CHÚ HỤI (Phần 2)

nghe lam ruongĐến giữa năm 1975 thì Hùng vào tù, Hằng bị đuổi việc. Bên nhà Hằng bấy giờ cũng chẳng còn ai. Hằng phải dẫn hai con, một trai một gái, về ở với bà nội. Bà Hai lúc ấy cũng đã già lắm rồi, nhưng bà vẫn phải tính toán việc nương rẫy vì Hụi chỉ có sức làm thôi chứ không hề biết chuyện nắng mưa giống má gì hết. Thấy Hằng về, bà Hai rất mừng. Bà đang lo nếu bà có mệnh hệ nào thì Hụi sẽ chỉ có thể làm lao nô cho người khác thôi. Bà biết Hằng rất thương người em chồng tật nguyền. Qua cách Hằng đối xử với Hụi bao nhiêu năm từ khi Hằng về làm dâu nhà bà đã tạo cho bà một sự tin tưởng lớn. Những lần về thăm bà, Hằng đã không ngần ngại giặt giúp bà những đồ dơ của bà cũng như của Hụi. Hằng cũng không hề đắn đo khi bỏ tiền ra sắm những bộ áo quần đáng giá cho bà, cho Hụi. Thấy Hụi ưng cái gì Hằng cũng tìm cách kiếm cho bằng được để Hụi vừa ý.

Bà Hai không hề có một tà kiến về vai vế chị dâu ông chú mà chỉ nhìn thấy giữa Hằng và Hụi có một thứ tình thương như tình thương mẹ con hay tình thương chị cả em út vậy. Chính bà cũng rõ hơn ai hết, đứa con trai tật nguyền của bà bị một khuyết điểm quá lớn là dơ dáy, hôi hám mà chỉ có người mẹ hay một người rất nhân đạo, rất cao thượng mới chịu đựng nổi. Hụi không bao giờ tự mình tắm rửa được. Áo quần thì bà phải đưa đến tận tay và bảo thay Hụi mới chịu thay. Đó là điều làm bà mất ăn mất ngủ nhất. Một mai kia khi bà nằm xuống rồi thì tình trạng đó sẽ ra sao?
*
Từ cái nghề đứng bục giảng bài chuyển sang nghề nương rẫy là một vấn đề lớn đối với Hằng. Đôi vai mềm yếu ngày nào chỉ mang cái ba lô đi trại hè đã thấy khó chịu, giờ phải gánh sắn, gánh khoai ngày này qua ngày khác. Cái lưng thon khi ngồi dựa ghế, khi mỏi duỗi thẳng trên giường lót nệm, giờ ngày nào cũng uốn gập lại muốn gẫy để nhổ mạ, cấy lúa, lượm cỏ. Ngày nào thấy con trùn bò dưới đất cũng vội tránh, bây giờ những con đỉa lớn như ngón chân cái bám đầy chân mà hút máu chảy ròng ròng cũng phải ráng mà chịu…
Bước chuyển tiếp này tuy khó khăn nhưng nó còn mang ít nhiều tính chất tự do. Khi mệt lắm mình có thể nghỉ một ngày hai ngày. Khi cần việc khác, mình còn có thể tạm hoãn việc đang làm lại. Khi đang làm việc buồn ngủ quá có thể tìm lùm cây làm một giấc. Mình làm việc mình không có ai thúc đẩy, dòm ngó.
Tới đợt chuyển tiếp từ cách làm ăn cá thể sang lề lối làm ăn tập thể là giai đoạn khốn đốn cực điểm của đời Hằng. Ruộng rẫy chính quyền gom hết về một mối rồi phân chia ra cho từng đội canh tác. Mỗi người mỗi việc đều do cán bộ cắt đặt. Ba giờ sáng đã nghe kẻng báo thức vang rền. Năm giờ sáng đã tập họp ra đồng ra rẫy. Buổi tối thì họp bình bầu rút ưu, khuyết điểm, có khi kéo dài tới 12 giờ khuya. Cả đời Hằng chưa biết đạp nước lên ruộng bao giờ, một lần được phân công làm việc ấy cũng phải gắng lòi trĩ ra mà đạp. Cũng có lần được cử đi lấy phân Bắc (phân người), Hằng phải nín thở, nghiến răng mà xúc. Nhằm thời kỳ kinh nguyệt, gặp mùa cấy Hằng cũng phải lội ruộng sâu để cấy. Làm lụng vất vả đến
thế nhưng sau khi nộp lương thực cho huyện, tỉnh, trích lại cho  quĩ bồi dưỡng cán bộ, quĩ khen thưởng thành phần xuất sắc, cuối vụ chia cho tổ viên đổ đồng mỗi ngày Hằng lãnh được không tới một lon rưỡi gạo và một ít hoa mầu phụ. Chú Hụi cũng không khá hơn được, dù chú là đàn ông có sức nhưng người ta cứ lợi dụng sự khờ khạo của chú để chèn ép, lại còn phê bình chú là lười nhác nữa. Riêng Hằng bao giờ cũng phải cố gắng hết mình trong công việc, chỉ vì Hằng sợ bị phê bình sẽ ảnh hưởng đến Hùng, người chồng đang ở trong tù.
Một lần tình cờ Hằng được cắt việc nhổ mạ gần đám đất người ta cắt cho chú Hụi cuốc. Ông thôn trưởng thân hành dắt Hụi đến tận đám đất và dặn:
-Hôm nay chú Hụi phải cuốc cho xong đám đất này nghe chưa!
Hụi ừ và lập tức cắm cúi cuốc. Hụi cuốc ráo riết. Khi khát nước chú chỉ ngừng tay uống mấy ngụm rồi lại tiếp tục công việc. Thấy tội nghiệp, Hằng gọi vói:
-Này chú Hụi, nghỉ đi một chốc rồi cuốc tiếp chứ chú làm như vậy đuối sức mà chết luôn đó!
-Không, ông thôn dặn đừng nghỉ!
-Chú cứ nghỉ một chút đi, tôi nói với ông thôn cho.
Lần này thì chú Hụi nghe Hằng và ngồi xuống nghỉ. Nhưng chú mới ngồi chừng mười phút thì ông thôn lại đến, ông nói lớn:
-Làm gì mà cứ nghỉ hoài như vậy? Này chú Hụi, chú cuốc cạn quá!
Rồi ông cầm cuốc lên cuốc lia lịa liên tiếp cả mươi lát:
-Phải cuốc như tôi thế này này! Chú cuốc chậm rì và cạn quá lấy gì mà ăn!
Sau đó ông trao cuốc cho chú Hụi, thở hồng hộc mà đi nơi khác. Mấy lát cuốc của ông thôn thật có tác dụng. Ông đi rồi nhưng chú Hụi cứ cuốc thật nhanh, thật mạnh và cuốc mãi miết. Hình như chú sợ ông thôn nhìn thấy nếu chú ngừng tay. Bây giờ Hằng mới hiểu vì sao từ ngày vô làm đội, chú Hụi về nhà ăn xong là ngủ liền cho đến khi bị đánh thức dậy đi làm ngày khác. Người Hụi bây giờ đã xơ xác đi rất nhiều. Hằng không cầm được lòng lại gọi:
-Chú Hụi ơi, ông thôn đi khỏi rồi, cứ nghỉ uống nước đi chốc nữa cuốc tiếp. Chứ cuốc gắng lắm đuối sức mà chết bây giờ.
-Không! Không cuốc nhiều ông thôn không cho gạo.
Rồi Hụi lại cắm đầu cuốc. Tới gần tối thì chú Hụi cuốc xong miếng đất.
Hôm sau Hằng tiếp tục nhổ mạ ở thửa mạ cũ. Buổi trưa thì toán thống kê đến kiểm tra thửa đất Hụi cuốc hôm qua. Hằng nghe một người nói:
-Cuốc như vậy là đạt lắm! Phần của ông thôn đấy, tính cho ông ấy ba công.
Hằng nghe hơi ngạc nhiên nhưng không dám thắc mắc với ai hết. Nếu cứ làm như cái đà này thì chú Hụi chết sớm thật. Gắng đem sức ra làm cho người khác ăn mới đau lòng chứ. Ngặt một cái là Hằng có nói chú cũng nhất định không chịu nghe. Hằng cố nặn óc suy nghĩ để tìm cho ra một lối thoát. Và lần đầu tiên Hằng nghĩ tới chuyện đi vùng kinh tế mới…
*
Nhân ngày hợp tác xã tổ chức buổi liên hoan ăn mừng thành tích làm ăn tập thể trong năm, các đội đều được nghỉ đi làm. Có chút thì giờ rảnh, Hằng dẫn hai con và chú Hụi đi hớt tóc. Khi đi ngang qua sân hợp tác xã, Hằng thấy ông thôn và mấy ông đội trưởng vừa ăn tiệc xong còn đứng tụm lại hút thuốc tán dóc trước khi về. Hằng gật đầu chào họ. Mấy người ấy cũng gật đầu chào lại Hằng. Bất đồ Hằng thấy ông thôn co chân một cái và một gói gì đó trong ống quần lọt ra. Mấy viên chức đứng quanh đấy đều nhìn lại và cùng cười rầm lên. Ông thôn có vẻ bối rối chốc lát rồi ông cũng cười vẫy tay về phía Hằng:
-Hụi ơi, may quá, tao định đem cái này về cho mày thì lại gặp mày ở đây! Này, cầm lấy mà ăn đi!
Ông lượm cái gói đem đưa cho Hụi. Hụi mở gói ra thì thấy mấy miếng chả trứng chiên mỡ láng lườm trông phát thèm cùng với một bịch nylon đựng lòng heo. Hụi sung sướng vừa bước vừa nhai trước sự ngơ ngác của hai đứa nhỏ. Hằng toan nói với Hụi về nhà rồi hãy ăn nhưng rồi lại thôi. Hằng quay lại nhìn ông thôn và nói:
-Cám ơn ông thôn nhiều lắm!
Hằng nghe một người nào đó nói:
-Hôm nay sao ông thôn thương thằng Hụi dữ vậy không biết!
Vài hôm sau ở các đội đều nghe cái chuyện tếu bà nấu bếp lén đưa thêm cho ông thôn một gói quà. Ông thôn bỏ quà vào túi quần. Không ngờ gói quà nặng quá trong khi cái túi quần vải đã mục rách làm nó lọt ra ống quần!
*
Thấy tình trạng khốn khổ của đứa con tật nguyền trong cuộc sống hiện tại, bà Hai đã quyết định đi vùng kinh tế mới.
Tới xứ sở mới mẻ này, mẹ con bà Hai, nhờ ơn trên cũng kiếm được một mẫu rẫy. Với sự cố gắng làm ăn của mọi người, lại gặp nơi chính quyền địa phương đang nới tay để khuyến khích dân đến làm ăn, gia đình Hằng cũng sống thoải mái hơn hẳn khi làm đội ở quê nhà.
Rồi bà Hai mỗi ngày một yếu, dần dần bà chỉ còn có thể lo việc cơm nước, giặt rửa trong nhà. Hùng thì không biết ngày nào mới trở về được. Công việc rẫy bái bấy giờ hoàn toàn do một tay Hằng tính toán. Cũng may đất mới đãi người, Hằng cũng có dư ra chút đỉnh để lo việc thăm nuôi chồng. Chú Hụi nhờ hợp với bắp, đậu ăn tha hồ, người cũng khỏe ra, có sức làm việc dẻo dai trở lại. Hằng siêng năng, cố gắng, chú Hụi cũng siêng năng cố gắng.
Một hôm trời mưa lớn không đi làm được, Hụi ở nhà lục lọi soạn hết cái bao đựng đồ đạc của mình, rồi đến chỗ Hằng đang ngồi bào bắp:
-Chị Hằng, cho chị hết đây này!
Hụi dúi vào tay Hằng một nắm bạc. Hằng kinh ngạc mở ra coi thử. Tiền thời Bảo Đại, thời Ngô Đình Diệm, thời đệ nhị Cộng Hòa đều có nhưng chỉ có vài đồng tiền đang lưu hành. Thì ra bao nhiêu năm nay, những tiền được lì xì chú Hụi vẫn dồn cất lại tất cả. Hằng nhìn nắm tiền mà xúc động muốn rơi nước mắt. Số tiền còn dùng được chỉ có thể mua mấy cái kẹo.
-Cám ơn chú Hụi, nhưng tại sao chú lại cho tôi?
-Tôi…tôi … muốn cho chị…
Hằng đem nắm tiền tới nói chuyện cho bà Hai nghe. Hai mẹ con cùng cười xót xa.
Mấy ngày sau chú Hụi bỗng trở chứng. Nhiều lần đang làm cỏ chú bỗng chống cuốc đứng nghỉ với vẻ thẫn thờ cả giờ. Hoặc lúc đang trỉa giống gấp cho kịp vụ, chú cũng bỏ ngang tìm dựa gốc cây ngồi nghỉ. Hằng rất lo lắng vì biến chứng lạ lùng đó. Có thể là Hụi sắp bị bệnh hoạn gì đây. Nếu Hụi bị bệnh thật thì quả là khốn nạn cho Hằng. Rẫy cả mẫu như thế này e cũng phải bỏ hoang bớt. Tình trạng đó kéo dài cả mươi ngày. Nhưng Hằng vẫn để mặc Hụi, không nói đến. Hằng cứ cặm cụi lo công việc một cách nôn nóng. Thấy Hằng không nói gì, Hụi càng làm tới, tỏ ra lười hơn.
Sau cùng, một lần quá nóng lòng vì công việc, Hằng gọi:
-Này chú Hụi, gắng ra làm thêm một chốc nữa rồi về nghỉ sớm!
Hụi xách cuốc đi lại gần Hằng làm được vài lát rồi ngừng lại nói với Hằng:
-Chị cởi quần cho tôi ngó một chút rồi tôi làm!
Lời nói bất ngờ của Hụi làm Hằng lặng người. Nàng sững sờ chốc lát mới lấy lại được bình tĩnh. Cố tạo ra một vẻ vừa nghiêm nghị vừa giận dữ, Hằng nói với Hụi:
-Chú nói bậy tôi sẽ về mách với mẹ. Hôm nay chú mệt chú về nghỉ trước đi!
Hụi tỏ vẻ sợ sệt, im thin thít, cắm đầu cắm cổ làm cho đến tối.
Đêm đó về Hằng không ngủ được. Thật sự Hằng không giận Hụi một chút nào. Hằng chỉ nghĩ mà thương cho Hụi. Dù sao Hụi cũng là một người đàn ông! Nếu như không có Hằng dính líu tới cuộc đời Hụi từ thuở nhỏ, Hụi đâu đến nỗi ra thân thế như bây giờ! Có thể đó là do định mệnh, nhưng định mệnh sao quá quái ác, mượn Hằng làm tác nhân! Và nếu không phải là định mệnh thì sao? Trong làng trong xóm những người cùng tuổi với Hụi cũng nhiều. Ngoài một số rủi ro hi sinh trong chiến tranh, số còn lại đều có một mái ấm gia đình tương đối hạnh phúc. Niềm hạnh phúc lớn của con người là cảnh vợ chồng vui vẻ, mẹ cha, con cái sum vầy. Cao điểm là khi có những đụng chạm rắc rối ngoài đời, ấm ức trong lòng khó tỏ bày cùng ai, về nhà vợ
chồng cùng nhau chia sẻ, rồi tìm hơi ấm của nhau…
Nghĩ tới Hụi, Hằng lại liên tưởng tới đứa trai của mình, thằng Thảo. Thảo đang học lớp năm và là học sinh xuất sắc nhất trường. Môn nào nó cũng giỏi một cách lạ lùng. Kinh nghiệm qua bao năm làm nhà giáo, Hằng tin chắc con nàng cũng là một trường hợp khác thường. Cái chấn động tâm trí do Hụi gieo nơi Hằng ban chiều đã khơi lên cho Hằng một điều mà lâu nay Hằng không để ý đến: Hụi ngày xưa sao giống thằng Thảo bây giờ như đúc vậy? Cặp mắt! Nụ cười! Cái trí thông minh! Hằng càng thêm lo sợ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần”! Lo sợ cho con, cho mình và càng thương cho thân phận của Hụi. Gần bốn chục tuổi, Hụi vẫn chưa biết gì về đàn bà! Hằng đang bị ám ảnh bởi chữ tài chữ mệnh. “Thấy người nằm đó biết sau thế nào”!
Những ý nghĩ đó cứ hành hạ Hằng cho đến khi bà Hai thức dậy nấu cơm…
Những ngày kế tiếp Hụi trở lại làm việc chăm chỉ bình thường. Tuy vậy, Hằng bấy giờ cũng luôn luôn cảnh giác để đối phó với sự bất trắc. Hằng rất thông cảm Hụi, hiểu Hụi, thương Hụi như lòng người mẹ đối với đứa con. Hằng cũng nghĩ rất nhiều về mối hạnh phúc gia đình. Hằng tin chắc mình không bao giờ phạm lầm lỗi được. Nhưng Hằng rất lo sợ một sự ứng xử vụng về của mình có thể làm cho mình mắc thêm một nỗi ân hận hoặc có thể gây nên những mối hiểu lầm tệ hại.
Sự cảnh giác đề phòng của Hằng không thừa. Một hôm hai chị em đang bày cơm ra sắp ăn trưa dưới bóng cây thì Hụi lại nói:
-Chị Hằng, chị cởi quần cho tôi ngó một chút đi! Một chút thôi mà!
Hằng đứng phắt dậy, làm ra vẻ vô cùng giận dữ:
-Chú ăn cơm cho hết đi rồi về! Từ  nay chú đừng có đi làm với tôi nữa!
Nói xong Hằng vùng vằng xách cuốc đi làm chỗ khác. Hụi thấy thế cũng không ăn. Chú ngồi ôm đầu khóc thút thít. Sau khi khóc cho đã, chú lại vác cuốc đi làm. Hằng thấy tội nghiệp chú lắm nhưng vẫn cố làm nghiêm, không lên tiếng, làm việc cho hết buổi chiều. Phần cơm của hai người hôm đó chồn chuột và kiến ruồi hưởng hết. Tối đến, Hằng vẫn cố giữ một vẻ nặng nề giả tạo, vác cuốc ra về. Hụi cũng lẳng lặng về theo.
Hằng lại trải qua một đêm thức trắng khác. Không biết chuyện gì sẽ đến nữa đây? Nỗi lo sợ của Hằng càng tăng. Khi sự thèm khát của con người bị dồn nén đến cùng cực thì hậu quả thật khó lường. Hằng định nói chuyện với bà Hai nhưng dật dờ chưa dám. Hằng sợ bà Hai lẩm cẩm lộ chuyện ra thiên hạ suy đoán lung tung lại càng thêm phiền. Hằng phập phồng lo sợ từng ngày, từng giờ. Mỗi buổi chiều Hằng phải lo về sớm hơn trước kia nhiều, dù nôn việc cũng không dám làm gắng nữa.
Rồi một chiều kia, giữa nửa chiều, Hụi lại trở chứng. Hằng làm mặt giận thì Hụi lại gục đầu khóc thảm thiết. Muốn cho Hụi sợ mà chừa, Hằng vùng vằng làm như không chịu được nữa, bỏ về. Cứ tình trạng này thì khó yên lắm rồi. Thế nào rồi cũng xảy chuyện không hay. Những ý nghĩ quay cuồng rối bù đầu óc khiến Hằng về đến trước nhà mình mà vẫn chưa hay…
-Ba về rồi má ơi!
Tiếng kêu sung sướng của hai đứa trẻ làm Hằng như vừa tỉnh giấc mộng. Người đàn ông gầy nhom đang tươi cười tiến lại phía Hằng. Trong cơn xúc động, Hằng phóng tới ôm Hùng khóc nức nở. Khi buông Hùng ra, Hằng chợt thấy Hụi còn đang vác cuốc đứng nhìn hai người ngây dại sững sờ… Hùng vội chạy lại nắm tay Hụi cùng đi vào nhà.
*
Sự trở về của Hùng như một phép mầu đã xóa sạch trơn những nỗi lo sợ của Hằng. Không khí gia đình trở nên đầm ấm hơn nhiều. Trong những giờ phút tràn trề hạnh phúc môi kề má áp bên người chồng sau một thời xa vắng, nhiều lúc Hằng chợt chạnh lòng nghĩ tới Hụi. Hụi cũng là một người đàn ông. Hụi cũng có tình cảm, cũng có ước mơ, cũng có những thèm khát như mọi người. Thế mà đến giờ này, gần bốn mươi tuổi, Hụi vẫn chưa biết đàn bà là thế nào. Đêm đêm Hụi vẫn nằm chèo queo một mình! Nếu không gặp Hằng thì đời Hụi đâu đến nỗi! Với sự thông minh tót chúng, đời Hụi sẽ huy hoàng biết mấy nếu không có tai nạn xảy ra! Những ý nghĩ ấy cứ dày vò Hằng mãi. Một hôm Hằng thủ thỉ:
-Này anh, anh có biết nhà chứa chỗ nào không?
Hùng ngạc nhiên nhõm người ngồi dậy.
-Em hỏi làm gì vậy? Không lẽ em nghi anh lui tới những nơi ấy à?
-Không đâu. Anh bình tĩnh em nói chuyện này cho anh nghe…
*
Chiều kia Hùng đã tự tay tắm rửa thật kỹ cho Hụi. Sáng hôm sau Hùng bảo Hụi mặc bộ đồ mới nhất để đi chơi phố huyện. Hùng đã chuẩn bị sẵn liều thuốc phòng bệnh cho Hụi, dắt Hụi vào một tiệm ăn khá sang cho Hụi ăn uống thỏa thích trước khi nếm mùi đời. Hai người bạn của Hùng đi theo cứ khục khặc cười, tinh nghịch gợi ý với Hụi. Hụi nghe lời họ có vẻ thích thú nhưng không giấu nổi vẻ bẽn lẽn.
*
Hụi bước về nhà với vẻ hả hê lắm. Hằng thấy vậy mỉm cười hỏi:
-Chú Hụi bữa nay đi phố làm gì thế? Có vui không?
Hụi hân hoan trả lời:
-Ừ, ừ, Vui lắm! Vui lắm! Thích lắm!
Hùng bước vô theo sau nghe Hụi nói cũng cười thích thú:
-Nắng lâu ngày gặp mưa mà! Tuần sau đi nữa nghe chú Hụi! Chịu không?
-Ừ, ừ, thiệt hả! Tuần sau anh dắt tôi đi tiếp nữa nghe! Tôi chịu!
-Vậy thì từ giờ này chú Hụi phải tự tắm rửa đi đó!
Hụi đi về chỗ mình để nghỉ. Hùng cũng vô phòng riêng thay đồ. Hằng bước vô theo tủm tỉm cười hỏi chồng:
-Kết quả mỹ mãn anh há! Chắc chú ấy… thích lắm nhỉ! Anh có cẩn thận lo cho chú ấy không? Không chừng rước bệnh về thì khốn!
-Yên trí. Chú ấy có được người chị dâu như em không lẽ lại có ông anh tồi vô trách nhiệm? Thay mặt cho chú Hụi, anh thành thật cám ơn em vạn bội. Em là người đàn bà cao thượng nhất đời!
Hằng nhìn chồng âu yếm:
-Anh biết không! Đó là số tiền em dành dụm trù sắm cho anh bộ tông đơ để đi hớt tóc dạo đỡ nhọc cái thân. Dùng cho ông em rồi thì ông anh ráng chịu thôi. Bây giờ anh lại hứa đùa tuần sau đi nữa, lỡ chú ấy đòi đi thiệt thì làm sao?
-Ồ, nếu em mà thấy được cái vẻ hả hê, sung sướng của chú ấy sau khi lâm cuộc, có cho thêm nữa cũng không tiếc… Thôi, giờ tới phiên mình!
Cả hai vợ chồng cùng cười vui vẻ.
*
Ngay sáng hôm sau ngày đi phố huyện về, Hụi bị nhuốm bệnh sốt rét. Trong đời Hụi, gần như chưa hề một lần đau ốm đáng kể. Cả nhà đều tưởng chỉ sốt qua loa như mọi lần, không ngờ đến buổi tối thì cơn sốt tăng kịch liệt. Vợ chồng Hùng đưa Hụi ra trạm xá nhưng nơi này thuốc men thiếu, phải cấp giấy chuyển về bệnh viện huyện.
Số phận hẩm hiu, Hụi được đưa tới bệnh viện, nhưng vì Hùng không chuẩn bị đủ tiền đóng viện phí nên bệnh viện cương quyết không cho nhập. Trong khi đang dùng dằng chờ đợi chạy tiền qua cửa thủ tục thì Hụi mất.
Hụi ra đi quá bất ngờ. Hằng đã khóc cho người em chồng còn thống thiết hơn cả bà Hai – mẹ của người chết.
*
Chuyện mồ mả xong xuôi, Hùng tâm sự với Hằng:
-Chú ấy mất coi như là số mệnh đi. Dù sao mình cũng có chút an ủi là trong những ngày cuối đời của chú ấy, mình đã cho chú ấy thỏa mãn một vài ước muốn.
Hằng buồn bã lắc đầu:
-Không, chính vì cái đó mà em ân hận thêm. Biết đâu chính vì việc đó làm cho bệnh chú ấy phát ra? Cũng có thể, vợ chồng mình đã tiếp tay hủy hoại cái đồng trinh của chú ấy, khiến chú ấy không được lên thiên đường!
Ngô Viết Trọng

 

Nguồn : khoahocnet