Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng / LỜI TỰA 

Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng là tác phẩm thứ 12 của nhà văn Ngô Viết Trọng, là tiểu thuyết lịch sử thứ 6, sau Lý Trần Tình Hận (2002), Công Nữ Ngọc Vạn (2004), Dương Vân Nga: Non Cao & Vực Thẳm (2005), Trần Khắc Chung (2009), Chế Bồng Nga, Anh hùng Chiêm quốc (2011), trong đó, Lý Trần Tình Hận đã được tái bản vào năm 2005.  Điều này chứng tỏ tiểu thuyết lịch sử của tác giả họ Ngô đã được độc giả hải ngoại tìm đọc với hảo cảm.

Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng là truyện dài viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu vào năm 248, chống lại sự thống trị bóc lột, hà khắc của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc.

Sau khi chào độc giả bằng tác phẩm đầu tay Vết Hằn Mùa Xuân, một tuyển tập truyện ngắn dễ thương, dành được nhiều cảm tình của người đọc, Ngô Viết Trọng bỗng rẽ sang một nẻo đường mới – mà rất ít người cầm bút muốn dấn thân, nhất là giới cầm bút hải ngoại – là tiểu thuyết lịch sử.

Nhớ lại thời niên thiếu đã có lần mê mẩn đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, rồi Gia Long Tẩu Quốc, Gia Long Phục Quốc, v.v, chưa kể những Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa… , nên tôi không thể bỏ qua tác phẩm đầu tay về tiểu thuyết lịch sử của anh và nhận ra rằng đây là một sự chuyển hướng hợp tình lý, có thể tạo cho tác giả một chiếu riêng trong sinh hoạt văn học hải ngoại..

Đa số các tác giả thể loại này khi chọn một đề tài nào đó trong lịch sử là muốn vẽ lại lịch sử dưới một hình thức thân thiện, gần gũi, dễ hiểu để độc giả dễ tiếp thu nhưng cũng không thiếu tác giả muốn dựng lại một thời đại, một sự kiện hay một nhân vật nào đó theo cái nhìn  của riêng họ để lý giải điều gì đó. Tương tự, trong lãnh vực điện ảnh, khi Trương Nghệ Mưu dựng phim Hero với bao ngoại cảnh vĩ đại tốn kém cũng chỉ với mục đích vẽ ra Tần Thủy Hoàng dưới một cái nhìn khác.

Trong một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, tác giả ít nhiều đóng vai một thượng đế nho nhỏ, nghĩa là có thể sáng tạo tùy thích. Tuy nhiên, trong khi viết tiểu thuyết lịch sử thì cái quyền này của tiểu thượng đế bị hạn chế nhiều lắm do quá khứ lịch sử đã thành nếp nên khó mà phóng tay bay bổng. Có lẽ đấy cũng là lý do khiến nhiều nhà văn cảm thấy ngòi bút không được thoải mái nên không ham đi vào lãnh vực này. Đó là chưa kể người viết phải mất công tìm đọc sử liệu thuộc giai đoạn làm bối cảnh câu chuyện, tìm hiểu nhân vật, sinh hoạt của xã hội đương thời, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… nghĩa là càng biết nhiều càng nắm vững càng tốt vì sẽ có thêm nhiều chất liệu để tái tạo quá khứ một cách sinh động hơn.

Khi nhà văn Ngô Viết Trọng dấn thân vào lãnh vực này, anh cũng không làm khác hơn. Và lần này, khi chọn đề tài Bà Triệu, anh đã di vào một con đường gập ghềnh hơn vì thiếu sử liệu.

Sau ba phen Bắc thuộc kéo dài cả ngàn năm, Ngô Quyền đã mở đầu thời kỳ tự chủ của nước ta với chiến thắng Bạch Đằng (939), lập ra Nhà Ngô, tồn tại trong 6 năm (939-965). Tiếp đến là Nhà Đinh (968-980), Nhà Tiền Lê (980-1009), Nhà Lý (1010-1225). Trong suốt bốn triều đại này nước ta chưa có một bộ sử nào tuy rằng khoa thi đầu tiên – khoa Tam trường – đã được mở ra vào năm 1075, triều vua Lý Nhân Tông (1072-1127) để tuyển người có văn học ra làm quan. Trong các triều đại vừa kể, Nhà Lý tồn tại lâu hơn cả nên có một tổ chức chánh quyền hoàn bị hơn các triều đại trước. Tuy nhiên, mãi đến năm 1272, nghĩa là bước vào thế kỷ XIII, Bảng nhãn Lê Văn Hưu mới là người đầu tiên cho ra đời bộ sử đầu tiên của nước ta, một nước vốn tự hào có trên 4,000 năm lịch sử. Ấy là bộ Đại Việt Sử ký, chép từ Triệu Vũ đế (207 tr.TL) đến Lý Chiêu Hoàng (1225), gồm 30 quyển, được vua Trần Thánh Tông ban khen.

Qua đó, ta có thể hiểu rằng trước thời kỳ tự chủ (939), để chép sử nước ta, các nhà làm sử đều phải mượn sử liệu từ những ghi chép của Trung Hoa. Với mặc cảm tự tôn “thiên triều” của kẻ đi đô hộ, dĩ nhiên những ghi chép của họ sơ sài và đầy thiên kiến.

Nói đến Bà Triệu, họ gọi là Triệu Ẩu và thêm chi tiết là người cao lớn, thô tháp, hung dữ (giết chị dâu). Những bộ sử đầu tiên của Việt Nam cũng lặp lại những điều này. Ẩu 媼,nghĩa là bà già. Bà Triệu qua đời lúc mới 23 tuổi, chưa chồng, sao gọi là bà già? Như vậy, chỉ có thể hiểu người Hoa muốn gọi xách mé Bà Triệu là con mụ họ Triệu. Có lẽ vì cảm nhận được điều này nên trong kỳ tái bản bộ Việt Nam Sử Lược tại Pháp (Nxb Institut de l’Asie du Sud-Est, 1987), thấy sử gia Trần Trọng Kim đã thay cái tên Triệu Ẩu bằng BÀ TRIỆU (TRIỆU THỊ CHINH) với chú thích ” Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước để là Triệu Ẩu, nay xét ra nên để là Triệu Thị Chinh” (Sđd, Quyển I, tr.44). Vua Tự Đức (1848-1883) khi đọc Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Quốc Sử Quán biên soạn, tới đoạn Bà Triệu vú dài 3 thước, đã châu phê “ Nhưng nói là vú dài ba thước thì cũng quái gở, đáng cười “.

Tôi dẫn dài dòng như thế để chỉ nói lên một điều: để xây dựng nên Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng,Ngô Viết Trọng , ngoài việc dựa vào Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Thanh Hóa, mục Liệt Nữ Phụ, Tập Hạ, bản dịch của Trần Tuấn Khải, Nha Văn Hóa, Saigon, 1960) còn phải tham khảo nhiều sách sử khác, sàng lọc các chi tiết, rồi mới dám cấu tứ và xuống bút làm thành tác phẩm. Chỉ với sử liệu dài hơn một trang sách, bằng óc sáng tạo, nhà văn họ Ngô đã có thể cống hiến cho độc giả 200 trang sách đầy cuốn hút với một văn phong giản dị như chính con người của anh. Nếu viết một truyện dài tình cảm trong đời thường, có lẽ người cầm bút không phải khổ công như thế. Sự khổ công đó, ngoài lòng tự trọng và sự tôn trọng độc giả, không muốn muốn cung cấp cho người đọc một món hàng mạo hóa, mà còn được thúc đẩy bởi một động cơ tình cảm khác, âm thầm và mãnh liệt hơn.

Trước cảnh Biển Đông dậy sóng với đủ trò diễu võ dương oai của Tàu cộng, nào xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, tuyên bố lãnh hải lưỡi bò, bức hiếp ngư dân Việt Nam, v.v. mà nhà cầm quyền CSVN vẫn chịu lép một bề, người dân đã đứng lên, đã lên tiếng, và đã bị đàn áp tù đày nhưng vẫn hiên ngang đối mặt,trong đó không thiếu những anh thư của thời đại mới, như Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Tạ Phong Tần, v.v. khiến ngòi bút của Ngô Viết Trọng không thể nằm yên. Như nhà thơ Trần Trung Đạo đã viết những dòng này cho  Đỗ Thị Minh Hạnh:
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?

Cũng thế, Ngô Viết Trọng đem tâm tình viết Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng không phải để chỉ vinh danh một Bà Triệu mà còn để vinh danh tinh thần Trưng  Triệu, khơi dậy ngọn lửa yêu nước đang âm ỉ trong tâm mọi người, ca ngợi và tiếp sức cho các anh thư nước Việt của thời nay.

Sử sách chỉ có tác dụng đối với giới học giả, trí thức bởi nó thuộc loại khoa giáo. Với quảng đại quần chúng, tiểu thuyết lịch sử, và trong thời hiện đại, là phim ảnh, dễ thâm nhập lòng người hơn. Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí không phải sách sử nhưng hầu như ai cũng thích đọc nó và nhớ rất kỹ những chuyện trong đó. Cũng thế, người ta thấy rõ với sự xâm nhập hàng ngày của phim ảnh lịch sử Trung Quốc qua màn ảnh nhỏ trong xã hội Việt Nam hiện nay đã làm cho thị dân Việt Nam thuộc lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt.

Nhiều thức giả quan niệm hiện tượng trên là một mối đe dọa văn hóa nguy hiểm đối với dân tộc Việt. Sự xâm nhập văn hóa ấy có thể coi là một mặt trận trong chính sách xâm lược trường kỳ của người Hán đối với các lân bang.

Dân tộc Việt đã từng trải qua một quá trình vùng dậy trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc! Dân tộc Việt cũng đã từng lập được những chiến công oanh liệt nào đánh Tống, nào phá Nguyên, nào đuổi Minh, nào trục Thanh để giành quyền tự chủ! Dân tộc Việt cũng có nhiều danh nhân đã để lại những câu nói bất hủ như “Trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy” (Lý Thánh Tông), “Đừng để ai lấy một phân núi, một tấc đất của cha ông để lại” (Lê Thánh Tông), “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng), “Khi nào nước Nam hết cỏ người Việt mới hết người chống Tây” (Nguyễn Trung Trực), v.v…

Đó là một kho tài nguyên phong phú nội tại để các nhà văn, nhà thơ, các nhà dựng phim ảnh, kịch nghệ có thể khai thác mà khỏi cần mượn đến những danh nhân, cảnh trí mang tính giả tạo của Trung Hoa xa lắc xa lơ. Làm được công việc này cũng là một cách để phát triển văn hóa nước nhà đồng thời ngăn chận bớt phần nào mối đe dọa của sự xâm nhập văn hóa nói trên!

Ước mong nhà văn Ngô Viết Trọng tiếp tục con đường tiểu thuyết lịch sử đã đi và ước mong các nhà văn khác chung tay khai thác thế mạnh này của văn học trong khí thế “văn dĩ tải đạo” như người xưa từng nói. Bởi đó, tôi xin trân trọng mời độc giả đọc tiểu thuyết lịch sử Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng của Ngô Viết Trọng.

 

San Jose, California, tháng Giêng, 2014

VÕ HƯƠNG-AN

* * *

LỜI  MỞ  ĐẦU

Nước Tàu là một đại đế quốc đã có mặt trên trái đất từ thời cổ đại và tiếp tục bành trướng to lớn mãi cho đến ngày nay. Hàng ngàn nước nhỏ chung quanh nước Tàu đã lần lượt bị người Tàu xâm chiếm và đồng hóa. Nước nào đã bị nước Tàu cai trị một lần dù thời gian cai trị ngắn hay dài, nếu chưa bị “mất tích” cũng bị người Tàu coi là “đất cũ”, là  “một phần lãnh thổ của Trung Quốc”.

Trong chính sách đồng hóa của người Tàu, ngoài việc sử dụng trình độ văn hóa cao để chinh phục đối tượng, họ còn sử dụng luôn cả chính sách xuyên tạc những hình tượng tốt đẹp trong quá khứ của các nước bị họ cai trị. Qua sách vở của người Tàu, những hình tượng tốt đẹp này đã biến thành quỉ quái, lố bịch, dã man, mọi rợ… Mục đích của việc làm này là đầu độc trí óc lớp hậu duệ: Với dân Tàu, đó là cách nuôi dưỡng tinh thần chủ nhân, tinh thần đại hán. Với dân bị trị, đó là cách gieo rắc tinh thần tự ti, chán nản để họ chối bỏ cội nguồn mà hướng về văn hóa Tàu.

Mỗi lần chiếm được một nước, ngoài việc vơ vét những tài vật quí giá của nước này đem về Tàu, người Tàu còn tích cực làm các việc như sau:

-Lùng kiếm nhân tài: học giả, nhà sáng chế, thầy địa lý, thầy thuốc, kiến trúc sư, thợ khéo, chiêm tinh gia, lực sĩ v.v… Tất cả những kẻ có danh trong các hạng này đều bị đem về phục vụ ở kinh đô nước Tàu và coi đó như là những tinh hoa của Tàu.

-Lùng soát vơ vét các loại sách vở do người bản xứ trước tác. Những sách giá trị cao họ đem về Tàu giữ làm tài liệu để rồi biến chế lại thành của họ. Những sách thấy không cần thiết họ đem đốt sạch khiến dân bản xứ không còn cái gốc để tra cứu.

Tất nhiên về sau, khi muốn tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của mình, dân bản xứ chỉ còn biết dựa vào… sách Tàu!

Những viên tướng giỏi của nước Cao Ly (Triều Tiên) từng đánh cho nước Tàu bao phen liểng xiểng như Cáp Tô Văn, Ô Tất Khải, qua sách vở của Tàu, họ đều bị biến thành những tên quỉ sứ mặt xanh nanh vàng vô nhân tính. Hai Bà Trưng của Việt Nam người Tàu cũng biến thành những nữ tặc mặt đen như lọ chảo.

Nhờ chính sách thâm độc này mà nước Tàu đã lần lượt nuốt sạch cả khối “Bách Việt”, chỉ còn sót vỏn vẹn một nước Việt Nam!

Chuyện dân tộc Việt đã nổi lên giành lại được nền độc lập sau ngót một ngàn năm bị người Tàu đô hộ là một chuyện quá phi thường! Không những đã giành lại được độc lập, dân tộc Việt còn ngang nhiên phát triển lớn mạnh ngay bên cạnh nước Tàu tham lam ấy! Nếu không phải là điều đã thật sự xảy ra mà cả thế giới đều thấy thì nói ra khó ai tin được. Đó là một điều mà mọi người Việt chúng ta đều có quyền tự hào!

Nhờ đâu mà dân tộc Việt đủ khả năng gìn giữ và nuôi dưỡng tinh thần độc lập, ý chí tự chủ sắt đá ấy qua suốt cả ngàn năm tối tăm dưới sức đồng hóa mãnh liệt của Hán tộc?

Đó không phải chỉ do công lao của những vị anh hùng danh tiếng như hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ v.v… mà còn do sự góp sức của toàn dân đấu tranh dưới mọi hình thức, khi công khai, khi âm ỉ nhưng liên tục không lúc nào ngưng.

Đây là một dẫn chứng về tinh thần đấu tranh liên tục của toàn dân Việt:

Sau khi Phục Ba Tướng quân Mã Viện nhà Đông Hán đã đánh bại Hai Bà Trưng để tái lập cuộc đô hộ của người Tàu trên đất Việt, y đã cho dựng một cột đồng trụ để ghi công. Trên cột đồng này Mã Viện cho khắc sáu chữ lớn: Đồng Trụ Chiết – Giao Chỉ Diệt, nghĩa là cột đồng gẫy thì người Giao Chỉ mất nòi. Sáu chữ này người Việt đương thời cho là có ý nghĩa như một lời nguyền.

Vì sợ cột đồng gẫy thì nòi giống mình sẽ mất nên dân Việt phải tìm mọi cách để giữ cho cột đồng nói trên khỏi gẫy. Dân Việt đã vận động ngầm với nhau, ai đi ngang qua cột đồng ấy cũng lượm một viên sỏi ném vào chân cột. Trải qua nhiều thế hệ dân Việt vẫn tiếp tục làm công việc ấy. Kết quả là bao lớp sỏi đá đã lấp kín cột đồng lúc nào không hay. Thậm chí người ta không còn biết nơi dựng cột đồng ở đâu nữa. Đến đời Đường viên tướng phù thủy Cao Biền cho tìm lại cột đồng ấy để làm gì đó không biết nhưng tìm không ra.

Một điểm đặc biệt nữa là cuộc khởi nghĩa chống Tàu đầu tiên (năm 40 TL) của dân Việt lại do hai người đàn bà lãnh đạo: Hai Bà Trưng. Hai trăm năm sau một cuộc khởi nghĩa chống Tàu khác lại diễn ra (năm 248 TL), cũng do một người đàn bà lãnh đạo: Bà Triệu Thị Trinh.

Như vậy là trong bước đầu khi đất nước bị giặc Tàu đô hộ, người phụ nữ Việt Nam đã tỏ ra năng động, can đảm vùng dậy giành độc lập trước cả các đấng trượng phu!

Đó là những vụ nổi dậy quá lớn làm rúng động cả triều đình nước Tàu khiến họ phải ghi vào chính sử của họ! Chắc hẳn còn nhiều vụ nổi dậy do giới phụ nữ Việt Nam lãnh đạo khác nữa nhưng ở tầm cỡ nhỏ hơn nên người Tàu không chép lại mà thôi. Đây không phải sự phỏng đoán liều, vì thực tế, trong công cuộc đấu tranh giải trừ hiểm họa Bắc thuộc hiện nay chúng ta thấy giới phụ nữ đã tham gia không ít!

Đáng tiếc là những sách sử do người Việt chép trước kia đã bị người Tàu tịch thu đem đốt hết. Vụ đốt sách của người Việt lớn nhất đã xảy ra vào đầu thế kỷ 15 do viên Tổng binh Trương Phụ thực hiện sau khi y đã diệt xong nhà Hồ (1407).

Chính sách thủ tiêu chứng tích để dễ bề xuyên tạc nguồn gốc và tinh thần đấu tranh của dân Việt mà người Tàu đã thực hiện gây rất nhiều khó khăn cho những sử gia của ta. Một số sự kiện lịch sử quá mơ hồ không có tài liệu để sưu khảo, họ chỉ còn biết cách chép theo sử của người Tàu! Ngay cả bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là một bộ sử được viết bởi những sử gia danh tiếng qua nhiều đời, được coi là bộ sử có giá trị đáng tin cậy nhất của nước ta mà nay đọc lại chúng ta cũng gặp những đoạn đáng buồn:

“Nhâm Tuất, 722, (Đường Huyền Tôn, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn. Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được”.

Mai Thúc Loan chỉ là “giặc” đối với chính quyền đô hộ Tàu chứ đâu phải là giặc của dân Việt? Người Việt viết sử Việt mà rinh nguyên chữ “Tướng giặc là Mai Thúc Loan…” từ Đường thư về theo là một sự thiếu cẩn thận!

Rất nhiều trường hợp các sử gia Tàu vì mục đích phục vụ lợi ích của triều đại họ, hoặc một số văn nhân Tàu nặng lòng kỳ thị các dân tộc khác đã cố tình bóp méo, xuyên tạc hình tượng những nhân vật mà các dân tộc này tôn thờ, yêu chuộng.

Vị anh thư Triệu Thị Trinh của dân tộc Việt là một nạn nhân điển hình của chính sách xuyên tạc bôi bác ấy! Người Tàu – nhất là chính quyền đô hộ Tàu – rất thù ghét người đàn bà đã dám nổi dậy chống lại họ, đã làm họ điêu đứng một thời gian khiến vua Đông Ngô là Tôn Quyền phải cử danh tướng Lục Dận sang đàn áp. Viên tướng này đã phải vất vả lắm mới thành công được!

Về tên gọi, người Tàu gán cho Bà Triệu một cái tên mang tính mỉa mai, khinh miệt: Triệu Ẩu. Âm Ẩu theo chữ Hán có nghiã là đánh lộn, mửa, bà già, mụ. Chữ Triệu Ẩu người Tàu dùng trong sách vở có thể dịch ra là “Mụ Triệu”. Thế nhưng hầu hết sách sử nước ta đã bắt chước theo người Tàu, cứ dùng cái tên không đẹp đó cho vị anh thư của dân tộc mình. Mãi đến giữa thế kỷ 20 mới có một số sử gia, trong đó có sử gia Trần Trọng Kim, đã cảnh tỉnh, đã phân tích cái dụng ý của người Tàu, không dùng tên Triệu Ẩu nữa mà gọi lại cái tên thật của Bà là Triệu Thị Trinh.

Về bản thân Bà Triệu, người Tàu vẽ nên một hình ảnh rất khó coi: vú dài ba thước! Sách Giao Chỉ Chí của Tàu chép:

“Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần”.

Sách “Thái Bình Hoàn Vũ Ký” của Nhạc Sử đời Tống cũng chép sự tích Bà Triệu tương tự như thế.

Thế là các sử gia và một số thi văn gia của ta cứ tin, cứ sơn vẽ lại cái hình ảnh dị hợm “vú dài ba thước” đó qua tác phẩm của mình. Trong số lầm lẫn này có cả các bậc vua chúa, công hầu nữa mới đáng buồn!

Chúng ta không thể trách sự tin lầm của các bậc tiền nhân vì thời bấy giờ ảnh hưởng văn hóa của người Tàu đối với nước ta còn quá đậm, nó đã quay như một guồng máy, các bậc tiền nhân ta thật khó tách ra ngoài được! Thế nhưng bây giờ đã nhận chân được điều vô lý đó rồi tại sao chúng ta không sửa đổi?

Để trả lại hình ảnh thật hơn của một bậc anh thư đã hi sinh cả cuộc đời cho lẽ sống của dân tộc, quyết đưa dân tộc Lạc Việt thoát khỏi ách nô lệ của người Tàu vào thế kỷ thứ 3, tôi đã sưu tầm một số truyền thuyết dân gian nói về bậc anh thư ấy, xây dựng thành một thiên tiểu thuyết lịch sử. Xin mượn câu thơ “ĐẦU VOI PHẤT NGỌN CỜ VÀNG” ở đoạn viết về Bà Triệu trong tập sử thi Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của hai ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái để làm tựa đề.

Rất mong thiên tiểu thuyết lịch sử ĐẦU VOI PHẤT NGỌN CỜ VÀNG này sẽ đóng góp được phần nào trong việc hóa giải những hình ảnh sai lầm về bậc anh thư dân tộc Triệu Thị Trinh do người Tàu cố ý vẽ ra! Đồng thời cũng để nêu cao tinh thần tranh đấu quật cường của người phụ nữ Việt Nam trước nạn nước như hiện nay.

 

Sacramento, ngày 1 tháng 1 năm 2014

Ngô Viết Trọng

Đọc tiếp : Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng /1-2-3