho mất công!
Đuổi được Chế Bồng Nga xong, Lê Quí Ly và Đỗ Tử Bình đem quân đắc thắng trở về. Dọc đường quân Đại Việt đã được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Thượng hoàng ban thưởng rất hậu cho các tướng có công, đặc biệt nhất là tướng Nguyễn Đa Phương.
Sau đó, ngài đòi Trần Húc đến mắng nhiếc một trận rồi cho đưa về an trí ở An Sinh. Hành khiển Đỗ Tử Bình thì dâng sớ cáo bệnh xin thôi giữ binh quyền. Thế là chỉ còn một mình Lê Quí Ly chuyên lãnh chức nguyên nhung, làm Hải Tây đô thống chế

 

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 12