Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 5

th (2)

Sau khi cướp ngôi nhà Lý, nhà Trần đã dựng nên một triều đại cực thịnh với những vị anh quân nối tiếp nhau cầm quyền, tạo được những chiến công chống ngoại xâm lừng lẫy và những cuộc cải cách xã hội rất tốt đẹp khiến các lân bang đều phải kính nể. Đến đời thứ 5 tức là vua Minh Tôn, ngài hiền lành, đức độ nhưng lại thiếu sáng suốt nên đã gây ra những lỗi lầm đáng tiếc, di hại đến cơ nghiệp nhà Trần không ít. Xin nêu ra hai lỗi lầm rõ rệt nhất:
Thứ nhất, ngài đã nghe lời gièm của Trần Khắc Chung mà giết oan vị đại tướng quân có tài đánh dẹp là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn – cũng là nhạc gia của ngài – khiến quân đội Đại Việt trở nên suy yếu.
Thứ hai, ngài quá câu nệ phân biệt dòng đích, dòng thứ mà ít chú ý đến mặt đức độ, tài năng của các con để cất nhắc vào địa vị quốc chủ. Ngài đã tư vị, cưng chiều hoàng tử Hạo quá đáng mà không giáo dục kỹ càng khiến sau này khi lên cầm quyền, hoàng tử Hạo đã đẩy nhà Trần tới chỗ suy vong.
Từ khi khởi nghiệp, nhà Trần đã có tục vua cha nhường ngôi cho vua con khi ông còn sống để vua con tập sự trị vì thiên hạ và cũng để tránh nạn tranh ngôi của các hoàng tử khi vua cha qua đời bất ngờ. Năm Kỷ Tị*, vua Minh Tôn đã lớn tuổi mà con dòng đích vẫn chưa sinh, ngài rất lo buồn. Theo lời khuyên của một số đại thần, ngài đã nhường ngôi cho hoàng tử Vượng con dòng thứ, tức vua Hiến Tôn, để lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó hai người con dòng đích của Thượng hoàng là Nguyên Dục và Hạo mới lần lượt ra đời. Hoàng tử Nguyên Dục tánh khí hỗn láo, ngang ngược, rất khó dạy đã làm Thượng hoàng thất vọng. Hoàng tử Hạo thì ngược lại, ngoan ngoãn, thông minh hơn nên Thượng hoàng hài lòng lắm.
Đêm trung thu năm Kỷ Mão*, hoàng tử Hạo mới lên bốn, được đưa đi chơi thuyền trên Hồ Tây. Vì ham nghịch nước, bất ngờ hoàng tử Hạo bị rơi tỏm xuống hồ chìm nghỉm. Khi thợ lặn xuống nước tìm kiếm thì bắt gặp hoàng tử ở lỗ cống đơm cá đã uống nước đầy bụng và hết thở. Có người đã làm cho nước trong bụng hoàng tử ói ra nhưng hoàng tử vẫn không tỉnh. Thượng hoàng hoảng sợ sai ngự y sư Trâu Canh tìm cách cứu chữa. Trâu Canh nói: “Dùng kim châm sẽ sống lại nhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương”. Khi Trâu Canh dùng kim để châm thì quả thật hoàng tử Hạo sống lại được.
Năm Tân Tị* vua Hiến Tôn qua đời. Dù Thượng hoàng có nhiều người con thứ đã trưởng thành ngài vẫn chọn hoàng tử Hạo mới sáu tuổi lên kế vị. Hoàng tử Hạo đăng quang tự xưng là Dụ hoàng, đổi niên hiệu là Thiệu Phong. (Sau này khi mất Dụ hoàng sẽ được tôn miếu hiệu là Dụ Tôn, vậy cứ xin gọi là Dụ Tôn cho tiện). Thượng hoàng vẫn một mình quyết định mọi việc, đất nước vẫn chưa có gì đổi thay đáng kể.
Dụ Tôn càng lớn lên chứng bệnh liệt dương càng lộ rõ. Cả hoàng gia đều rất lo ngại. Tuy thế, vì thể diện của hoàng gia, vào năm Mậu Tý*, Dụ Tôn lập công chúa Ý Từ là con gái thứ 4 của Bình chương Huệ Túc vương Trần Đại Niên làm hoàng hậu. Việc lập hoàng hậu này không thể nào khỏi bị dư luận đàm tiếu. Thấy tình cảnh éo le ấy, thái y sư Trâu Canh tâu với vua Dụ Tôn:
-Căn bệnh của bệ hạ tuy ngặt nghèo nhưng vẫn có cách chữa được. Thần chỉ ngại Thượng hoàng cản trở thôi!
Dụ Tôn sáng mắt lên:
-Sao? Sao? Ngươi nói bệnh ta vẫn có cách chữa ư? Tốn kém bao nhiêu ta cũng chịu hết! Sao lại sợ Thượng hoàng cản trở chứ?
-Dạ, vì cách chữa này rùng rợn lắm, lại trái luân thường đạo lý nữa!
-Miễn sao ta lành bệnh là được! Đừng cố chấp, cứ nói cách chữa đi! Bất cứ giá nào ta cũng làm cho được! Thượng hoàng không cản trở ta đâu!
-Bệ hạ đã quyết như vậy thì thần xin nói. Trước hết là phải giết cho được trên mười đứa bé trai khỏe mạnh, lấy mật hòa với dương khởi thạch (?) mà uống rồi thông dâm với chị hoặc em ruột mình sẽ chữa được bệnh. Bệ hạ liệu có làm nổi không?
Dụ hoàng giật mình:
-Chữa như vậy thì ghê quá! Phụ hoàng là người nhân đức chắc ngài không chịu đâu! Ngươi có cách nào nói thật khéo để ngài chịu nghe không? Được việc ta sẽ trọng thưởng!
-Thần cũng biết phải giết trẻ con hàng loạt như vậy thì Thượng hoàng chẳng đời nào chịu. Hay bệ hạ trình với Thượng hoàng xin giết một hai đứa thôi. Xin cho người vào ngục hỏi trong đám tử tội, người nào đem con nít chết thay cho mình được, người đó sẽ được xá tội. Có thể có nhiều gia đình cần người lớn hơn trẻ con. Như vậy là một đổi một chứ bệ hạ không xử ép ai cả, chắc Thượng hoàng chịu nghe! Giải quyết được việc đó xong sẽ tính tới việc thông dâm với chị hay em ruột!
-Sao ban đầu ngươi nói phải giết hàng chục đứa bây giờ lại nói chỉ một hai?
-Dạ, đây là chữa bệnh cho chính bản thân bệ hạ, bệ hạ phải tự quyết định! Nếu xin giết nhiều quá Thượng hoàng không chịu thì lỡ việc mất. Bệ hạ chỉ cần được Thượng hoàng cho phép giết một hai đứa đã, số còn lại bệ hạ nên cho người ngầm lo lấy không tiện sao?
-Việc ghê gớm như vậy cần phải giữ bí mật mới được. Sai người khác làm e khi lộ chuyện mất. Ngươi là người chế thuốc có thể lo luôn giúp ta được không? Ngươi cần bao nhiêu tiền ta cũng cho hết!
-Dạ, thần làm việc này không phải vì tiền đâu! Nhưng muốn cho bệ hạ được lành bệnh, thần sẽ gắng sức. Sau này đắc chí xin bệ hạ đừng quên thần!
Dụ Tôn mừng rỡ đem việc ấy trình với Thượng hoàng Minh Tôn. Thượng hoàng lập tức cho đòi Trâu Canh đến, ngài hỏi:
-Ông nói đã có phương thuốc chữa trị bệnh liệt dương cho quan-gia phải không?
-Dạ đúng!
-Ông phải biết rằng việc giết một mạng người rất quan trọng, nhất là đối với trẻ con vô tội! Ông có chắc chắn làm đúng như vậy bệnh của quan-gia sẽ lành không? Nếu quan-gia lành bệnh, ông sẽ được trọng thưởng. Nếu không đúng, ông sẽ phải thế mạng, chịu không?
-Bẩm Thượng hoàng, nếu chữa theo phương thuốc của thần mà bệnh quan-gia không lành, thần xin chịu tội chết!

Thượng hoàng nghe Trâu Canh đoan chắc như thế liền sai viên quản ngục tìm hỏi đám tử tội về việc kiếm trẻ con chịu chết thay cho người lớn. Cũng kiếm được một số nhưng Thượng hoàng chỉ cho lấy hai người: Một là em chết thay cho anh và một con chết thay cho cha!
Trong vòng ba tháng, Trâu Canh đã chế đủ thuốc cho vua Dụ Tôn uống. Sau đó công chúa Thiên Ninh là chị ruột của vua Dụ Tôn lại tình nguyện thông dâm với vua. Kết quả không những vua lành bệnh mà ông còn trở thành vị vua dâm dật ngoại hạng!
Cũng vì cái ơn nghĩa ấy mà sau này Trâu Canh bị bắt quả tang thông dâm với cung nữ mà vua Dụ Tôn vẫn tha chết cho y!
Năm Đinh Dậu*, Thượng hoàng Minh Tôn băng ở cung Bảo Nguyên, vua Dụ Tôn chính thức nắm quyền cai trị quốc dân. Năm sau vua Dụ Tôn đổi niên hiệu là Đại Trị. Khi Thượng hoàng còn sống, vua Dụ Tôn còn kiềm hãm thói ăn chơi buông thả của mình, nay nắm quyền bính rồi, ông mặc sức thao túng, không ai có thể can ngăn được nữa.
Vua Dụ Tôn rất tin dùng viên Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương và viên Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu. Hai viên Hành khiển này luôn toa rập với nhau chuyên xúi giục vua ăn chơi xa xỉ thái quá, không thèm đoái đến nỗi thống khổ của muôn dân.
Tháng 10 năm Quí Mão*, vua Dụ Tôn cho đào hồ trong vườn ngự ở hậu cung đặt tên là Lạc Thanh Trì. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho nước chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, trúc và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Vua cho tìm những chim quí, thú lạ về nuôi trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế (còn gọi là điện Lạc Thanh). Lại cho đào một hồ nhỏ khác. Sai người Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nước mặn về nuôi. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu thả vào đấy nữa. Ngoài ra, vua Dụ Tôn còn cho đào một hồ khác để nuôi cá diếc (thanh phụ) gọi là hồ Thanh Ngư. Vua đặt ra chức khách đô để coi giữ những hồ đó.
Về tửu lượng, vua Dụ Tôn cũng tỏ ra là một tay uống có hạng. Ngài hay cho tổ chức các cuộc thi uống rượu có thưởng mời các quan đến dự tranh tài. Tháng 4 năm Giáp Thìn* Chánh chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan đã lập mẹo uống một mạch hết 100 thăng rượu. Vua Dụ Tôn tưởng thật, thưởng cho Khoan tước 2 tư. Tháng 5 cùng năm, vua Dụ Tôn đi hóng gió thưởng trăng lại uống một trận say khước nữa. Trong lúc say, ngài lội xuống sông tắm, bị cảm lạnh, phải nằm liệt giường hơn hai tháng.
Ngoài việc đam mê tửu sắc, ngài còn đam mê cờ bạc nữa. Trước kia các vị Tiên vương xử trị nghiêm khắc đối với dân cờ bạc bao nhiêu thì bây giờ vua Dụ Tôn lại dung dưỡng hạng người này bấy nhiêu. Nhiều lúc nhà vua đã chiêu tập những nhà giàu trong nước, như người làng Đình Bảng ở Bắc Giang, người Nga Đình ở Quốc Oai, vào cung đánh bạc. Có tiếng bạc ăn thua đến 300 quan tiền.
Vua Dụ Tôn cũng ra lệnh cho các vương hầu, các công chúa thay nhau tổ chức những cuộc vui chơi hát xướng. Ai sáng tác được những trò tạp hí vừa ý ngài sẽ được trọng thưởng. Nguyên trong hồi chiến tranh chống Mông Cổ, quân ta bắt được một tên phường hát của giặc tên Lý Nguyên Cát. Nguyên Cát rất giỏi hát, trẻ con các nhà quyền quí đều ưa tập hát theo điệu phương Bắc của y. Nguyên Cát lại sáng tác các vở tuồng cổ và tập cho các vai đào, kép trình diễn rất sống động. Người xem khó mà tránh được sự lôi cuốn bởi những niềm vui nỗi buồn tùy thuộc từng tuồng tích. Nước ta có hát tuồng cũng bắt đầu từ đấy!
Thấy quốc khố có hạn mà việc tiêu xài của mình vô độ như thế, vua Dụ Tôn đã tìm đủ cách để xoay ra tiền. Ngoài việc cho gia tăng các loại thuế má, vua Dụ Tôn còn sai các tư nô khai khẩn bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi và các thứ rau. Người ta gọi chỗ phường ấy là “Toán viên” (vườn tỏi). Nhà vua cũng cho đày tớ và cung nhân làm quạt để bán cho dân.
Quan Ngự sử Bùi Thế Hiếu thấy việc chiếm đất của dân để canh tác sinh lợi cho nhà vua như vậy không được chính đáng, bèn dâng sớ xin can. Bọn Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu và Bùi Khoan lấy làm bực mình nên xin vua khép Bùi Thế Hiếu vào tội khi quân. Bùi Thế Hiếu bị giam vào ngục, bọn chúng bèn cho người đầu độc chết. Từ đó ai cũng ngán sợ bọn nịnh thần này.
Nạn đói kém đã xảy ra nhiều nơi. Tháng 8 năm Mậu Tuất*, vua Dụ Tôn xuống chiếu khuyến khích các nhà giàu ở các lộ bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo. Các quan ở địa phương tính số xem số thóc bỏ ra bao nhiêu rồi trả lại bằng tiền. Đó là một việc làm để chứng tỏ đấng thiên tử vẫn quan tâm đến cuộc sống của muôn dân. Nhưng nạn đói cứ mỗi ngày một lan rộng mà quốc khố thì cạn kiệt, biết làm sao? Thế là thay vào cách trả tiền lại cho các nhà giàu, vua lại ban chức tước lớn hay nhỏ cho những người dâng thóc tùy số lượng họ dâng nhiều hay ít. Dĩ nhiên số thóc này đến tay dân đói thì ít mà vào túi riêng bọn nịnh thần thì nhiều. Một số nhà giàu lớn trong nước đã nhờ những dịp này để trở thành quan quyền.
Một hôm quan Đại hành khiển Nguyễn Trung Ngạn đến thăm quan Tư nghiệp Quốc tử giám là Chu An. Chu An nổi tiếng cương nghị, thẳng thắn, không ham công danh, không sợ quyền thế. Học trò của ông rất đông, có nhiều người xuất chính đã làm tới chức Hành khiển như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Ông cũng là thầy học của vua Dụ Tôn, là một trong những người mà vua Dụ Tôn rất tôn kính và vẫn nghe lời. Khi Chu An hỏi về việc nước, Nguyễn Trung Ngạn than thở:
-Như tiên sinh vẫn thấy đó, hiện nay bọn nịnh thần dối trá lộng hành lắm mà hoàng thượng đâu có biết! Như chuyện Bùi Khoan uống dối 100 thăng rượu trong một cuộc tiệc được thưởng hai tư, chuyện Trâu Canh gian dâm với cung nữ vẫn không bị xử tội, ngược lại viên thái giám tố cáo lại bị giết… Chuyện ngang ngược đến thế mà nào ai dám nói. Ai làm gì trái ý bọn nịnh thần là bị gièm pha hãm hại. Lớn nhỏ chi đều phải nín thở để giữ mình. Tôi chưa thấy thời nào chính sự lại suy bại đến thế này.
Chu An nói:
-Tôi có nghe tin đồn thời gian gần đây trong dân chúng thỉnh thoảng lại xảy ra các vụ trẻ em bị mất tích, chẳng rõ chuyện đó hư hay thật?
-Các vụ đó có xảy ra thật. Có người nghĩ là do đám tay chân của Trâu Canh bí mật bắt cóc về giết để chế thuốc. Thằng Tàu ấy dã man gian trá lắm. Nó chế thuốc để chữa bệnh cho hoàng thượng thì tội dã man cũng còn biện minh được đi, đằng này nó lại phỉnh hoàng thượng phải thông dâm với chị ruột mình, thật là vô đạo! Tiên sinh nghĩ có phải nó dối trá không? Thuốc đã hiệu nghiệm rồi mới thông dâm được chứ! Nếu thuốc chưa hiệu nghiệm thì dương vật nó mềm xèo làm sao thông dâm được? Thế mà nó biểu hoàng thượng phải thông dâm với chị ruột mình thuốc mới hiệu nghiệm mà hoàng thượng cũng thực hành! Cũng vì cái ơn đó mà sau này mấy lần các thái giám báo việc Trâu Canh dan díu với các cung nữ hoàng thượng đều làm ngơ. Lần mới nhất viên thái giám Phạm Thịnh đã bắt gặp quả tang Trâu Canh làm chuyện tồi bại ấy, ban đầu vua định đem giết nhưng rồi cũng tha. Chỉ khổ cho anh thái giám Phạm Thịnh không bao lâu sau đó phạm lỗi bị bắt giam rồi chết bất đắc kỳ tử trong ngục!
Chu An thở dài:
-Tôi cũng có nghe qua những chuyện đó. Không ngờ Trần triều nay gặp phải cái nạn này! Thưa thật với tiên sinh, tôi đã viết xong một tờ “Thất Trảm Sớ”, nay mai sẽ dâng lên hoàng thượng. Nếu ngài nghe theo mà thực hiện thì đó là vạn phúc cho nước, cho dân! Nếu ngài không nghe mà bắt tội tôi cũng chịu thôi.
Nguyễn Trung Ngạn hỏi lại:
-Tiên sinh là người mà Thượng hoàng rất kính trọng và lại là thầy của hoàng thượng nữa, lẽ nào hoàng thượng bắt tội? Chắc hẳn nội dung cái sớ mà Tiên sinh viết nghiêm trọng lắm?
-Tôi xin chém đầu bảy tên nịnh thần. Quan Đại hành khiển muốn coi thử không?
Nguyễn Trung Ngạn nói:
-Thôi, khỏi coi! Mới nghe qua tôi cũng biết ngay bảy tên nịnh thần tiên sinh nói là ai rồi! Chỉ sợ vua không chịu nghe thôi!
Khi Chu An dâng “Thất Trảm Sớ” lên vua Dụ Tôn, ngài xem rồi nói:
-Những người này là những bề tôi giỏi, làm việc đã quen. Nếu thay người khác thì công việc triều đình làm sao chạy được? Xin thầy bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt của họ đi!
Chu An thưa:
-Nếu bệ hạ không lo tính trước, những tên nịnh thần này sẽ làm hại nhà Trần đấy!
Vua Dụ Tôn nhíu mày nói:
-Việc này trẫm đã suy nghĩ kỹ. Xin thầy về nghỉ kẻo hại sức!
Biết không xoay chuyển được lòng vua, Chu An rất thất vọng. Sau đó ông nại cớ già yếu, dâng sớ xin nghỉ việc. Tuy vua Dụ Tôn tỏ vẻ lưu luyến, không thuận, ông vẫn cởi mũ áo đai ấn gởi lại nhà Quốc tử giám rồi về quê ở ẩn.
Cũng bởi kỷ cương triều đình quá suy bại nên giặc giã trong nước ngày càng nổi dậy như ong. Nhiều gia nô của các vương hầu và các công chúa cũng nhân dịp này trốn chủ bỏ đi làm giặc cướp. Vì thế, vua Dụ Tôn phải hạ chiếu buộc các gia nô của tầng lớp quyền quí này phải khắc chữ vào trán và khai tên tuổi vào sổ hộ tịch để dễ kiểm soát. Ai không chịu khắc chữ lên trán và không khai hộ tịch sẽ bị coi như giặc cướp. Hoạt động bền bỉ nhất là đám giặc Ngô Bệ trải qua một thời gian hơn 15 năm. Từ năm Giáp Thân*, Ngô Bệ đã tụ họp bọn vô lại ở núi Yên Phụ để ăn cướp. Quan quân phải vất vả hơn một năm sau mới đánh tan được chúng. Nhưng Ngô Bệ đã trốn được. Không cướp lớn được chúng trở thành cướp nhỏ lưu động bất định để tránh quan quân tìm theo dấu vết. Đến năm Mậu Tuất*, Ngô Bệ lại tập trung đồ đảng ở núi Yên Phụ, dựng đại kỳ trên núi, tiếm xưng vị hiệu, yết bảng nói cứu giúp dân nghèo. Y chiếm cả một vùng từ xã Thiên Liêu đến huyện Chí Linh. Quan quân các lộ lại phải vất vả mãi tới năm Canh Tí* mới bắt được Ngô Bệ cùng với 30 thuộc hạ ở Yên Phụ, đóng cũi đưa về kinh xử chém.
Lúc bấy giờ ở Trung Hoa cũng loạn lạc như rươi. Nhiều đám giặc đã đua nhau nổi lên chống nhà Nguyên. Mạnh nhất là ba thế lực Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng và  Trương Sĩ Thành. Nhà Nguyên yếu thế phải lùi dần về phương Bắc. Về sau Chu Nguyên Chương đã đuổi được nhà Nguyên ra khỏi cõi và lần lượt đánh bại các đám giặc khác. Trần Hữu Lượng tự xưng là Hán vương là đối thủ lớn cuối cùng của Chu Nguyên Chương. Khi thấy mình yếu thế, Trần Hữu Lượng đã cử sứ giả sang Đại Việt cầu cứu. Sứ giả cho triều đình Đại Việt biết Hán vương Trần Hữu Lượng chính là con út của Trần Ích Tắc. Nhưng vua Dụ Tôn sợ mang vạ lây nên đã từ chối việc giao thiệp với Hán vương. Không lâu sau đó thì Trần Hữu Lượng bị Chu Nguyên Chương tiêu diệt

 

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 6