HUYỀN TÍCH SỬ VIỆT / LỜI THỀ BÊN BỜ SÔNG HÓA

KIẾN HÀO

Hóa Giang là một chi lưu của hệ thống sông Thái Bình, thượng nguồn tách ra từ sông Luộc và hạ nguồn hợp lưu với sông Thái Bình tại Thái Thụy, nay là ranh giới tự nhiên giữa Thái Bình và Hải Phòng. Dù chỉ là một con sông nhỏ, dài chưa đầy 30 km nhưng sông Hóa đã trở thành một biểu tượng lịch sử, một trong những di tích của truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, ghi dấu một câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và hào hùng, bất khuất. Chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ.

Mùa xuân, tháng giêng năm Mậu Tý 1288, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba của quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến hồi quyết liệt, quân ta chuyển từ thế thủ sang thế công. Thoát Hoan liệu thế không thể tốc chiến tốc thắng nên chia hai mặt thủy bộ ứng cứu lẫn nhau, khi nghe tin đoàn thuyền lương của chúng do Trương Văn Hổ chỉ huy bị tướng Trần Khánh Dư đánh phá tan tành tại Vân Đồn (Quảng Yên), tinh thần quân Nguyên hết sức hoang mang.

Tháng 3 ngày mùng 8, năm Mậu Tý 1288, được tin Ô Mã Nhi đang kéo quân thủy về sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương một mặt cử Phạm Ngũ Lão dẫn quân lên ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chẹn đường về của quân địch, một mặt cử Nguyễn Khoái đi đường tắt lên thượng nguồn sông Bạch Đằng đẻo gỗ nhọn đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông làm thế trận mai phục. Hưng Đạo Vương xuất quân từ A Sào (Thái Bình) vượt sông Hóa sang Vĩnh Bảo (Kiến An). Đây là con đường ngắn nhất để đón đánh quân Nguyên, ngăn chiến thuyền của chúng men theo cửa Nam Triệu vào sông Bạch Đằng, xuôi theo sông Đuống rồi vào sông Hồng, uy hiếp kinh đô Thăng Long.

Nơi đại quân vượt sông Hóa là một bãi sình lầy, nhân dân địa phương đã dùng cây, ván, tre, gỗ lót cho kỵ binh, bộ binh trẩy qua, nhưng đến lượt con voi chiến của Hưng Đạo Vương thì do quá nặng bên bị sa lầy, mọi người đã tìm hết cách nhưng không kéo voi lên được, voi càng giẫy thì càng bị lún sâu. Nước triều dâng cao, thân mình voi từ từ chìm dưới làn nước.Thế trận quá gấp, Hưng Đạo Vương đành bỏ voi lên ngựa lệnh cho tiếp tục hành quân, voi rống lên ứa nước mắt nhìn theo vị chủ tướng. Chứng kiến cuộc chia ly, ai ai cũng xúc động. Hưng Đạo Vương hết sức cảm khái, ngài rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Trận này không thắng được giặc Nguyên, ta thề không trở lại bến sông này nữa”. Ý chí quyết thắng của Hưng Đạo Vương đã khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ lên cao, góp phần hình thành nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội cho đến tận ngày nay.

Bài học lịch sử “chiến thắng Bạch Đằng Giang” không một người dân Việt nào là không biết, cũng như người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương đã được nhân dân suy tôn lên làm một bực Thánh: Đức Thánh Trần. Đất nước sạch bóng quân thù, Đại Việt giữ vững nền độc lập tự chủ hơn một trăm năm (1288-1407). Sau chiến thắng trở về, Hưng Đạo Vương đã cho đắp mộ voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Tượng. Ngày nay, di tích Bến Tượng (An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã được trùng tu khang trang với hình voi đá nằm phục quay đầu ra sông Hóa như dũng sĩ trung thành mãi mãi luyến nhớ đến chủ tướng.

1

Bến Tượng nơi thờ Voi trận. Ảnh: Thành Tâm

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME