Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 29

 

Sau vụ buôn trầm hương gặp tai biến trở về, tôi nằm lì trong nhà suốt mấy ngày liền. Lũ con tôi hình như chẳng để ý đến hiện tượng đó. Ngay cả việc tôi bị công an giữ mất một ngày một đêm cũng chẳng đứa nào hỏi tới. Lúc bình thường tôi có thể lấy điều đó làm bực bội, tủi thân nhưng trong trường hợp này tôi lại hơi mừng. Chúng không biết đến nỗi tủi nhục của tôi cũng là một điều may! Cả hàng xóm cũng vậy. Có lẽ bận rộn công việc nên cũng chẳng ai để ý đến chuyện nhà tôi. Khi có mặt mấy đứa con tôi vẫn cố gắng tỏ ra bình thường nhưng vắng mặt chúng tôi lại khóc thầm. Thân tôi đã vướng những dấu vết tủi nhục ấy còn mong gì tẩy xóa? Họa chăng chỉ có lấy cái chết để đền bù! Chỉ có một người biết rõ nỗi oan khuất của tôi, đó là thằng Tâm, một học trò cũ của tôi. Nó cũng là người có phần trách nhiệm trong việc đẩy tôi tới bờ vực tủi nhục ấy. Nhưng là người từng biết rõ tâm tính của Tâm, tôi tin nó vẫn là người lương thiện. Nó chỉ là kẻ vô tình, vô tội… Chỉ ngặt trong trường hợp này Tâm không thể nào minh oan cho tôi trước dư luận được!

Nghĩ tới cái hợp tác xã nông nghiệp Thiện Trường tôi càng sợ hãi. Ở đó có nhiều kẻ sẵn lòng đố kỵ, ganh ghét tôi, nhân cơ hội này họ sẽ chà đạp tôi không thương tiếc! Ở đó cũng có những người từng thương mến, kính nể tôi, coi tôi như mực thước về nhân cách, họ sẽ nghĩ thế nào khi biết được sự lỡ làng của tôi? Làm sao tôi dám vác mặt trở lại nơi đó nữa? Mà không trở lại với hợp tác xã thì tôi làm gì để sống lây lất qua ngày? Suy đi nghĩ lại, tôi chỉ còn hai con đường:

Thứ nhất, bán nhà để đi đến một vùng kinh tế mới thật xa ít ai biết mình để kiếm sống nuôi con. Nhưng bán nhà tức là phản bội ý nguyện của chồng và gia đình chồng! Dù sao tôi cũng đã có lỗi với chồng tôi, giờ phản lại cả ý nguyện của chồng nữa làm sao giải thích? Ai tin sự giải thích của tôi?

Thứ hai, phải tự tìm cái chết để chuộc lỗi lầm. Phải, đằng nào cũng chết, vấn đề chỉ có sớm hay muộn! Thử hỏi, bây giờ sức lực tôi đã cạn kiệt, tự làm nuôi thân còn khó huống còn nuôi thêm ba đứa nhỏ? Nhất là tâm trí lại luôn bị dày vò, dằn vặt thế này, tôi làm sao sống lâu thêm được? Tôi chết là đáng đời rồi, nhưng các con tôi sẽ ra sao? Chúng sẽ bị người ta lợi dụng, hành hạ, người ta sẽ nghiền chúng ra da ra xương! Muốn chết cũng phải tìm cho được một cái chết trọn vẹn: cả bốn mẹ con sẽ cùng chết với nhau!

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định chọn con đường thứ hai. Tôi đã nghĩ cách sắp xếp để một hôm nào đó, bốn mẹ con quần áo đàng hoàng, có một bữa ăn ngon lành, vui vẻ rồi đồng loạt lăn quay ra ngủ giấc ngủ sau cùng…

Khi đã quyết định tìm cái chết cho cả bốn mẹ con, tôi chẳng còn thiết tha chi chuyện gặp gỡ ai nữa. Ngay cả chị Hiền và chị Lâm ở cạnh nhà tôi cũng không hé một lời. Có lẽ hai chị ấy tưởng tôi vẫn đi buôn bán như thường nên qua mấy ngày vẫn chẳng ai hỏi han.

Hôm tôi lang thang ở chợ trời tìm mua số thuốc cần thiết cho cuộc tự sát, bất ngờ tôi gặp thằng Tâm ở đó. Tâm mặc đồ dân sự. Nó có vẻ xấu hổ khi gặp tôi. Thật tình lúc ấy tôi cũng chẳng giận hờn gì nó. Tôi nghĩ Tâm chỉ là một anh lính mới tò te còn khờ khạo, thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Lần tôi gặp nạn, vì quá uất ức trong lòng tôi đã nặng lời với nó. Giờ nghĩ lại tôi cũng hơi hối hận. Thấy thái độ e dè sợ sệt của Tâm, tôi dịu giọng hỏi:

  • Tâm đi đâu đó?
  • Thưa cô, em định đi mua một ít thuốc sốt rét.

  • Trong nhà có ai bệnh hả?

  • Thưa không. Vài ngày nữa em sẽ đi Campuchea.

Tôi ngạc nhiên:

  • Công an mà cũng đi Campuchea à? Đi để làm gì?
  • Thưa cô, em xin ra khỏi ngành công an rồi. Nay em đã tình nguyện đi bộ đội.

  • Trời đất ơi, tại sao vậy?

  • Thưa cô, em thấy xấu hổ vì chuyện đã làm cô lỡ làng, em ân hận lắm. Nói thật, em kính trọng cô như mẹ em, thế mà em đã tiếp tay kẻ xấu trong việc đánh lừa làm hại cô. Em rất đáng để cô nguyền rủa. Sau khi cô về em đã khóc nhiều lần rồi quyết định rời khỏi ngành.

  • Chỉ vì việc đó mà em quyết định thay đổi cả vận mệnh mình? Em không sợ đi Campuchea như thế là nguy hiểm à? Gia đình em có bằng lòng không?

  • Tâm cười khinh bạc:

    • Em nhận ra được ác đạo kịp thời là điều may lắm rồi, không rút lui còn đợi khi nào? Để sa lầy thêm nữa em sẽ ôm hận cả đời. Em phải đi bộ đội vì em biết nếu ở nhà người ta sẽ không để em yên. Chết sống đều có mạng cả, em không sợ. Em lại càng vui khi cha em và mấy người bạn đồng lứa với em đều tán thành quyết định của em.

    Xúc động trước thái độ khí khái, ngay thẳng của người học trò cũ, tôi nói:

    • Cám ơn Tâm, cô rất hãnh diện có một người học trò khí khái như em. Nhưng em quyết định như vậy lỡ có bề gì cô cũng ân hận đấy!

    Chợt nhận ra mình đã thốt ra một lời hơi thừa, tôi hỏi khỏa lấp:

    • Em cũng tin số mạng à?
  • Tin chứ cô. Em đã gặp vài chuyện sau khi suy ngẫm lại em phải tin số mạng có thật. Em cũng từng đọc vài quyển sách nói về tướng số. Em thấy người ta giải thích nhiều điều có lý lắm. Sông có khúc người có lúc cô ơi…

  • Như vậy Tâm có biết gì về tướng số không?

  • Tâm cười:

    • Có chút ít thôi cô. Như khi mới gặp viên thủ trưởng của em, em đoán ngay ông ta là một người không tốt. Quả thật sau đó ông ta đã hành động rất hắc ám đối với cô. Thấy cô bị lừa, em tức giận cành hông, liều tới định hỏi ông ta cho ra lẽ. Nhưng ông ta đã dùng quyền lực để áp đảo em. Trong một phút điên tiết, em muốn bắn bỏ ông ta quá, may mà em dằn được. Trong tương lai ông ta không thể nào tránh khỏi tai họa do cái tâm địa xấu xa của chính ông ta gây ra đâu!
  • Thế Tâm thử đoán tướng của cô ra thế nào?

  • Cô là người có đức, hiện giờ tuy lâm cảnh khốn cùng nhưng tương lai sẽ rất huy hoàng, con cháu sẽ làm nên. Bỉ cực thái lai mà cô!

  • Tôi không khỏi tức cười vì lối đoán chừng của cậu học trò cũ. Nó nói vuốt cho vừa lòng tôi thôi. Hoàn toàn trái ngược với thực tế. Nó đâu biết tôi đang cố tìm mua một mớ độc dược để kết liễu đời mình? Thấy nói chuyện như vậy cũng tạm đủ, tôi bèn chào giã từ Tâm:

    • Cám ơn Tâm đã hiểu và vẫn giữ được những cảm tình cao quí nhất đối với cô. Cô chúc Tâm trên bước đường sắp tới luôn được chân cứng đá mềm.

    Tâm rưng rưng nước mắt:

    • Cô tha lỗi cho em vì chuyện em đã vô tình giúp kẻ ác làm hại cô. Chúc cô ở lại bình an. Em tin trong tương lai cô sẽ khá.

    Rồi Tâm trở giọng hài hước:

    • Biết đâu khi em gặp lại cô, cô đã thành một bà triệu phú!

    Tôi không khỏi tức cười:

    • Còn em đã mang cấp bậc đại tá!

    Hai thầy trò cùng cười khi giã biệt nhau. Cuộc gặp gỡ người học trò cũ vừa rồi đã làm tôi phải suy nghĩ. Tâm dám bỏ cái nơi sung sướng để lao vào chốn hiểm nghèo chỉ vì không muốn lòng mình bị ô nhiễm thói dối trá, tàn ác, thật đáng nể. Những lời nói của nó đều chan chứa niềm tin. “Em càng vui khi cha em và mấy người bạn đồng lứa với em đều tán thành quyết định của em!”. “Bỉ cực thái lai mà cô!”. Mấy người bạn đồng lứa với Tâm đều tán thành quyết định của Tâm? Xã hội này cũng còn một lớp trẻ đầy thiện tâm như vậy sao? Chúng đã nhìn ra được sự ung thối của xã hội này rồi ư? Chúng cũng tin sự vận hành của cuộc đời “bỉ cực thái lai” ư? Sao tôi vội tuyệt vọng thế? Mươi năm nữa những đứa con tôi cũng sẽ lớn lên như Tâm. Chúng cũng có thể mang tính khí khảng khái như Tâm, suy nghĩ như Tâm và những bạn đồng lứa với Tâm, những người có tâm chí bất khuất, có khả năng làm thay đổi bộ mặt xã hội sau này? Hủy diệt chúng có khác gì tiếp tay cho những kẻ đang kềm giữ không cho cái xã hội lỗi thời này có cơ thay đổi? Các con tôi tội tình gì, tôi nỡ nào vì vết nhục riêng mà hủy diệt chúng nó? Tôi đành tâm dứt tuyệt dòng dõi của chồng mình sao? Một mai kia khi chồng tôi trở về, vợ con không còn nữa, chồng tôi càng đau khổ đến mức nào? Vô tình tôi càng mắc thêm tội lỗi với chồng mình! Phút chốc những sự hi sinh vì chồng con của tôi bao lâu nay đều trở thành vô nghĩa! Trời ơi, chút nữa là tôi đã thực hiện một việc điên rồ! Không, tôi không có quyền đầu hàng hoàn cảnh một cách dễ dàng như thế! Tôi phải phấn đấu để bảo vệ lũ con tôi, phải kiên nhẫn dạy dỗ cho chúng nên người – những mẫu người bất khuất như Tâm. Đó là cách chuộc lỗi hay nhất đối với chồng tôi!

    Nhưng không muốn chết nữa tôi phải làm sao để sống qua ngày? Làm ruộng với hợp tác xã không nổi nữa, tiền bạc cũng sạch rồi! Cầu cứu “người bạn” trưởng công an hay cầu cứu lão Phước để kiếm một chức vụ trong hợp tác xã để nhàn thân hưởng lộc ư? Thế thì còn mặt mũi nào để nhìn thằng Tâm? Hơn nữa, đối với bọn người này đâu có tình nghĩa? Với họ chỉ có sự trao đổi thôi! Dây vào họ tôi làm sao khỏi chuốc thêm tủi nhục? Làm sao tôi có thể sống tự lập trong hoàn cảnh này? Bỗng nhiên tôi nhớ tới câu chuyện nghe được hồi còn ở Đà Lạt: Cả một trung đoàn bộ đội giải phóng sống được nhờ mấy đống phân xác cá. Ở xã tôi lúc này cũng có mấy gia đình sống thoải mái nhờ sử dụng cái phân xác cá hôi hám ấy, sao tôi không lao mình vào?

    Với tâm chí đã quyết, tôi hăng hái trở về nhà bắt đầu xây dựng lại cuộc đời.

    *

    Ở xã Thiện Trường từ lâu lắm rồi đã có vài nhà chuyên sống bằng nghề chế “nước mắm lại”. Nước mắm lại là nước mắm được chế bằng thứ xác cá mà người ta đã loại bỏ. Thứ nước mắm ấy cũng còn hương vị mặn mòi hẳn hoi, vẫn được dân quê ưa thích vì khá rẻ. Xóm giềng ít ai ưa những nhà làm nghề này vì nó hôi hám quá, ảnh hưởng tới họ. Nhưng đây là một trong những nghề kiếm sống khá vững chắc. Vì thế, qua bao nhiêu biến cố đổi đời những người đã theo nghề vẫn không bỏ. Họ không cần vốn nhiều, chỉ cần kiên nhẫn, chịu khó là được. Nguồn vật liệu chính để chế biến “nước mắm lại” này là thứ xác cá mua từ dân làm biển.

    Nơi nào có dân đánh cá chuyên nghiệp sống, nơi đó có làm nước mắm. Sẵn cá tốt, người ta chế được các loại nước mắm rất ngon. Nghe nói người ta chỉ ép lấy hai lần, nước mắm nhất và nước mắm nhì. Sau khi ép xong, người ta bán tháo bán đổ xác cá cho dân xứ khác. Sống trên vựa cá người ta xài sang như vậy đấy! Ngược lại dân ở các nơi khác, càng xa vùng biển càng quí loại xác cá đó. Hầu hết người ta đều mượn tiếng mua về để làm phân trồng cây. Thực tế một số người rành buôn bán đã mua những xác cá ấy về ép lại một hai lần nữa trước khi bán cho người ta làm phân. Cách ép nước mắm lại này rất đơn giản. Người ta thêm những gia vị bí mật nào để nước mắm vẫn được hấp dẫn tôi không rõ. Tôi chỉ thấy người ta chất xác cá vào một cái bể cạn, rưới thêm ít nước muối, dùng một tấm gì đó để đậy, rồi cứ chất đá lên trên càng nặng càng tốt. Thế là nước mắm cứ rò ra ở một lỗ lù dưới đáy bể cạn, được hứng bằng một vật chứa. Loại nước mắm này giá thành rẻ nhưng vẫn được nhiều người dùng khen ngon. Xác cá sau khi đã được ép lại, sẽ có một số bạn hàng đến mua để đưa đến các nơi tiêu thụ. Phân xác cá bón rau cải rất tốt. Bón cây thuốc lá lại càng tuyệt diệu. Ngoài ra, xác cá còn được dùng để nêm cháo heo ăn. Nhiều con heo ăn sinh ghiền đến nỗi khi nấu cháo quên nêm xác cá là nó lơ ăn. Xác cá đắc dụng đến thế đó. Thế nhưng người đi buôn loại hàng này lại rất ít. Nó hôi hám quá nên nhiều người không chịu nổi! Xác cá thường được đựng bằng những bao cát. Hàng khá nặng nề vì cá được ép quá kỹ. Có khi phải bọc bên ngoài thêm một bao gì đó để giới hạn bớt mùi hôi. Khi bưng lên để xuống rất khó nhờ ai giúp đỡ vì chẳng ai muốn rớ tay vào chúng. Nhưng có khuyết thì cũng có ưu: chính đám công an cũng không mấy khi dám mở những bao xác cá ra để kiểm soát. Sau khi suy nghĩ, tôi đã quyết định chọn buôn loại hàng độc đáo này.

    Ngay khi mới bước vào nghề, tôi đã có một kỷ niệm nhớ đời. Số là sau khi bán được chuyến hàng đầu tiên một cách dễ dàng, tôi mừng rỡ lên xe đò trở về nhà. Ngồi trên xe một lát, tôi thấy có nhiều hành khách cứ lấm lét nhìn tôi. Ban đầu tôi cứ ngỡ áo quần tôi mặc có bị dính gì. Kiểm soát lại thấy bộ đồ trên mình vẫn sạch sẽ như thường, thế mà những người mới lên ngồi gần tôi cứ xích lần ra nhường chỗ cho người lên sau là sao? Tới khi thấy nhiều người cứ bưng mũi khịt khịt tôi mới hiểu. Tôi ngượng hết sức, nhưng tôi đâu còn có thể làm gì khác hơn cứ giả bộ không biết!

    Về tới nhà, tôi vừa bước chân vào cửa, mấy đứa con tôi đã đồng loạt kêu lên:

    • Mẹ hôi cá quá trời!

    Tôi nhìn lại áo quần suốt một lượt nữa vẫn chẳng thấy một vết dơ. Kiểm tra luôn cả giỏ xách vẫn chẳng thấy dính gì. Thằng Tí cầm cái giỏ xách đưa lên mũi ngửi ngửi rồi kêu:

    • Cái giỏ xách cũng hôi rình!

    Thằng Sửu lại ngửi thử và cũng nói như vậy.

    Bây giờ tôi đã hiểu ra mùi hôi có khả năng bám cả vào bất cứ vật gì ở gần nơi nó phát xuất. Tôi đã vô tình vì mũi mình gần mùi hôi quá nên nó tiệp đi không còn nhận ra được. Sau khi tắm rửa, tôi liền tìm đến người chủ ép nước mắm lại để hỏi cách khử mùi. Người chủ cười rũ rượi đáp:

    • Tại cô mới đi lần đầu nên không biết chứ ai đi bán thứ này cũng phải đem theo một bộ áo quần cất kỹ trong bọc nylon. Cứ bán xong phải dùng xà phòng tắm giặt kỹ, thay đồ xong mới trở về. Muốn bán thứ hàng ác ôn này tại chợ nào, cô nên kiếm cho ra một nhà quen thân ở gần đó mới tiện. Không khó đâu, đầu lạ sau quen, chỉ cần biết giao thiệp một chút là được. Người ta thông cảm mà! Còn hàng thúi thì thúi mà vẫn đem lại lợi ích cho người khác, gia đình mình lại có cơm ăn là đủ rồi! “Thân lươn bao quản lấm đầu” phải không cô giáo?

    Hèn gì không mấy ai chịu đi buôn loại hàng này! Kinh nghiệm sự việc đã xảy ra, từ đó tôi hết sức cẩn thận trong công việc, quyết tâm làm ăn lâu dài. Dần dần tôi có được một số khách hàng đáng kể ở một số chợ vùng ngoài.

    Mỗi lần mang hàng đến các chợ tôi vẫn thủ phận tìm một xó ít người để ngồi. Gặp khi không có chỗ trống, bất đắc dĩ tôi phải ngồi đại ở một chỗ khiêm tốn nào đó. Thế là một lát sau, một số người bán hàng gần đó lại tự động chuyển dịch đi nơi khác. Những lần xảy ra như vậy tôi lấy làm áy náy lắm. Cũng may hàng tôi thường không ế nên thời gian tôi ngồi ở chợ không lâu mấy. Khi ngồi tôi thường cố ý quịt mặt xuống để chiếc nón lá đội trên đầu chệch về phía trước che kín mặt mình. Tôi làm thế để tránh gặp những người quen biết cũ. Dĩ nhiên, đối với khách hàng của tôi thì không có gì trở ngại. Vào chợ chưa nhìn qua khách quen đã biết tôi có mặt hay không rồi! Ai mà chẳng đánh hơi được cái mùi hàng đặc biệt của tôi?

    Buôn thứ hàng này tuy vất vả, tồi tàn nhưng lại yên thân hơn buôn các thứ khác. Mấy anh công an quản lý thị trường rất ít khi quấy rầy tôi. Thỉnh thoảng, khi có mối sẵn, tôi có thể chuyển theo một số hàng loại khác như đậu xanh, đậu phộng… Nhờ cái “mac” mắm thúi, hàng của tôi thường trót lọt dễ dàng. Ngoài ra, tôi còn có thể đưa mối một số nước mắm đến những khách hàng ưa thích. Dù chỉ là nước mắm lại nhưng không ế bao giờ.

    Thường thường chủ ép vẫn phải phơi lại xác cá cho khô bớt trước khi giao cho bạn hàng. Có khi chủ ép bận quá hoặc sân phơi không đủ chứa, tôi tình nguyện lấy xác còn ướt về nhà tự phơi lấy. Khi tách cá ra để phơi, tôi hay bắt gặp được những con cá còn nguyên đỏ rói trông rất ngon lành. Tiếc của, tôi lấy những con cá ấy ra để dùng. Thêm nữa, những lúc đi bán gặp được rau cải ngon ở các chợ tôi lại mua về bán ở chợ nhà. Nhờ thế lợi tức mỗi ngày mỗi tăng. Vốn liếng của tôi cứ thế lớn dần.

    Một hôm tôi đang ngồi bán hàng tại chợ Phong Lai, bỗng một người đàn bà từ đâu thình lình bước đến giở nón tôi lên rồi kêu:

    • Trời ơi, Diệu Ngọc, sao chị lại khổ đến mức này?

    Hóa ra đó là chị Khiếu, một người bạn dạy cùng trường với tôi ngày xưa. Hai đứa nhìn nhau bùi ngùi xúc động, không đứa nào cầm được nước mắt. Chúng tôi hỏi thăm nhau chưa được mấy lời thì tôi có khách. Chị Khiếu ngồi tại chỗ quan sát việc mua bán của tôi. Khách vừa đi khỏi chị Khiếu liền nói ngay:

    • Mình đã thấy Diệu Ngọc vài lần mà cứ ngờ ngợ sợ nhìn lầm người khác. Không ngờ Diệu Ngọc lại phải làm tới cái công việc này! Diệu Ngọc có nhớ con Kiều Duyên không? Nó hỏi thăm Diệu Ngọc mấy lần mà mình không biết đâu để cho nó biết. Nó nói có chuyện rất cần gặp Diệu Ngọc đấy!

    Tôi hơi hoang mang trong lòng. Kiều Duyên lâu nay không hề liên lạc với tôi nay bỗng nhiên nói cần gặp tôi làm gì nhỉ? Hay thằng Tâm nói gì với Kiều Duyên chăng? Tôi nhớ ngày xưa thằng Tâm vẫn ở gần nhà Kiều Duyên, chẳng lẽ nó đem chuyện nó tiếp tay cho bọn công an hại tôi kể lại với Kiều Duyên? Tôi hỏi lại:

    • Kiều Duyên có nói với chị lý do gì không?
  • Nó không nói, chỉ nói rất cần gặp Diệu Ngọc thôi. Hay là nó có công ăn việc làm gì muốn giúp Diệu Ngọc chăng?

  • Thế giờ tôi muốn gặp Kiều Duyên thì tìm ở đâu?

  • Nó vẫn ở phía sau chợ An Cựu như cũ. Bây giờ nhà cửa nơi đó tuy khác trước nhưng cứ hỏi thì cũng có người biết họ sẽ chỉ cho.

  • *

    Sau khi chị Khiếu cho biết Kiều Duyên muốn gặp tôi, tôi cứ hồi hộp không yên. Chắc có một duyên cớ gì quan trọng. Nếu là chuyện tôi bị thất tiết với đám công an chết bằm kia thì có gì đáng nói đâu? Tự nhiên tôi nghĩ có thể Kiều Duyên biết tin tức gì về chồng tôi? Cái thư của chồng tôi do viên trưởng công an xã đưa cho tôi đã chứng tỏ chàng còn sống. Đó là cái thư thả rơi dọc đường đã được một người tốt bụng nào đó gởi về tận địa chỉ của tôi. Hiện nay có thể chàng đang bị giam giữ đâu đó tại huyện Xuyên Mộc. Mới đây lại có người quen cho biết họ thấy vài người tù cụt giò đang ở trại Bầu Lâm chuyên giữ việc đánh dây kè cho trại. Tôi hi vọng chồng tôi ở đó vì trại Bầu Lâm cũng thuộc huyện Xuyên Mộc. Tuy rất thương chồng, rất lo sợ, đau xót cho chồng, nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi chưa đi thăm viếng được.

    Gần nửa năm nay, chuyên chú vào việc buôn xác cá, dồn độ đã khấm khá. Tôi dự định vào mùa mưa khi việc buôn xác cá không còn thuận lợi, tôi sẽ sắp xếp để tìm thăm chồng tôi một chuyến. Nay nghe vụ nhắn tìm có vẻ quan trọng của người bạn cũ, tôi càng thêm nóng ruột!

    Hôm sau tôi lên chợ An Cựu tìm Kiều Duyên thật sớm. May mắn gặp ngày Kiều Duyên ở nhà. Thấy tôi Kiều Duyên mừng lắm, nó nói ngay:

    • May quá, muốn tìm bồ lâu nay giờ mới gặp. Hỏi thăm bè bạn cũng nhiều mà chẳng ai rõ bồ ở đâu cả.

    Tôi sốt ruột hỏi:

    • Có chuyện gì mà quan trọng dữ vậy?

    Kiều Duyên không trả lời mà hỏi lại:

    • Vậy chớ ông xã của bồ về chưa?

    Tôi càng sốt ruột thêm:

    • Về đâu mà về! Vậy bồ tìm mình có chuyện gì thế?

    Kiều Duyên nhìn tôi với vẻ hơi khác lạ:

    • Ông xã bồ chưa về thật à?

    Tôi nóng nảy phát gắt:

    • Đã nói chưa về mà! Ỡm ờ mãi! Có chuyện gì quan trọng không sao bồ không trả lời mình mà cứ hỏi loanh quanh như vậy?

    Kiều Duyên dịu giọng:

    • Bồ đừng nóng, ngồi xuống đi đã nào. Mình hỏi như vậy tất phải có duyên cớ chứ. Chuyện này cũng hơi lạ. Mình nghe trước đây anh Thành bị thương phải cưa chân đúng không?

    Lòng tôi càng nóng như lửa đốt. Hay chồng tôi bị hoạn nạn gì? Cái con bạn khốn nạn này cứ nói vòng vo làm tôi càng điên tiết lên. Tôi hằn học:

    • Đúng, rồi sao nữa?
  • Vậy thì người mình gặp đúng là anh Thành rồi!

  • Trái tim tôi như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, tôi vồ vập hỏi:

    • Thế bồ gặp anh Thành ở đâu? Lúc nào? Anh ấy ra sao rồi?
  • Tháng trước mình đi Sài Gòn có việc. Khi trở về, qua Nha Trang thì xe đò ngừng lại để khách dùng cơm chiều. Trong lúc mình lại một quầy bán trái cây để mua một ít thì một người cụt cả hai chân lết đến trước mặt mình, đưa cái mũ lên xin tiền. Mình bỗng giật nẩy mình khi nhận ra người đó chính là anh Thành. Hình như cùng lúc anh ấy cũng kịp nhận ra mình. Mình đang bàng hoàng thì anh ấy đã lẩn mất. Khi định thần lại, mình đưa mắt tìm quanh nhưng không thấy anh ấy nữa! Từ lúc đó cho đến khi xe báo hiệu sắp chạy mình vẫn cố ý để mắt theo dõi tìm kiếm nhưng anh ấy vẫn bặt tăm.

  • Tôi bật khóc òa lên:

    • Trời ơi, chồng tôi sao đến nông nỗi ấy? Sao không về với vợ con mà lang thang như thế anh ơi là anh ơi!

    Kiều Duyên trấn an tôi:

    • Mình nghĩ vậy chứ chưa chắc đó là anh Thành đâu…
  • Chưa chắc chi nữa mà chưa chắc! Nếu không phải anh Thành sao gặp mày lại tránh mặt liền như thế? Nhưng cũng tại mày cố ý làm ngơ chứ anh ấy cụt cả hai chân làm sao có thể lẩn nhanh đến nỗi mày không thấy kịp?

  • Kiều Duyên có vẻ bực mình, thanh minh:

    • Bồ chưa biết đó chứ những người cụt hai chân ấy thường cóc nhanh như con sóc bồ không chạy theo kịp đâu! Lại nữa, lúc ấy người đông như kiến, anh ấy lại thấp, lẩn tránh đâu mình làm sao thấy được!
  • Thế bây giờ Kiều Duyên nghĩ mình nên làm thế nào?

  • Đành chịu tốn kém và mất ít nhiều công chi đó thôi. Nếu bồ biết được chính xác trước đây anh Thành ở trại tù nào, hãy đến đó để hỏi họ. Nếu anh ấy vẫn còn ở đó thì bồ xin thăm nuôi. Nếu anh ấy đã được thả thật thì bồ cứ đến thành phố Nha Trang để tìm. Mình muốn gặp bồ cũng chỉ có mục đích báo tin để bồ biết mà lo tìm anh ấy kẻo tội thôi. Giờ mình xin phụ một ít tiền để bồ chi dụng. Kết quả thế nào báo cho mình hay với!

  • Khi tôi đứng dậy định từ giã thì Kiều Duyên vụt kéo tôi ngồi lại:

    • À này, bồ còn nhớ con Phương Liên chứ? Hôm qua tình cờ mình gặp nó, nó đang ở tại nhà một người quen của mình gần đây thôi. Muốn lại thăm nó một lát không?

    Phương Liên cũng là bạn học ngày xưa, rất thân với tôi. Tôi nói:

    • Nếu thuận tiện bồ dẫn mình đến thăm nó một chút luôn!
  • Phải đấy, nó cũng đi buôn đường dài, nhà này chỉ là nơi nó nghỉ tạm.

  • Chúng tôi bèn đến chỗ Phương Liên trú ngụ. Cũng may Phương Liên còn ở nhà. Sau khi nghe kể chuyện anh Thành, Phương Liên nói:

    • Muốn tìm anh ấy ở Nha Trang thật khó như tìm chim giữa trời, tốn kém chịu sao nổi? Hơn nữa, xưa nay người giống người cũng nhiều, nên đến trại Bầu Lâm hỏi xem trước đã, biết đâu anh ấy vẫn còn ở đấy!

    Kiều Duyên tiếp lời:

    • Mình cũng nói với Diệu Ngọc như vậy đó.

    Phương Liên lại tiếp:

    • Nhà mình ở Bà Rịa cũng không xa Bầu Lâm mấy. Để mình cho cái địa chỉ, nếu đi Bầu Lâm thuận tiện Diệu Ngọc cứ ghé mình. Mình sẽ báo cho người nhà biết, nếu mình đi vắng Diệu Ngọc có thể ở lại vài hôm chờ mình không sao hết. Biết đâu mình có thể giúp Diệu Ngọc được việc gì!

    Khi tiễn tôi ra về, Phương Liên dặn:

    • Khi có gì cần cứ liên lạc với mình ở địa chỉ đó nghe Diệu Ngọc! Bạn bè đừng có ngại chi cả!

    *

    Sau khi ở nhà Kiều Duyên về, tôi hối hả sắp xếp việc đi thăm chồng tôi. Tôi chỉ đem con Hoa theo. Thằng Tí và thằng Sửu lúc này đã khá khôn ở lại giữ nhà. Tôi cũng nhờ mấy người hàng xóm trông chừng giúp đỡ chúng. Thủ tục giấy tờ xong là tôi lên đường ngay. Vì nôn nóng biết tin tức của chồng, tôi đã không ngại tốn kém nên đã đến trại Bầu Lâm khá nhanh chóng. Khi tôi xin vào gặp ban giám thị trại để hỏi, người ta cho biết anh Thành đã được tha ra khỏi trại năm tháng rồi. Họ trao luôn cho tôi một tấm giấy xác nhận việc đó. Thế là những điều Kiều Duyên nói không còn gì để nghi ngờ được nữa. Tôi không ghé lại Bà Rịa tìm Phương Liên mà lật đật tìm về Nha Trang. Chúng tôi thuê chỗ trọ rồi dò tìm ở các bến xe, nơi những người tàn tật hay ăn xin, hỏi thăm tỉ mỉ nhiều người. Qua ba ngày vẫn không có kết quả. Vừa mệt mỏi, vừa tốn kém quá, mẹ con tôi đành bỏ cuộc.

    Khi sắp trở về, tôi sực nhớ tới gia đình cô Hậu đang ở Đà Lạt. Lâu nay tôi rất ít thư từ liên lạc với cô. Cô Hậu không những là cô ruột chồng tôi mà còn là người ơn của mẹ con tôi. Hoàn cảnh ngặt nghèo và công việc bận rộn đã biến tôi thành kẻ vô tình. Đà Lạt với Nha Trang cách bao xa mà tôi lại không nhân tiện về thăm cô Hậu một lần? Biết đâu anh Thành lại chẳng về đó? Thế là mẹ con tôi lại ghé qua Đà Lạt.

    Dượng Tánh vẫn ở tù chưa về. Chỉ mới vài năm mà cô Hậu trông già nua xơ xác hơn trước nhiều. Hai em Lâm và Sơn đều đã đi nghĩa vụ quân sự. Hải và Hiếu vẫn còn đi học. Cô Hậu đã nghỉ buôn bán và hình như hơi túng thiếu. Khi nghe tôi nói về vụ anh Thành, cô chỉ rưng rưng nước mắt mà không nói gì. Tôi ở lại nhà cô một hôm rồi trở về Huế.

    Trở về nhà, tôi thật tình ăn ngủ không yên vì chuyện anh Thành. Tại sao như thế nhỉ? Nếu nói rằng không có tiền về xe thì đi xin năm ba ngày cũng phải có chứ! Chắc chắn là có vấn đề gì rồi. Điều tôi nghi ngờ nhất chính là cái chuyện tôi bị thất tiết với bọn công an. Nhưng chẳng lẽ bọn này lại tiết lộ cái chuyện mà chúng có thể bị buộc tội hủ hóa và lợi dụng quyền hành ức hiếp dân? Muốn nuốt trôi số trầm khá lớn của tôi chúng phải im lặng chứ! Thằng Tâm ư? Lại càng không thể nữa. Nó đã tỏ thái độ hối hận bằng cách bỏ ngang ngành công an để đi bộ đội sang Campuchea, nỡ nào nó lại hại tôi thêm một lần nữa? Ừ, mà không biết nó có đi Campuchea thật không? Trước kia Tâm ở gần nhà Kiều Duyên, có thể Kiều Duyên biết rõ về nó. Thế là tôi lại tìm đến Kiều Duyên. Sau khi nói chuyện đi thăm xong, tôi hỏi:

    • À, thằng Tâm trước học với mình bây giờ nó ra sao rồi?

    Kiều Duyên thở dài:

    • Tội nghiệp nó quá, nó chết tại chiến trường Campuchea rồi! Không hiểu sao đang đi công an ngon lành nó lại bỏ về đi bộ đội? Đi chưa được bao lâu đã chết. Tính khí tuổi trẻ mình không hiểu thế nào được!

    Tôi rụng rời cả người. Nước mắt tôi trào ra làm cho Kiều Duyên ngạc nhiên:

    • Bồ thương học trò đến thế à?
  • Nó là đứa học trò ngoan ngoãn nhất, lại giỏi giang, không ngờ nó vắn số như vậy!

  • Từ giã Kiều Duyên, tôi trở về với bao nỗi đau khổ chồng chất. Không ngờ chuyện của tôi lại đưa đến cái chết cho người học trò cũ mà tôi thương mến nhất. Nó chết để cho bọn gian ác sống, để chúng mặc tình cướp bóc, mặc tình chà đạp dân đen!

    Về nhà tôi lại khóc lóc nhiều lần. Khóc cho chồng tôi! Khóc cho người học trò cũ! Khóc cho tôi! Tôi càng đau khổ thêm gấp bội. Người duy nhất biết rõ nỗi oan khuất của tôi không còn nữa, sau này còn ai có thể hiểu cho tôi?

    Thế là tôi chỉ còn biết cố gắng làm việc thật nhiều để quên bớt nỗi đau. Ngày lại tảo tần buôn bán, đêm lại nằm khắc khoải chờ tin… Hình bóng người chồng khốn khổ cứ lảng vảng trong đầu óc đã khiến nhiều đêm tôi phải thức trắng. Ngoài ra, cái chết của người học trò cũ cũng thỉnh thoảng khuấy động làm lòng tôi càng bi thương. Gần như không có đêm nào tôi khỏi khóc. Đã nhiều lần tôi phải nhờ thuốc ngủ trợ sức. Nhưng nhiều khi thuốc ngủ cũng bất lực, lỡ thức dậy nửa giấc là tôi không cách nào ngủ lại được…

     

    Đọc tiếp Chương 30