GIẾT ANH ĐỂ GIỮ NGAI VÀNG

 

KIẾN HÀO

Lời nói đầu : Truyện ở xứ sở kim chi : có vị công tử trưởng trong một lần công du đã gây tai tiếng ngoại giao làm mất mặt vua cha nên bị thất sủng phải lưu vong nơi xứ người. Mặc dù không có tham vọng quyền lực, không có năng lực lãnh đạo, cũng không thèm tham chính, chỉ làm một người …nhà giàu sống bình thường như mọi người. Lại cũng từng viết thư cho người em cùng cha khác mẹ đang nhiếp chính xin tha mạng. Nhưng chính trường không có chỗ cho lòng khoan dung. Thời cuộc thay đổi, vị công tử trưởng nay có thể trở thành lá bài tiềm năng trong tay một nước lớn đang muốn thay ngựa giữa giòng. Thế là trở thành cái gai trong mắt người em. Việc còn lại là của bọn sát thủ, vốn không thiếu chi trong nước.

Năm 221 TCN, Tần Vương Chính thôn tính sáu nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở Yên, Tề, thống nhất Trung nguyên, tự xưng Tần Thủy Hoàng Đế đóng đô ở Hàm Dương. Để trấn áp các thế lực chống đối, nhà Tần chủ trương dùng pháp trị, ban bố các pháp lệnh hà khắc, hình luật hết sức dã man không trừ một ai, đến nỗi người dân không biết “đặt chân vào đâu”(nghĩa là làm gì cũng sợ phạm tội); đốt sách, chôn sống học trò; cưỡng bức đi xây Vạn Lý Trường Thành, xây cung điện A Phòng, xây lăng tẩm hoàng gia ở Ly Sơn, đày lưu dân vào đất Ba Thục (kinh tế mới-NV); những việc làm kinh động quỷ thần mà không có một vị vua nào sánh kịp.

Tháng 10 năm 211 TCN, Tần Thủy Hoàng xuất cung tuần thú phương Đông, cùng đi có Thừa tướng Lý Tư, hoạn quan Triệu Cao và con nhỏ là Hồ Hợi. Tháng 7 năm sau (210 TCN) đến Sa Khâu (nay thuộc Hà Bắc) nhà vua đột nhiên lâm bệnh nặng, chẳng bao lâu thì mất. Cái chết đột ngột của Tần Thủy Hoàng đã kéo theo một loạt những biến động cung đình, những âm mưu thủ đoạn của bè lũ hoạn quan và vây cánh của chúng mà đứng đầu là Triệu Cao. Vốn dĩ trước đó, ngôi hoàng đế kế tục đã thuộc về hoàng tử trưởng (người con trai đầu) Phù Tô là người rất được lòng quan lại và dân chúng trong nước, nhưng có lần vì can gián những việc làm bất nhân của Thủy Hoàng nên Phù Tô bị thất sũng, bị đày ra biên giới cùng với tướng quân Mông Điềm lo việc phòng thủ biên cương và coi xây Vạn Lý Trường Thành.

Khi biết bịnh nặng sắp mất, Thủy Hoàng đã viết thư triệu Phù Tô về Hàm Đan gấp để lo việc tang. Chiếu thư và ngọc ấn gửi lại cho con là Phù Tô nối ngôi còn để tại án thư nhưng chưa kịp gởi đi thì Thủy Hoàng đã tắt thở. Việc này chỉ có năm sáu người biết là công tử Hồ Hợi, thừa tướng Lý Tư, hoạn quan Triệu Cao và vài tên hoạn quan thân tín của nhà vua. Nguyên Hồ Hợi là người con trai thứ 18 của Thủy Hoàng, con của một người thiếp có vị thứ thấp kém, nếu truyền ngôi theo thứ tự thì còn …khuya mới đến lượt Hồ Hợi. Viên hoạn quan Triệu Cao là thầy học của Hồ Hợi, thấy Hợi còn nhỏ dễ khuyên bảo, hy vọng có thể giữ địa vị cao quý nếu Hồ Hợi làm vua. Bèn bàn với Hồ Hợi tìm cách ém bức chiếu thư của Thủy Hoàng, đồng thời thuyết phục thừa tướng Lý Tư thay đổi ngôi vua, cho Hồ Hợi tức vị. Lý Tư thoạt đầu phản đối nhưng trước sức ép và đe dọa của Triệu Cao, cộng với việc tham phú quý, tiếc địa vị nên cuối cùng cũng a tòng, xuôi theo. Những câu đối đáp qua lại giữa Triệu Cao và Lý Tư qua ngòi bút của Tư Mã Thiên hết sức sinh động, thâm thúy như một áng văn chương chứ không phải là chỉ là chuyện ghi chép sự việc của một sử quan (Sử Ký Tư Mã Thiên, NXB Văn Học Hà Nội, 2003).

Bọn Triệu Cao, Hồ Hợi, Lý Tư bèn giấu biệt tin Tần Thủy Hoàng chết không cho lộ ra bên ngoài, đêm ngày khẩn trương di dời xa giá về đến Hàm Dương rồi mới báo tang. Để chuẩn bị lên ngôi, Hồ Hợi tìm cách giết hết những người anh em thân thích, những người có khả năng đe dọa đến vương vị của hắn. Đầu tiên là trừ khử người anh cùng cha khác mẹ Phù Tô. Nhị Thế làm giả một bức thư của Thủy Hoàng gửi cho Phù Tô, sai sứ giả đem chiếu thư đến Thượng Quận, buộc tội chết cho Phù Tô nhưng cho phép tự xử. Phù Tô cả tin, không nghe theo lời can gián, bèn tự sát. Sau đó đến Mông Điềm, viên đại tướng trấn ải nắm trong tay mấy chục vạn binh, được Phù Tô kính nể coi như Á phụ. Khi chiếu chỉ đến, Mông Điềm kháng lịnh không chịu tự sát bèn bị bắt giam và sau đó bị giết chết ở Dương Châu.

Tháng 9 năm 210 TCN, Hồ Hợi lên ngôi, xưng là Nhị Thế Hoàng đế. Quốc sách cai trị còn tàn bạo hơn vua cha một bực. Sợ mưu kế ở Sa Khâu bị lộ, để đối phó với sự nghi ngờ và phản ứng của các công tử và đại thần, Nhị Thế nghe lời bọn Triệu Cao, Lý Tư thay đổi luật pháp cho thật hà khắc, số lớn các quan đại thần và các công tử đều vô cớ bị buộc tội, kể cả thân thích cũng bị liên lụy. Sử Ký chép: “ Giết bọn đại thần Mông Nghị, mười hai công tử bị giết chết phơi thây ở chợ Hàm Dương; mười công chúa bị xé xác ở đất Đỗ; của cải của họ bị đưa vào kho vua, những người liên can bị tội không kể xiết”. Có vị công tử muốn bỏ trốn, sợ cả họ bị tội, bèn xin được tự sát (để bảo toàn mạng sống vợ con và giữ được của cải). Hồ Hợi chấp nhận lời thỉnh cầu, lại còn cho tiền lụa để làm đám tang. Công tử Tương Lư anh em ba người bị giam lỏng trong nội cung bị truy bức sau cùng. Trước mặt sứ giả, công tử ngẩng mặt kêu to ba tiếng: “Ta không có tội” rồi cả ba tuốt kiếm tự sát. “ Cả tôn thất run sợ, quần thần ai can ngăn thì phạm tội phỉ báng. Các quan đại thần thì lo giữ lộc để được yên thân, những kẻ “đầu đen” thì sợ hãi”.

Pháp lệnh trừng phạt giết chóc ngày càng thảm khốc, các quan ai cũng thấy mình nguy đến nơi, còn dân chúng thì từ sợ hãi sinh ra bất mãn; bọn quý tộc cũ của sáu nước, kể cả bọn lưu manh giang hồ khắp nơi nổi lên hiệu triệu chống Tần, tụ tập từ vài ngàn đến hàng vạn người, quan quân không dập tắt được, nước Tần loạn to. Tháng 8 năm thứ ba đời Tần Nhị Thế (207 TCN), Triệu Cao bí mật đi đêm với chư hầu (mưu toan chia cắt nước Tần để làm vua), sai con rể là Diễm Nhạc đem quân vào cung bức tử Nhị Thế. Không được các quan ủng hộ, Triệu Cao đành lập công tử Tử Anh làm vua. Tử Anh lập mưu giết chết Triệu Cao để trả thù cho nhà Tần. Tử Anh làm vua được bốn mươi sáu ngày thì Hạng Vũ đẫn quân chư hầu vào đốt phá Hàm Dương, giết Tử Anh. Nhà Tần mất nước, năm năm sau, thiên hạ theo về nhà Hán.

Thủy Hoàng có nghĩa là vị hoàng đế nguyên thủy (đầu tiên) rồi sau đó truyền ngôi cho con là Nhị Thế Hoàng đế rồi sau đó đến cháu là Tam Thế Hoàng đế rồi đến …vạn thế, vạn vạn thế. Đó là hoài bão của Tần Bạo Chúa nhưng ác thay Nhị Thế chỉ tồn tại hơn 2 năm rồi mất nước, đế chế Tần sụp đổ. Mới hay dân là nước, vua là thuyền. Nước nâng thuyền đi nhưng nước cũng có thể làm đắm thuyền. Chuyện cũ đã qua hơn hai ngàn năm, vậy mà đến nay (thế kỷ XXI) vẫn còn có kẻ lãnh đạo mê muội tin rằng có thể dùng bạo lực làm công cụ trấn áp để cai trị, dùng hình pháp tàn khốc để duy trì nỗi sợ hãi thường trực trong nhân dân, giết anh cùng cha khác mẹ để ngăn ngừa nguy cơ và củng cố bạo quyền. Than ôi, ôn cố tri tân, xét việc xưa có thể đoán biết được việc nay là vậy. Sợ thay, sợ thay !

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME