TIẾNG TRỐNG MÊ LINH

TIẾNG TRỐNG MÊ LINH

Là dân Việt mấy ai chẳng nhớ

Giống Tiên Rồng tự thưở ban sơ

Vua Hùng mở nước dựng cờ

Đất thiêng đã vạch cõi bờ riêng tư

Biên cương đó trải từ Ải Nhạn

Xuôi về Nam theo mạn Trường Sơn

Ngàn năm dấu vết chưa mòn

Trải bao thế hệ sử còn lưu danh

Kia lũ giặc gian manh phương bắc

Máu tham lam tàn ác rắp tâm

Bao nhiêu kế độc mưu thâm

Mộng nuôi xâm lược, mộng thầm chiến tranh

Nhớ năm ấy sử xanh ghi rõ

Năm bốn mươi tên có Hai Bà *

Nữ lưu nổi trận phong ba

Cưỡi voi tuốt kiếm xông ra phất cờ

Bởi thái thú dở trò bạo ngược

Cậy hung tàn muốn buộc dân ta

Sừng tê, trai ngọc, voi ngà *

Bắt dân cống nạp trẻ già không tha

Quan Lạc Tướng tên là Thi sách

Chẳng cam lòng bức bách cho nên

Đứng lên đòi lại lợi quyền

Cho dân bớt khổ bớt phiền lụy thêm

Thằng Tô Định loạn điên sát hại

Người anh hùng chẳng ngại hi sinh

Vì dân vì nước quên mình

Cũng cam gác lại nghĩa tình phu thê

Chị Trưng Trắc đã thề quyết chí

Cùng với em Trưng Nhị một lòng

Phất cờ khởi nghĩa xung phong

Giữ lời ước thệ non sông vững bền

Trả thù chồng giữ yên đất nước

Đập tan loài hỗn xược bắc phương

Sáu lăm thành phủ trắng xương *

Giặc thù tan tác tìm đường thoát thân

Một thời đại sang trang sử mới

Tự do đời về với quê hương

Ba năm lèo lái mối giường *

Dân tình no ấm biên cương vẹn toàn

Cậy thế lớn lại sang đánh chiếm

Dụng mưu sâu mã Viện gian manh

Xua quân lang sói hung tàn

Dở trò nước lớn để dành phần hơn

Bởi thế yếu nguồn cơn sớm biết

Bất tòng tâm lực kiệt đành lui

Bên dòng sông Hát ngậm ngùi *

Nước kia xin mượn tiễn người liệt oanh

Bia đá tạc lưu danh sau trước *

Mấy ngàn năm tiếp bước Hai Bà

Cháu con hùng khí xông pha

Giữ yên một giải sơn hà Việt Nam.

Chú thích:

* Hai Bà hạ được 65 thành trì của Tô Định – theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

* Năm 40 – 43 – theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

* tên thái thú bắt dân ta lên rừng săn tê giác và voi để lấy sừng và ngà, lặn xuống biển để mò ngọc trai – theo tích và truyện kể.

* Sau khi đuổi được Tô Định Hai Bà xưng Vương và ở ngôi được 3 năm – theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

* Khi thất trận Hai Bà lui về vùng Hát Môn và nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn – theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. 

* Hằng năm vào ngày 6 tháng 2 âm lịch các nơi làm giỗ tưởng nhớ Hai Bà – theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.