Hệ Thống Giáo Dục Đại Học Thời VNCH

Huỳnh Văn Thế (Univ. Adm. Intership at Western Michigan University,

Thành viên Hội đồng điều hành Viện Đại Học Bách Khoa)

 

Dẫn Nhập

Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cũng như của các xứ trên thế giới được chia thành 3 bậc, mỗi bậc chia thành 2 hay 3 cấp:

  • Bậc tiểu học (sơ cấp & bổ túc) = enseignement primaire = primary education
  • Bậc trung học (cấp 1 & cấp 2) = enseignement secondaire = secondary education
  • Bậc đại học (Cao đẳng – Cử nhân/ kỹ sư – Cao học & Tiến sĩ) = enseignement tertiaire (enseignement superieur) = tertiary education.

Dưới đây tôi ghi lại đại thể hệ thống giáo dục đại học Miền Nam trước 30-4-1975 để hồi tưởng công sức của những bàn tay, khối óc đã góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.

I. CƠ CẤU TỔ CHỨC CÁC VIỆN ĐẠI HỌC

Note: Cách nay không lâu, trên truyền thông online có tin các giáo sư trong nước mổ xẻ sự khác biệt giửa “đại học” và “trường đại học” dùng trong các văn kiện pháp chế; thí dụ: Đại học Quốc gia  TP. HCM và trường Đại hoc Luật TP. HCM. Đây là vấn đề cơ cấu tổ chức và tư cách pháp nhân của các cơ sở giáo dục đại học.

VNCH trước 30-4-1975 không có Bộ Đại học. Trong ban lảnh đạo của bộ Giáo dục thường có một Thứ trưởng đặc trách đại học. Công việc và trách nhiệm của vị nầy chủ yếu về chánh sách, các Viện đại học (Universities), và các trường đại học (Colleges) đối với Bộ Giáo Dục là cơ quan ngoại vi (không hẳn trực thuộc mà cũng không hẳn tự trị; sẽ trở lại).

Cấu trúc Viện đại học (có tư cách pháp nhân): một đơn vị tổng hợp (universitas: “whole”, community => University:) gồm nhiều bộ phận gọi là:

  • Phân khoa đại học (Faculté, ngắn gọn là Khoa), thí dụ: Viện Đại học Sai-gon gồm nhiều phân khoa như Y khoa = Faculté de Médecine,…; hay còn gọi là:
  • Trường đại hoc (College, School), thí dụ: Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức gồm có 7 trường đại học như trường Đại học Cao cấp = College of Graduate Studies

Ngành học (departement = department): mỗi phân khoa/ trường có nhiều ngành; trường đại học Kỹ thuật dạy nhiều ngành, ngành Công chánh, ngành Công nghệ, ngành Hóa học, v.v…

Ban (section?): mỗi ngành có thể gồm nhiều ban. Phân khoa đại học Sư Phạm Saigon gồm 2 ngành: Văn và Khoa học. Ngành Văn phân ra làm 5 ban: ban Triết, ban Việt Hán, ban Sử Địa, ban Anh văn, và ban Pháp văn.

Trung tâm chuyên môn: trong phạm vi mỗi viện đại học còn có một số trung tâm chuyên môn (tùy theo nhu cầu): nghiên cứu, ngoại ngữ, sinh viên vụ, v.v

Ban điều hành: Đứng đầu một viện đại học là viện trưởng (recteur = university president), đứng đầu một phân khoa / trường đại học là khoa trưởng (doyen = dean), và đứng đầu mỗi ngành có giám đốc ngành hay trưởng ngành (chef de departement = department head). Các chức vụ trên do hành pháp bổ nhiệm (thường theo đề nghị của Viện Trưởng) và được hưởng phụ cấp chức vụ

Các viện đại học công lập VNCH không có Hội đồng Quản trị (Board of Trustees or Board of Governors) như ở Mỹ vì là cơ quan ngoại vi của bộ Giáo Dục, nhưng có Hội đồng Khoa, Hội đồng Viện để quyết định về hoc vụ và điều hành.

Ban giảng huấn: Nền giáo dục VNCH còn là dư âm nền giáo dục thời Pháp thuộc nên từ “giáo sư” dịch từ “professeur” được dùng chỉ giáo chức dạy trung học và đại học, nhưng thực sự cách dùng có khác theo qui ước bất thanh văn. Ngạch giáo sư đại học có 3 bậc:

. Giáo sư thực thụ (professeur titulaire: full professor): tiến sĩ + thâm niên + bổ nhiệm

. Giảng sư (professeur associé: associated professor): tiến sĩ + chưa đủ thâm niên

. Giảng nghiệm viên và giảng viên, tùy ngành và nhu cầu: bác sĩ (Y khoa), cao học (Luật khoa), cử nhân (Văn khoa)

Ban giảng huấn đại học còn có các chuyên viên khác thường gọi là phụ giáo (teacher-aide): chuyên viên cơ khí,…và giáo sư thỉnh giảng: chuyên viên được mời dạy

Giáo dục đại học miễn phí. Mỗi năm sinh viên chỉ đóng tiền ghi danh học và tiền ghi danh dự thi, tiền xử dụng phòng thí nghiệm. Sinh viên đại học Sư phạm lại được hưởng trợ cấp hàng tháng. Sinh viên không phải đóng học phí. Chi phí điều hành và phát triển đều do ngân sách quốc gia đài thọ. Năm 1974 Thủ tướng Chánh phủ VNCH có ký Nghị định cho thành lập “Quỹ Phát Triển Đại Học”, tiền quỷ sẽ là tiền học phí do sinh viên đóng.

Tự trị đại học: Đại học Mỹ có quyền tự trị. Đại học Miền Nam trước 1975 chỉ được bán tự trị (theo tôi nghĩ). Về học vụ và điều hành thì các cơ sở đại học được tự trị; các hội đồng khoa và hội đồng viện có quyền thảo luận và quyết định, không phải trình báo lên Bộ Giáo Dục hay xin chĩ thị gì cả. Nhưng về tài chánh thì không được.

Thật vậy, các viện đại học có chương mục ngân sách riêng, nhưng mỗi chương mục ngân sách riêng là một bộ phận của ngân sách bộ GD và ngân sách bộ GD lại là một bộ phận của ngân sách Quốc gia phải được Quốc hội chấp thuận. Mỗi chi tiêu phải qua thủ tục “kiểm soát ước chi” do bộ Tài chánh thi hành để kiểm soát. Nhân viên hành chánh các cấp và nhân viên giảng huấn các ngạch là “công chức” quốc gia. Tân tuyển, cải ngạch, thăng trật, bổ nhiệm,… phải qua thủ tục “chiếu hội công vụ” do Phủ Tổng ủy Công vụ thi hành để kiểm soát. Các giáo sư thỉnh giảng là nhân viên dạy giờ nhưng cũng lảnh tiền công tác từ ngân sách quốc gia.

Tóm lại, hoạt động của cơ quan công quyền thời VNCH trong đó có cả viện đại học thường phải theo “thể lệ hành chánh và tài chánh hiện hành”. Nói thế chứ tiến trình chiếu hội công vụ, kiểm soát ước chi khá nhanh.

II. HỌC VỤ

Giáo dục đại học ở Miền Nam có 2 cấp và 3 hướng, với nhiều loại bằng cấp. Đầu vào là bằng Tú tài toàn phần (hướng đại cương) hoặc bằng Tú tài toàn phần và thi tuyển (hướng chuyên nghiệp và Kỹ thuật).

Tổng quát:

  • Cấp Đại học: trung bình học 4 năm (undergraduate Mỹ): (tốt nghiệp với bằng Cử nhân # License, Pháp = Bachelor’s degree, Mỹ)
    – nếu theo hướng đại cương thì sau 4 năm học thành công lấy bằng cử nhân như cử nhân Triết, cử nhân Văn chương, cử nhân Toán, cử nhân Lý Hóa, v.v…;
  • nếu theo hướng chuyên nghiệp thì lấy bằng tốt nghiệp như tốt nghiệp ĐHSP, tốt nghiệp QGHC, v.v…
  • và nếu theo hướng kỹ thuật thì lấy bằng Kỹ sư như kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông, v.v…Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ được thành lập năm 1957 với bốn ngành và qua thời gian => Viện Quốc gia Kỹ thuật => năm 1973 Trường Đại học Kỹ thuật thuộc Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức với các ngành: Công chánh (có từ năm 1947), Công nghệ, Điện học, Hóa học (1962) và trường Hàng hải (năm 1973 mới thuộc cấp cao đẳng).

  • Cấp Hậu Đại học: Sau khi tốt nghiệp Dại học, học 4 năm hay lâu hơn tùy ngành học (graduate Mỹ): Cấp Hậu Đại học còn phân cấp:
  • Cao học: Etudes Supérieures: Master’s Degree: trung bình 2 năm (trình Luận văn: Thesis))

  • Tiến sĩ: Doctorat: Ph.D: 2 năm hay lâu hơn tùy ngành (nghiên cứu viết
    luận án)

Khai triển

  • Ngành Y, học xong lớp Dự bị (hoặc PCB/ SPCN) + học Y khoa và thực tập: nội/ngoại trú: externes/ internes des hopitaux: residency ở Mỹ) liên tiếp 6 -7 năm hay lâu dài hơn tùy theo chuyên khoa mới hết chương trình huấn luyện và trình luận án lấy bằng Tiến sĩ Y khoa (Bác sĩ). Có khác Y khoa Mỹ: Pre-Med Mỹ lâu dài hơn, tốt nghiệp Đại học Y khoa với bằng Bác sĩ rồi mới đi thực tập (Residency)
  • Ngành Dược và ngành Nha
  • Cấp Cao học: học 5-6 năm, bằng tốt nghiệp Dược Sĩ hay Nha Sĩ (tương đương với Thạc sĩ trung cấp ở Pháp: Master’s Degree Mỹ)
  • Cấp Tiến sĩ: học 7-8 năm (Nghị định mở cấp tiến sĩ do Bộ trưởng VHGD&TN ký năm 1974 nên chưa có sinh viên tiến sĩ ra trường).

    • Ngành Kiến trúc: như sinh viên Nha và Dược, sinh viên Kiến trúc học 5-6 năm, tốt nghiệp Kiến trúc sư (Cao học)

    Chương trình học (curriculum).

    • Tại nhiều phân khoa theo hướng kỹ thuật & chuyên nghiệp Chương trình học được xếp theo Năm học (Année scolaire/universitaire còn gọi là Cours: Lớp): Năm thứ 1, Năm thứ 2, v.v,…Mỗi năm sinh viên học một số môn học (subjects of study) được ấn định trước (curriculum planifié :planned curriculum). Cuối năm sinh viên phải thi cuối khóa: đỗ – điểm trung bình bằng 10/20 hay trên – thì lên lớp trên, hỏng thì học lại lớp vừa qua hoặc bị nghĩ học (tiếng lóng là “tốt nghiệp ngang hông” = sortie laterale).
    • Tại các phân khoa theo hướng đại cương như Văn khoa, Khoa học, hệ thống Chứng chỉ (Certificats) được áp dụng cho các Ngành học (Courses of study; Cours, ex: Cours de Littérature Franccaise); mỗi ngành học gồm nhiều môn học (subjects of study). Các chứng chỉ – nếu thi đỗ – được tồn trử để lập thành Văn bằng cuối ngành học. Chương trình học do Hội đồng khoa ấn định.
    • Hệ thống Tín chỉ (credit hours) đã được đưa ra thảo luận nhưng chưa áp dụng rộng rải.

    Dưới cấp Đại học có cấp Cao Đảng, sinh viên học hai năm và thi tốt nghiệp, vì thường là trường chuyên nghiệp do các Bộ khác chủ quản nên chỉ cấp Chứng chỉ  Tốt nghiệp (Mỹ, Associate Degree). Như Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon, Trường Cao đẳng  Nông Lâm Súc, Trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo Giáo sư trung học đệ Nhứt cấp giải thể năm 1958 khi trường ĐHSP được thành lập.

    Các trường Đại học Cộng đồng (Mỹ: Community Colleges) thành lập những năm đầu 1970s (xem bên dưới) coi như là hậu thân các trường Cao đẳng (Pháp).

    III. MẠNG LƯỚI CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC

    Viện Đại học Đông Dương tại Hà Nội cho ba xứ Việt Miên Lào, là tiền thân Viện Đại học Saigon

    Dưới thời Pháp thuộc, ba xứ Việt-Miên-Lào gọi là Liên bang Đông Dương có một cơ quan giáo dục đại học, đó là Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) đặt tại Hà nội. Văn kiện thành lập được Toàn quyền ĐD ký tháng 5 năm 1906 nhưng Viện Đại học Đông Dương chỉ thực sự hoạt động từ sau năm 1917, với nhiều sửa đổi trong quá trình cải tiến

    Các gia đình giàu có ở miền Nam thường gởi con em sang Pháp học đại học; còn những gia đình khá giả cho con em ra Hà-nội học tại một trong các trường sau đây:

    1. Trường Y Dược (Ecole de Médecine et de Pharmacie)
    2. Trường Luật (Ecole de Droit).
    3. Trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole de Pedagogie)
    4. Trường Thú y (Ecole Vétérininaire)
    5. Trường Cao đẳng Công chánh (Ecole des Travaux publics)
    6. Trường Cao đẳng Canh nông (Ecole Supérieure d’Agriculture)
    7. Trường Cao đẳng Thương mãi (Ecole Supérieure de Commerce)

    A. Đại học công lập cấp Quốc gia

    Viện Đại học Sai-gon

    Tôi chỉ biết trước 1954 ở Saigon có đại học Y Dược, cơ sở hành chánh đặt tại đường Testard sau là đường Trần Quý Cáp và Ban Luật khoa. Sau hiệp định Genève 1954, đất nước chia đôi. Một số đông sinh viên và phần lớn ban giảng huấn Viện Đại học Đông Dương di cư vào Nam, phối hợp tổ chức với các trường hiện hửu tại Saigon để thành lập Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, sau đổi tên là Viện Đại học Sai-Gon (11–5–1955). Viện Đại học Sai-Gon vào những năm 1970 có 8 phân khoa sau đây:

    • Hướng chuyên nghiệp: Y khoa; Dược khoa, Nha khoa, Kiến trúc (cao học); Sư phạm
    • Huớng đại cương: Văn khoa, Khoa học, Luật khoa,

    Ngoài ra, Viện còn có Trung tâm Sinh ngữ, trường Sư phạm kiểu mẫu Thủ Đức, cư xá Minh Mạng cho nam sinh viên, cư xá (đường) Trần Quy Cáp cho nữ sinh viên.

    Viện Đại học Huế (1957 – 1975)

    Huế là cố đô của Việt Nam (thời nhà Nguyễn), là một trong những trung tâm văn hoá truyền thống của quê huơng ta. Quốc tử giám Huế ra đời năm 1803 là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Huế.

    Được thành lập tháng 3 năm 1957 do Sắc lệnh của Tổng thống VNCH-I, viện Đại học Huế gồm 4 phân khoa đại học: Sư phạm, Y khoa, Văn khoa, Luật khoa; và một số trường chuyên môn phụ thuộc: Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Hán học, Nữ hộ sinh quốc gia và Trường cán sự Y tế và Điều dưỡng.

    Viện Đại học Huế đã chia xẻ bao nỗi thăng trầm của vận nước: Huế thầm lặng, Huế xuống đường, Huế hổn loạn, nhưng Huế chổi dậy. Viện Đại học Huế đã đào tạo được nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên viên cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội miền Trung Việt Nam.

    Viện Đại học Cần Thơ (1966 – 1975)

    Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có tiềm năng về nông sản và thủy sản, cá tôm cua đầy đồng. Cần Thơ được gọi là Tây đô (thủ đô miền Tây) đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội của vùng. Sinh viên miền Tây hiếu học nhưng không đủ khả năng tài chánh đi học xa nhà; phụ huynh mong muốn con em có nơi học hành để có cơ hội tiến thân.Viện Đại học Cần Thơ được thành lập để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết của xả hội.

    Được thành lập ngày 31-03-66 do Nghị định của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (thủ tướng), Viện Đại học Cần Thơ có bốn khoa: Khoa học, Văn khoa, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu). Ngoài ra, còn có trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ. Cơ sở vật chất của Viện gồm có khu hành chánh, học khu, thư viện, lưu trú xá nữ sinh viên, trường Trung học Kiểu mẫu, và Trường Cao đẳng Nông nghiệp.

    Các Trung tâm cấp cao đẳng

    Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập năm 1955 với 2 cấp:

    • Trung đẳng, sau đổi thành Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
    • Cao đẳng, sau đổi thành Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn => Học viên Quốc Gia Nông Nghiệp => năm 1973 trường Đại Học Nông Nghiệp, trực thuộc Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, gồm 5 ngành: Nông Khoa, Lâm Khoa, Súc Khoa, Ngư Nghiệp và Kỹ Thuật Nông Nghiệp.

    Cùng cấp cao đẳng còn có Trường Quốc gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon, và trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ, Trường Cao đảng Sư phạm (cả 3 thuộc bộ Giáo Dục, trường CĐSP giải thể năm 1958 sau khi trường ĐHSP được thành lập), Trường Cán sự Bưu điện (thuộc Bộ Bưu điện và Viễn thông), trường Cán sự và Điều dưởng (thuộc Bộ Y tế). Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định được thành lập tháng 12 năm 1954 với hai ban đào tạo chính là Hội họa và Điêu khắc. Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (hậu thân của Ban Học Âm Nhạc) được thành lập năm 1956, có trụ sở tại đường Nguyễn Du. Trường có hai ngành học: nhạc Tây phương và Cổ nhạc Việt Nam ba miền Nam, Trung, Bắc.

    Viện Đại học Bách khoa (Viện ĐHBK = Thủ Đức Polytechnic University: 1973-1975)

    Để chuẩn bị cho giai đoạn tái thiết nước nhà, viện ĐHBKTĐ được thành lập do Sắc lệnh lệnh 010/SL/VH/GDTN ngày 11-1-1974 của Tổng Thống VNCH-II và đi vào hoạt động đầu năm 1974. Đây là viện đại học cấp quốc gia (university), chuyên về khoa học, kỹ thuật (polytechnic), có khu đại học = campus rộng khoảng 600 hec-ta tại quận Thủ Đức, cạnh xa lộ Biên hòa và xa lộ Đại Hàn (trước 1975, các cơ sở của Viện còn nằm rải rác đó đây).

    Viện ĐHBKTĐ là cơ quan mới mà củ: mới vì mới có Sắc lệnh thành lập năm 1973, củ vì một số trường đã hoạt động từ lâu nay đổi tên và nhập vào viện. Viện Đại Học gồm có 7 trường gồm 3 trường củ và 4 trường mới:

    1. Trường Đại học Kỹ thuật (củ): (1957) Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ => (1972) Học viện Quốc gia Kỹ thuật => (1973) Trường Đại học Kỹ thuật
    2. Trường Đại học Nông nghiệp (củ): (1955) Trung tâm Quốc gia Nông Lâm Súc => (1972) Học viện Quốc gia Nông nghiệp => (1973) Trường Đại học Nông nghiệp;
    3. Trường Đại học Giáo dục Kỹ thuật (củ): Trung tâm Huấn luyện Sư phạm Kỹ thuật => (1973) Trường Đại học Giáo dục Kỹ thuật;
    4. Trường Đại học Kinh Thương = Kinh tế Thương mại (mới)
    5. Trường Đại học Khoa học Căn bản (mới)
    6. Trường Đại học Thiết kế Thị Thôn (mới)
    7. Trường Đại học Cao cấp = College of Graduate Studies (mới): sau khi đỗ bằng Cử nhân hay kỹ sư sinh viên có thể tiếp tục học lên để thi lấy bằng Cao học và Tiến sĩ. Năm 1973 ngành Công chánh đã thành lập Ban Cao học.
    8. Đại học Cộng đồng cấp địa phương (Community Collges)

    Cạnh các Viện đại học cấp quốc gia có hệ đào tạo ngắn hạn cấp địa phương, gọi là Đại học Cộng đồng “mang kiến thức và chuyên môn tới công đồng”, một số học viên có thể là người lớn, người đang làm việc.

    Đại học cộng đồng là trường đại học 2 năm (Cao Đẳng), chương trình học gồm những môn thực dụng nhằm cung cấp kiến thức và cải tiên khả năng cho học viên, giúp tăng năng xuất trong lao động. Thời khóa biểu linh động để thích hợp với giờ giấc những công nhân muốn đi học. Sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp (Associate’s degree, Mỹ) hay giấy chứng nhận dự khoá học (Certificate of Completion) tùy chương trình theo học. Bằng tốt nghiệp có thể được các đại học cấp quốc gia cứu xét để cho học lên cao. Nếu muốn học lấy bằng thì đầu vô là bằng Tú tài. Nếu muốn dự các khóa huấn luyện nghề nghiệp thì bằng Tú tài không là yêu cầu. Trước 1975, Miền Nam có 4 đại học cộng đồng:

    • Đại học Cộng đồng Quảng Đà
    • Đại học Cộng đồng Nha Trang
    • Đại học Cộng đồng Tiền giang/ Mỹ Tho
    • Đại học Cộng đồng Long Hồ/ Vĩnh Long
    • [Đại học Cộng đồng Ban Mê Thuột (chưa thành hình)]

    Với việc thành lập “Trường Đại học Thiết kế Thị Thôn” thuộc Viện ĐHBKTĐ và các trường Đại học Cộng đồng, Chánh Phủ VNCH đã dự phóng chương trình phát triển thời hậu chiến: có nơi đào tạo chiến binh giải ngũ thành chuyên viên trung cấp, xây dựng nông thôn thạnh vượng, tươi sáng. Tiếc thay!

    1. Các cơ sở Đào Tạo chuyên nghiệp do các Bộ khác chủ quản

    Học viện Quốc gia Hành chánh (thuộc Phủ Thủ tướng): thành lập ngày 29-5-1950 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ QGVN với mục đích đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chánh các cấp – cấp đốc sự học với học trình là 4 năm (đại học) và cấp tham sự học với học trình là 2 năm (Cao đẳng) – từ Trung ương đến địa phương và chuyên viên các nghành thuế vụ, ngoai giao. Từ năm 1967, Học viện Quốc gia Hành chánh mở thêm ban Cao học với học trình là 2 năm.

    Trước tiên Học viện đặt tại Đà lạt, sau dời về Sai-gon trên đường Alexandre de Rhode, và từ năm 1958 trụ tại đường Trần Quốc Toản trong một cơ sở rộng lớn.

    Trường Võ Bị Quốc gia (tại Đà lạt, thuộc Bộ Quốc phòng)

    Tại trường Võ bị Quốc gia, từ khóa 26 (năm 1969) chương trình học là 4 năm (đại học). Sinh viên Sĩ quan học “môn chính” (major) là Võ khoa và các “môn phụ” (Minors) gồm Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xả hội. Sinh viên sĩ quan tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia với chương trình 4 năm được cấp bằng“Cử nhân Khoa học Ứng dụng”. Có những khoảng thời gian sinh viên sĩ quan Vỏ bị Quốc gia học chương trình 2 năm (Cao đẳng).

    Còn một số trường chuyên nghiệp có quy chế riêng, đầu vào là Tú tài I và thi tuyển, học 2 – 3 năm, đào tạo chuyên viên trung cấp như Trường Cán sự Bưu điện thuộc bộ Bưu điện & Viễn thông, trường Cán sự Điều dưởng, trường Nữ hộ sinh quốc gia thuộc bộ Y tế, Viện Quốc gia Âm nhạc và trường Mỹ thuật (Gia định) thuộc bộ VHGD&TN, v.v…Thời chưa có “đại học chánh quy” các trường trên thuộc hệ cao đẳng, là thành phần của đại học (nhận xét riêng).Đ. Đại học tư thục

    Trước 1975, đa số các Viện/ Trường Đại học Tư thục do các đoàn thể tôn giáo sáng lập.

    • Viện Đại học Đà lạt: thành lập năm 1958, với 5 trường: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học xả hội, Chính trị-Kinh doanh (với hai phân khoa: Chính trị Xã hội và Quản trị Kinh doanh), và Thần học.
    • Viện Đại học Vạn Hạnh: thành lập năm 1964, gồm có 4 phân khoa: Phật Học, Văn học & Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Khoa học Ứng dụng, và Trung tâm Ngôn ngữ.
    • Viện Đại học Minh Đức: thành lập năm 1970, gồm có 4 phân khoa: Y khoa, Kinh thương, Khoa học Kỹ thuật, và Kỹ thuật Canh nông
    • Đại học Tây Ninh: cơ sở đặt tại toà thánh Tây Ninh, gồm có: Khoa Sư phạm, Văn khoa, Nông Lâm Súc
    • Đại học An Giang
    • Các sư huynh dòng La-san Taberd có xin phép mở trường đại học đào tạo kỹ sư ngành Dầu khí. Cơ sở đặc tại trường La-san Taberd, 53 Nguyễn Du.

    IV. PHẦN KẾT

    Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ Pháp chấm dứt với hiệp định Genève 1954. Nhà nhà lo ổn định cuộc sống. Trẻ em nô nức đến trường, phụ huynh ước mong con em học hành thành đạt để thoát khỏi cảnh nghèo dốt. Có sự bùng nổ trong ngành Quốc gia Giáo dục. Với phương tiện eo hẹp, chánh quyền đương thời đã cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập của giới trẻ, buổi đầu ưu tiên dành cho bậc tiểu và trung học. Về sau, bậc trung học dội mạnh lên đại học. Ngoài số thanh niên tốt nghiệp trung học mặc chiến y, một số khác được hoản dịch vì lý do học vấn tiếp tục lên học đại học. Sự phát triển về giáo dục đại học như tôi đã vẽ lại với vài chấm phết nêu trên, chắc chắn có sai sót, xin vui lòng điều chỉnh. Một miền đất nước với gần 20 triệu dân trong hoàn cảnh chiến tranh dử dội có một hệ  thống giáo dục đại học như thế, dù chưa đầy đủ cũng cho thấy một cố gắng đáng kể và thành quả cụ thể để dành lại cho mai sau.

    Huỳnh văn Thế và Katherine Lý Thị Ngọc Anh

    Đọc thêm… Trang Thầy Huỳnh Văn Thế