SỰ THẬT LỊCH SỬ

KIẾN HÀO

Sử Ký của Tư Mã Thiên (145-86 TCN ) chép : Thôi Trữ dòng dõi quý tộc nước Tề, làm quan đại phu dưới thời Tề Trang Công. Năm 548 trước CN, vì tư thù, Thôi Trữ lập mưu giết vua và đưa người em vua lên thay tức Tề Cảnh Công. Vụ án Tề Trang Công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “ Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết. Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ ba vẫn chép như vậy, không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ. Ông đành thôi không giết người chép sử nữa.

Đó là chuyện xứ người. Thời phong kiến ở nước ta may mắn không có vị sử quan nào lâm vào tình cảnh như vụ Thôi Trữ bên Tàu, dù cho nạn quyền thần lộng hành soán ngôi giết vua không phải là không có. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần (Hậu) Lê, Nguyễn…gần ngàn năm, những quan Thái sử dù làm quan ăn lộc vua nhưng vẫn giữ được chính khí của người cầm bút, không vì chuyện ưa ghét riêng tư mà thêm vào chổ này bớt đi chổ nọ, không vì chìu lòn xu nịnh mà múa bút viết cho đẹp dạ quân vương, không nhân danh các thế lực đương triều mà bôi đen chổ này tô hồng chổ nọ, làm cho hậu thế trăm năm ngàn năm sau đọc không phân biệt được bức tranh lịch sử đâu là chổ sáng, đâu là chổ tối..

Nhờ vậy mà kho tàng sử Việt hết sức phong phú với những sự kiện lịch sử chống ngoại xâm hào hùng, tính cách các nhân vật lịch sử được khắc họa sinh động, làm đề tài gợi hứng cho các nhà viết truyện, kịch đời sau. Nhiều sự kiện rất đắt nhiều khi lại tìm được trong gia phả các thế tộc, tiểu thuyết lịch sử chương hồi hay kể cả truyền thuyết dân gian. Dã sử hay huyền sử cũng có cái hay của nó chính là vậy. Nếu gọi sử là tấm gương sáng soi rọi hành vi tiền nhân, người viết sử phải giữ lòng trung trinh khách quan để hậu thế nhìn vào đó mà noi theo hoặc xa lánh thì các nhà viết sử nước ta thời phong kiến đã phần nào làm tròn nhiệm vụ.

Nhân vô thập toàn. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, kẻ thủ ác gây ra họa diệt tộc họ Lý và chủ xướng những cuộc hôn phối loạn luân chung huyết thống, nhưng chính sử cũng trang trọng ghi công ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chống họa xâm lăng phương bắc, với lời nói khảng khái : “đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo” . Hay như Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau khi lên ngôi vua đã lập đại công phá Tống bình Chiêm giữ vững nền độc lập non trẻ của nước nhà sau ngàn năm Bắc thuộc, nhưng chính sử cũng không thể bỏ qua việc làm binh biến soán ngôi vua, giết hại công thần triều Đinh và quan hệ mờ ám với Thái hậu tiền triều của ông. Mạc Đăng Dung lợi dụng lòng tin của Lê Chiêu Tông, ngấm ngầm lập phe đảng riêng, loại trừ dần tay chân thân cận của vua Lê cuối cùng giết vua soán ngôi lập nên triều Mạc; nhưng trong chính sử vẫn ghi cảnh thái bình thịnh trị thời kỳ đầu nhà Mạc (1527-1540) : “ Người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về…đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên…”.

Như vậy, ta thấy các sử gia thời xưa đã chọn sự trung thực làm tôn chỉ dù nhiều khi sự thật ấy không phải lúc nào cũng có lợi cho chế độ phong kiến mà họ đang sống. Điều ấy có thể khiến họ gặp nhiều bất lợi, thậm chí nguy hiểm nhưng nếu các sử quan không có dũng khí, không dám ghi chép sự thật khách quan thì chỉ trăm năm sau, nhiều sự kiện lịch sử sẽ khuất lấp dưới bao lớp sóng phế hưng, đó là một thiệt thòi vô giá cho kho tàng Sử Việt và gây khó khăn cho việc tìm tòi nghiên cứu của nhiều lớp hậu sinh trong đó có chúng ta. Một triều đại thọ vài trăm năm có thể gọi là dài đối với một đời người, nhưng so với chiều dài lịch sử của đất nước, dân tộc thì chỉ như cơn gió thoảng, dù có thổi phồng hay bưng bít (các sự kiện) thì cây kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra.

Sử Việt Nam cận đại, dưới nhãn quan Mác xít – Lêninnít thì không có khái niệm gọi là sử trung thực, sử khách quan chung chung cho mọi người mà chỉ có sử được viết dưới một ý thức hệ cụ thể, để phục vụ một giai cấp cụ thể, của một người viết sử chịu ảnh hưởng nhân sinh quan thế giới quan cụ thể nào đó. Việc ghi chép lại những sự kiện, hiện tượng lịch sử đều bị chi phối bởi lập trường tư tưởng của người cầm bút, thường là tuân theo khuynh hướng chính trị đương thời :  sự thật phải phục vụ cho “sự nghiệp cách mạng”, nếu thiếu tính “đảng” hoặc thiếu tính “chiến đấu” hay đơn giản chỉ là “không có lợi” thì bỏ qua hoặc viết khác đi.

Do đó,  những sự kiện như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa bị mất đi vào tay giặc phương bắc; hay anh hùng dân tộc Ngụy văn Thà, các tử sĩ Hoàng Sa, liệt sĩ Trường Sa; các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 không hề có một chữ nhắc đến hay giải thích trong sách giáo khoa, thậm chí những kẻ biên soạn sách giáo khoa không dám gọi đích danh bọn giặc đã đánh giết hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị là bọn giặc nào. Còn “Lê văn Tám” là một nhân vật không có thật được xây dựng thành một “anh hùng dân tộc” với hình tượng “bó đuốc sống” cho hàng triệu học sinh noi theo, tên tuổi được đặt cho đường phố, công viên, trường học, đi kèm theo là truyện tranh, bài hát…

Việc biến hóa không thành có, có thành không như vậy được biện bác là phù hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để giáo dục và hướng dẫn học sinh noi gương. Nghĩa là nếu không có anh hùng thì tạo ra anh hùng, hoặc không có kẻ thù thì tạo ra kẻ thù. Một thỏa hiệp như vậy có lợi cho cả đôi bên: nhà cầm quyền định hướng được dư luận xã hội, còn các quan thái sử thì được hưởng bổng lộc, địa vị. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, ngày nào đó các em cũng sẽ biết Lê Văn Tám chỉ là nhân vật hư cấu. Một lần thất tín, vạn lần thất tín. Thái độ quay lưng lại với môn sử của các em học sinh chính là hậu quả của việc viết sử theo định hướng của các quan thái sử, mà đứng đầu là những kẻ biên soạn sách theo chỉ đạo của “trên”. Quả thật, gieo hạt giống chua thì không thể nào mong thu hoạch trái ngọt được.

Giáo sư Vũ Dương Ninh mới đây chia sẻ trên trang VnExpress.net về cuộc chiến biên giới phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc (1979) khi được biên soạn trong sách giáo khoa (2015), đã bị cắt từ 4 trang xuống 11 dòng. Còn theo GS Hà Văn Thịnh (ĐH Huế), trong một bài phỏng vấn trên đài BBC vào tháng 2 năm 2016 đã phát biểu : “…dù có bao biện cách nào đi nữa thì những Giáo sư đầu ngành phải chịu trách nhiệm khi cả một cuộc chiến tranh được rút gọn lại chỉ có mươi dòng. Tính chi li, cứ mỗi chữ trong sách giáo khoa, phải đổi bằng cả ngàn mạng người…”. Quả thật, dù dưới bất cứ lý do nào, nếu giảng dạy, chép sử mà ‘né tránh’ sự thật, ‘hy sinh’ các nguyên tắc khách quan, trung thực, ‘thỏa hiệp’ với chính quyền, đổi lấy an toàn, thì đều là hành vi khó chấp nhận với cả dân tộc lẫn khoa học. Chính bản thân ông Thịnh cũng chia sẽ : “…kể cả tôi, khi nói về sự thật cũng chỉ dám đụng chạm vừa phải trong một quá trình tự dặn mình phải tự kiểm duyệt. Nói như thế để biết về một nỗi đau của không ít nhà sử học thời nay…”.

Trong lúc Việt Nam ra sức bưng bít sự thật về cuộc chiến 1979 thì Trung Quốc không ngừng tuyên truyền cho sự thành công của cuộc chiến “chính nghĩa”, “phản kích để tự vệ”, “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trong lúc Việt Nam phủ lên bức màn sương khói cho cuộc chiến, gọi đó là một sai lầm của lịch sử thì Trung Quốc ra sức đánh bóng những anh hùng đã giết “giặc” lập công của chúng. Theo ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty Trí Việt – First News, bản thảo quyển sách “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” kể lại trận hải chiến Trường Sa năm 1988 với cái chết anh dũng của 64 liệt sĩ Hải quân, đã đi qua 13 nhà xuất bản nhưng đều bị từ chối, còn quyển “ Đặng Tiểu Bình – Một trí tuệ siêu việt” có nội dung ca ngợi người chỉ huy cao nhất bên phía Trung Quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 lại được cấp phép xuất bản quá dễ dàng.

Và cũng giống như việc nhượng cho phương Bắc toàn bộ Ải Nam Quan và hai phần ba thác Bản Giốc khi đàm phán dựng mốc biên giới mà những kẻ chịu trách nhiệm trước lịch sử đã khéo lẫn mất vào trong “tập thể lãnh đạo”; ngàn năm sau, danh tính kẻ chủ mưu đã bưng bít sự thật, cắt xóa những dòng lịch sử chống ngoại xâm trong sách giáo khoa sẽ mãi mãi là một nghi vấn trong sử Việt. Không bao giờ người đời sau có thể biết được tên tuổi, chức vụ của kẻ “ăn cơm nhà ta, thờ ma phương bắc” đó. Các em học sinh sẽ vào đời với kiến thức lờ mờ về lịch sử chống ngoại xâm thời cận đại, dẫn đến nhận thức cũng “lờ mờ” về kẻ cướp nước và bán nước.

Hãy chép sử một cách khách quan, trung thực; ghi chép sự thật như nó vốn có, đừng dụng công định hướng người đọc theo cảm nhận chủ quan của mình hoặc áp lực của “đương triều”, đừng đầu độc giới trẻ bằng những kiến thức sử bị bóp méo, thổi phồng, xuyên tạc. Đó phải chăng là cái dũng của người cầm bút và đạo đức của người chép sử muôn đời./.

KIẾN HÀO

 

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME