XỨ BẮC HÀ THỜI LÊ MẠT – Hồi 4

 KIẾN HÀO
Tây Sơn tôn phù nhất thống, yên định Bắc Hà

Tổ tiên bốn đời của ba anh em nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, gốc là dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Năm Ất Mùi 1655,  quân chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) vượt sông Gianh đánh bại quân Trịnh, chiếm giữ các huyện Nam Lam Giang ( Kỳ Hoa, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn và Thanh Chương). Khi rút về Nam đã bắt dân ở đấy về theo, cho định cư ở ấp Tây Sơn huyện Quy Ninh (Hoài Nhơn, Bình Định). Đời cha là Hồ Phi Phúc dời nhà đến huyện Tuy Viễn. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên- sơ tập- quyển 30 chép : “ Nhạc người huyện Phù Ly, làm nghề buôn lá trầu. Sau làm Biện lại ở bến tuần Vân Đồn, lỡ tiêu hết tiền thuế, Đốc trưng là Đằng truy bắt rất khẩn cấp, bèn vào núi làm kẻ cướp ” [1]

Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ vâng lịnh Nguyễn Nhạc dẫn quân từ thành Quy Nhơn tiến ra đánh Phú Xuân. Huệ nghe lời hàng tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, lập kế ly gián hai tướng giữ thành là Phạm Ngô Cầu và Phó tướng Hoàng Đình Thể, chỉ một trận đánh đã giết Thể tại trận, Phạm Ngô Cầu mở cửa thành đầu hàng, số tướng tá binh sĩ bị chết quá nữa, số còn lại bỏ chạy cũng bị dân địa phương giết sạch [2]. Sau trận này có sử gia nhận xét quân Tây Sơn hay “lạm sát”, nhung cũng từ đó quân Bắc Hà rất sợ quân Tây Sơn như chim gặp phải cung. Đất Thuận Hóa thuộc về Tây Sơn, bấy giờ là ngày 14 tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Cảnh Hưng. Nguyễn Hữu Chỉnh vì có mối thù với Trịnh Tông , muốn bắt chước gương Ngũ Tử Tư [3] nên khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra Bắc, giương lá cờ “ Phò Lê Diệt Trịnh” để tranh thủ nhân tâm. Hoàng Lê nhất thống chí, chép việc này như sau :

“ Lúc ấy Chỉnh nói với Bình rằng :
– Ngài vâng mệnh ra lấy Thuận Hoá, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là “thời”, hai là “thế” , ba là “cơ”; ba điều ấy mà có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà, tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói : “ Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong”. Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ !
Bình đáp :
– Bắc Hà là một nước lớn , có nhiều người tài. Lời xưa có nói “ con ong có nọc”, há có thể khinh thường được ư ?
Chỉnh nói :
– Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi. Nay tôi đã đi rồi ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại.
Bình vốn khéo dùng ngôn ngữ để bẻ người , liền đùa rằng :
– Không nghi ngại người nào khác, hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư ?
Chỉnh tái mặt mà tạ rằng :
–Sở dĩ tôi tự nêu lên cái ngu hèn của mình như thế, chẳng qua cũng chỉ để nói quá rằng nước tôi không có người tài nào đó mà thôi”.

Quân Tây Sơn vượt sông Gianh đi đến đâu, quân giữ đồn của chúa Trịnh bỏ chạy đến đấy. Trấn thủ Nghệ An là Đương Trung hầu Bùi Thế Toại, trấn thủ Thanh Hoa Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy thấy bóng quân Tây Sơn đều bỏ chạy mà không dám đánh một trận nào. Ngày mùng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), trấn Sơn Nam cũng rơi vào tay Tây Sơn, thủy quân của Liễn Trung hầu Đinh Tích Nhưỡng bị đánh thua tan tác. Tin thất trận liên tiếp báo về kinh đô, Trịnh Tông định bỏ chạy lên Sơn Tây thì bị kiêu binh biết được ngăn lại, đành phải gọi Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ đem quân về cứu giá. Quân Tây Sơn lại đánh tan quân Hoàng Phùng Cơ tại cửa Thúy Ái (Thanh Trì, Hà Đông ngày nay), Trịnh Tông vội vàng bỏ kinh thành mà chạy, ngày 26 tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ vào Thăng Long.

Tình hình hổn loạn của kinh thành lúc ấy được Hoàng Lê Nhất thống chí ghi lại như sau :

“ …nhân lúc rối ren, dân chúng ở xung quanh Kinh thành tha hồ rủ nhau đón đường cướp bóc. Ngựa xe, của nả của các họ hàng nhà chúa và của các đại thần, đại phu đều bị họ lấy sạch, không biết bao nhiêu người chỉ còn trơ chiếc mình không mà chạy. Còn bọn kiêu binh, sau khi tan vỡ đều phải chạy trốn đi các nơi. Nhưng chúng đến đâu cũng bị dân quê kể tội kiêu ngạo lộng quyền ngày trước và làm cho nhục nhã đủ đường, không có ai chứa chấp.

Bữa ấy, có một người cởi trần trùng trục cũng ở trong thành chạy ra, khi qua cửa ô bị dân chúng trông thấy, họ liền chỉ mặt mà nói :

  • Thằng bụng phệ kia chẳng phải lính Nhưng, Kiệu là gì, lôi cổ nó lại mà đánh chết đi.

Người ấy vội đáp :

  • Không phải, ta là Huyện Úy huyện Thọ Xương đây !

Mọi người cùng cười mà rằng :

  • Người ta thường nói “ bụng to như bụng ông huyện” thật không sai !

Người ấy cũng cười rồi đi. Ngày hôm đó lính Thanh – Nghệ dắt díu nhau về quê, bị đói khát ở dọc đường, lại chết thêm đến hàng trăm tên…”.

Về cái chết của Trịnh Tông, sách Việt sử Thông giám Cương mục ghi lại như sau :

“ Khi Trịnh Tông  chạy đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng thì quân sĩ đi theo đã chạy tan tác hết. Bấy giờ, có viên Thiêm sai, làm việc ở Lại Phiên là Lý Trần Quán, trước đó được cử đi truyền hịch để chiêu mộ nghĩa binh, bất ngờ gặp Trịnh Tông. Lý Trần Quán giả vờ nói với người hoc trò của mình là Nguyễn Trang rằng :

  • Đây là quan Tham Tụng, người họ Bùi đi lánh nạn đến, anh hãy hộ vệ ngài, đưa ngài qua bên kia địa giới của huyện này.

Nguyễn Trang biết đó là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng là Nguyễn Bá bắt Trịnh Tông bỏ cũi định nộp cho Tây Sơn lấy thưởng. Lý Trần Quán được tin ấy, vội vàng chạy đến, vừa lạy vừa khóc, nói rằng :

– Đẩy chúa vào tình thế này, tội là ở thần.

Xong lấy nghĩa lớn (của đạo chúa tôi) mà khuyên bảo Nguyễn Trang, nhưng Trang lại nói :

– Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa chẳng bằng quý thân !

Nói rồi hắn giải Trịnh Tông đi. Dọc đường Trịnh Tông thừa lúc sơ hở bèn dùng dao cắt cổ tự tử. Nguyễn Trang đem thi thể của Trịnh Tông nộp cho giặc. Nguyễn Văn Huệ sai sắm đủ áo quan để khâm liệm và tống táng cho Trịnh Tông, bổ dụng Nguyễn Trang làm trấn thủ Sơn Tây, lại còn phong cho làm Tráng Liệt hầu…” .

Ngày hôm ấy là ngày 27 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Cảnh Hưng. Dân kinh kỳ nhiều người quy tội gián tiếp giết chúa cho Nguyễn Hữu Chỉnh, gọi hắn là cõng rắn cắn gà nhà. Cái chết của Trịnh Tông cũng chấm dứt sự tồn tại của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh độc đáo, có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Theo chính sử, Trịnh Tông  là vị chúa đời thứ 11, nếu kể khởi thủy từ Trịnh Kiểm thì đến Trịnh Tông, họ Trịnh đã có mặt trên vũ đài chính trị 243 năm [4]. Mặc dù sau này có sách còn kể thêm Trịnh Bồng nhưng thời gian tự lập làm chúa quá ngắn ngủi, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1786 thì bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi mất tích luôn, không biết sống chết ra sao. Tháng chạp cùng năm, sau khi Trịnh Bồng bỏ chạy thì toàn bộ lâu đài cung khuyết huy hoàng của các đời chúa Trịnh bị đốt cháy ra tro hết.

Nhìn chung, sử gia đời sau thường có cái nhìn khắt khe khi nhận định về các chúa Trịnh như chuyên quyền, độc đoán, hiếp chế và bức hại vua Lê, ức thương, nhất là hai cuộc chiến tranh Lê Trịnh – Mạc và Trịnh – Nguyễn kéo dài đã làm đời sống nhân dân bị kiệt quệ, đói khổ. Bỏ qua những gam màu chính trị đen tối kia thì chính trong thời kỳ ấy, nền văn hóa truyền thống dân gian đồng bằng sông Hồng được bảo tồn và phát huy rất tốt sau lũy tre làng, cũng như tiểu thủ công nghiệp rất phát triển mà Gốm Bát Tràng là một ví dụ. Đồng tiền Cảnh Hưng cũng đã đi vào ca dao Việt Nam :

Mẹ em tham thúng xôi rền 
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào…

Ngay khi vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã vào hoàng cung diện kiến vua Lê, xác định rõ chủ trương tôn phò vua Lê diệt cường quyền họ Trịnh, định lại nền nhất thống nước nhà. Vua Lê Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Uy Quốc công, lại đem con gái là công chúa Ngọc Hân gả cho. Sau đó là một loạt những sự kiện chính xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn, được Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại như sau :
Ngày mùng 10 tháng 7, diễn ra lễ cưới Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa.
Ngày 14 bệnh vua Lê trở nặng.
Ngày 15, vua Lê gắng gượng ngự triều ban chiếu bá cáo nói về việc nhất thống.
Ngày 17, vua Lê băng hà, thọ 70 tuổi
[5] . Thái tử Duy Kỳ lên nối ngôi , đặt niên hiệu là Chiêu Thống, lấy năm 1787 làm năm thứ nhất.
Ngày mùng 5 tháng 8, vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc ra tới Thăng Long.
Ngày 18, Tây Sơn bí mật rút hết quân về nước. Bị bỏ rơi, Nguyễn Hữu Chỉnh lật đật dong thuyền đuổi theo, đến Nghệ An thì đuổi kịp, Nguyễn Huệ lưu Chỉnh ở lại đó, đóng quân làm kế thanh viện. Đất Nghệ An đổi chủ, trở thành đất biên viễn của Tây Sơn.

Đến đây thì việc tôn phò nhất thống đã gom về một mối, triều Lê lại làm chủ một dãi giang sơn từ Cao Bằng cho đến Thanh Hoa. Tuy nhiên thói quen ỷ lại vào nhà chúa  lâu ngày đã khiến các vua Lê không còn khả năng tự mình giữ việc triều chính nữa, kể cả chính lệnh của vua ban ra cũng chẳng được ai thi hành. Mọi người đều lấy chữ tư lợi làm đầu, bọn thổ hào, châu mục các trấn tụ tập binh mã cát cứ khắp nơi, nhân đấy nạn cướp bóc nổi lên, thật là không ai dập tắt được.

(còn tiếp)

Ghi chú :

  1. Về xuất thân của Nguyễn Nhạc còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Tạ Chí Đại Trường trong Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) thì Nguyễn Nhạc khởi nghĩa giúp dân chống lại chính sách thuế khóa khắc nghiệt của chúa Nguyễn. Chỉ có một chi tiết nhận được sự đồng thuận : Nguyễn Nhạc là một “hào mục” hoặc “tiểu lại” chứ không phải là một nông dân áo vải, trong nhà thường nuôi nhiều gia nhân và tân khách.
  2. Chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, cho thấy thái độ dân Phú Xuân nói riêng, dân Nam hà nói chung đối với quân của “tập đoàn phong kiến” Lê-Trịnh.
  3. Cha và anh bị hôn quân nước Sở giết chết, Ngũ Tử Tư trốn sang Ngô, giúp vua nước Ngô dựng nên nghiệp bá rồi đem quân về trả thù, đánh tan quân Sở.
    4. Có sách tính là 248 năm, từ 1539 là năm Trịnh Kiểm làm Tả tướng cho Nguyễn Kim ( phò vua Lê Trang Tông ) đến Trịnh Bồng năm 1786. Thực ra chỉ sau khi Nguyễn Kim mất năm 1545, họ Trịnh mới bước lên vũ đài chính trị.
    5. Vua Lê Hiển Tông ở ngôi 46 năm (1740 – 1786 ), nhưng mọi việc đều phó thác cho chúa Trịnh. Bị Trịnh Sâm đè nén đủ đường mà nhà vua vẫn vui đùa như thường. Những người gần gũi thấy vậy đều can ngăn, nhà vua đáp “ Nhờ ta vô ưu như thế mới tránh khỏi sự ngờ vực của nhà chúa. Vui chơi như thế này cũng là một cách tránh tai vạ đó thôi”. Khi Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh, trao quyền nhất thống nước nhà thì vua lại lấy làm lo lắng, miễn cưỡng chứ không vui mừng chút nào. Lúc hấp hối, nhà vua còn bảo với Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống ) : “…Ta chỉ sớm tối là được trút hết gánh nặng, cái lo sẽ dồn cả vào thân mày, liệu mà nghĩ tới điều đó ”. Thật là hèn hạ bạc nhược, chẳng trách sau này Lê Chiêu Thống noi theo gương, chịu tiếng xấu ngàn đời.