Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 4

4

Sau khi trận dịch hạch quái ác đã vô tình bẻ gẫy ý đồ Bắc tiến của vua Trà Hòa Bố Để, vị vua đầy ý chí và năng nỗ này đã trải qua một thời gian đau khổ cùng cực. Mọi việc triều chính ông đều phó mặc cho các quan giải quyết. Một hôm ông nói với triều đình với vẻ thống thiết:
-Người xưa nói “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” quả không sai! Ta đã khổ công nhiều năm nay mới chuẩn bị được một đạo quân hùng mạnh, quân khí đầy đủ, lương thực dồi dào như vừa rồi. Không bao lâu nữa ta sẽ xua đạo quân hùng mạnh đó nghiến nát nước Đại Việt đang hồi suy yếu để rửa hận! Ngờ đâu cái trận dịch hạch quái ác kia đã hại ta, đã cứu chúng nó! Nay quân đội ta bị sứt mẻ quá lớn biết bao giờ phục hồi được? Đau khổ nhất là trời lại cướp mất đứa con yêu quí của ta, một vị thiếu niên anh hùng mà ta rất kỳ vọng! Trước đây ta vẫn tin nếu ta chưa hoàn thành được ý nguyện chắc chắn Đạt Vân sẽ đủ sức thực hiện tiếp công nghiệp đó! Nhưng bây giờ thì hết cả rồi! Ta lại còn thành kẻ tuyệt tự nữa chứ! Phải chăng ta có lỗi với trời nên trời phạt? Sao trời nỡ ác với ta như thế? Ý nguyện tiêu diệt nước Đại Việt để trả thù cho các đấng tiên nhân ta đã tan nát thật rồi ư? Ta già rồi, ta kiệt sức rồi, làm sao thực hiện ý nguyện nữa? Chư khanh ai đủ tài năng thực hiện tiếp ý nguyện của ta không? Ta xin phát nguyện, nếu có ai làm được việc đó, ta sẽ nhường ngôi cho kẻ ấy!
Cả triều đình đều cảm thông nỗi bức xúc của vua nhưng chưa ai có ý kiến gì. Vua Bố Để càng lộ vẻ âu sầu hơn. Mấy hôm sau vua lại hỏi:
-Không lẽ cả nước Chiêm đã hết anh hùng? Không lẽ nước Chiêm không còn ai muốn đánh Đại Việt để trả thù? Các khanh gắng tìm nhân tài, ta sẽ thưởng công xứng đáng. Anh hùng có thể ẩn trên rừng, nương thân dưới biển. Thậm chí, anh hùng có thể đang làm cường khấu hoặc đang ở trong ngục tối. Dù là kẻ đã phạm tội mà có chí khí, có tài năng, có thể giúp nước, ta cũng sẵn sàng xá tội để trọng dụng. Mong các khanh hiểu tấm lòng tha thiết của ta mà gắng tìm người giúp nước! Nếu không, nước Chiêm ta sẽ có ngày bị Đại Việt thôn tính!
Tể tướng La Khâm tâu:
-Xin bệ hạ bớt sầu não để tiếp tục lo việc nước. Tấm lòng tha thiết của bệ hạ đối với đất nước như vậy trời cũng cảm động chứ đừng nói là người! Xưa nay những anh hùng hào kiệt vẫn nhạy cảm hơn người. Họ nể trọng người có đức, yêu chuyện nhân nghĩa, lại dám chết vì tri kỷ. Hay bệ hạ thử xuống chiếu đại xá tội phạm một phen? Thấy bệ hạ mở rộng lòng như vậy ắt những anh tài còn ẩn trú đâu đó sẽ không còn lo ngại, họ sẽ lộ diện để giúp nước? Nhất là những kẻ bất đắc dĩ đã phạm lỗi lầm, nay có cơ hội này chắc hẳn sẽ vui lòng nghe theo để lập công chuộc tội, để phụng sự tổ quốc. Bệ hạ còn giữ được lòng tin yêu của thiên hạ thì lo gì việc lớn không thành?
Vua Trà Hòa Bố Để lắc đầu:
-Khanh thương ta mà nói vậy chứ thật ra ta tự biết sức ta lắm. Công sức và ý chí của ta nuôi dưỡng bao nhiêu năm đã bị trời hủy hoại, ta đuối sức rồi. Không trả thù Đại Việt được ta cũng hết lẽ sống. Ngay cả cái ngai vàng ta đang ngồi ta cũng chẳng còn tha thiết nữa. Khanh là kẻ có tài, nếu khanh liệu còn đủ trí lực có thể làm cho nước Chiêm mạnh lên để đánh bại Đại Việt, ta sẵn sàng trao ngai vàng này lại cho khanh. Khanh nghĩ thế nào?
La Khâm giật mình quì xuống nói:
-Tâu bệ hạ, chuyện đó không bao giờ có được! Tài đức và ý chí của bệ hạ ở đây không ai sánh nổi đâu! Thần chỉ là một kẻ hèn may nương nhờ uy đức của bệ hạ mới lập được vài chút công nhỏ thôi. Với lại, chính thần cũng già rồi đâu có thể nói chuyện cao xa được!
Vua Bố Để thấy thái độ hoảng hốt của La Khâm liền giải thích:
-Ta nói thành thật đó, khanh chớ áy náy! Thật lòng ta chẳng còn tham luyến cái ngai vàng này đâu! Khi Tiên vương qua đời, ta bất đắc dĩ phải cướp quyền của Chế Mỗ chẳng qua chỉ vì thấy Chế Mỗ quá bất tài không thể đối đầu với Đại Việt được! Nếu Chế Mỗ khá hơn một chút ta đâu có loại trừ y! Chính vì ta sợ nước Chiêm sẽ bị Đại Việt gặm nhấm dần nên phải tòng quyền vậy thôi! Đau thay! Cái lúc Đại Việt đang suy yếu thế này mà nước Chiêm ta chỉ biết ngồi trơ mắt mà ngó! Cái thế hai nước Việt Chiêm không thể lưỡng lập lâu dài được! Nước Chiêm không tiêu diệt được Đại Việt ắt sẽ chờ ngày bị Đại Việt tiêu diệt thôi! Vì thế, ta nguyện sẽ nhường ngôi cho bất cứ ai có thể làm cho nước Chiêm trở thành hùng mạnh lúc này!
Sự quan tâm lo lắng cho tiền đồ đất nước của vua Bố Để đã làm các quan văn võ đều xúc động. Lão tướng Lạc Thích tâu:
-Bệ hạ đã giãi bày cạn lẽ như thế, thần lẽ nào còn dám nghi ngại mà phụ tấm lòng của bệ hạ. Thần vốn biết Tiên vương có người em út tên Bà Bỉ Na Tác Nhĩ là một cậu bé thần đồng. Khi bệ hạ truất quyền Chế Mỗ thì Du Đà vì quí trọng hoàng tử Na Tác Nhĩ, sợ hoàng tử bị hại nên đã đem hoàng tử ẩn trốn nơi nào đó. Nay nếu bệ hạ xuống chiếu đại xá và triệu dụng hai người ấy chắc họ sẽ trở về. Du Đà là kẻ mưu trí, hoàng tử Na Tác Nhĩ cũng có tiếng thần đồng, chắc hẳn hai người ấy sẽ giúp ích bệ hạ được. Ngày xưa Trùng Nhĩ nước Tấn nhờ tha thứ và trọng dụng Đấu Tu* mà thiên hạ yên, nay sao bệ hạ không thử triệu dụng Du Đà?
Vua Bố Để lộ vẻ mừng:
-Ta nhớ ra vụ ấy rồi. Hoàng tử Na Tác Nhĩ là thúc phụ của vợ ta cũng như là thúc phụ của ta. Lúc này thúc phụ cũng khoảng hai mươi tuổi rồi. Khi Du Đà đưa thúc phụ Na Tác Nhĩ trốn khỏi kinh thành ta cũng có bực mình đôi chút. Nhưng vì ta chẳng có lòng hại đến người thân của Tiên vương nên cũng làm ngơ luôn. Phải tìm mời họ về giúp triều đình mới được. Khanh có biết bây giờ thúc phụ Na Tác Nhĩ và Du Đà đang ở đâu không?
Lạc Thích tâu:
-Thần thật sự không biết Du Đà đang ở đâu. Nhưng thần nghĩ trong triều thế nào cũng có người biết. Tuy vậy, nếu chỉ để các quan nói lại, hai người ấy chưa chắc đã tin. Tốt hơn hết là bệ hạ nên giáng chiếu công khai triệu dụng họ để quốc dân cùng biết thì nhất định họ sẽ yên lòng mà trở về.
Vua Bố Để nói:
-Ý kiến của khanh hay lắm. Ta sẽ triệu dụng hai người ấy!
Trong thời gian vụ tranh chấp ngai vàng giữa vua Bố Để và hoàng tử Chế Mỗ xảy ra tại Đồ Bàn, bộ tộc Churu, một bộ tộc tự trị đã ở trong hệ thống ảnh hưởng của vương quốc Chiêm Thành lâu đời dường như chẳng quan tâm gì tới biến cố đó cả. Họ chỉ lặng lẽ làm nghĩa vụ của một chư hầu đối với triều đình chứ không tham gia bênh ai chống ai. Nhờ thế nên trong khi nhiều bộ tộc khác bị ảnh hưởng bởi cảnh loạn lạc thì ở lãnh địa thuộc bộ tộc Churu người dân vẫn được sống yên bình.
Lúc bấy giờ tại một thôn nọ, nơi người dân phần đông sống với nghề làm rẫy, một hôm bỗng có một người đàn ông xa lạ dắt một đứa trẻ đến xin kiếm việc làm ăn. Người đàn ông khoảng bốn mươi, người tầm thước, trông khoẻ mạnh và hoạt bát lắm. Ông ta xưng tên là Lộ Đà, cậu bé theo ông gọi ông bằng chú chừng bảy tám tuổi, tên là Mạn Thuyết, trông cũng khôi ngô sáng sủa. Ban đầu Lộ Đà chỉ xin dựng một cái chòi nhỏ để hai chú cháu tạm trú. Hàng ngày ông làm thuê làm mướn để nuôi hai miệng ăn. Chỉ qua một thời gian ngắn, cậu bé Mạn Thuyết đã quen biết gần hết bọn trẻ trong vùng. Cậu bắt đầu theo lũ trẻ bắt cá bẫy chim hay làm các việc vặt để giúp đỡ ông chú. Nhờ bản chất thông minh, lanh lẹ, lại hào hiệp hay giúp người nên bọn trẻ đều yêu mến cậu. Cha mẹ chúng cũng rất vui khi chúng chơi với người bạn mới này. Khi đã yên tâm có thể để Mạn Thuyết ở nhà chơi với lũ trẻ, Lộ Đà bắt đầu theo chân những người thợ săn vào rừng săn bắn. Chẳng bao lâu sau ông đã nổi tiếng là tay thiện xạ. Ông cũng là người có nhiều kiến thức trong việc tổ chức các cuộc săn bắn tập thể. Lần săn nào cũng mang lại kết quả tốt. Các tay thợ săn trong vùng thấy vậy rất nể phục ông. Dần dần họ coi ông như người đầu đàn. Nhờ có Lộ Đà, tầm hoạt động của những thợ săn này càng nới rộng.
Mạn Thuyết mỗi ngày mỗi lớn khác thường. Trên mười tuổi cậu đã bắt đầu theo ông chú tập sự đi săn. Khoảng mười ba mười bốn tuổi cậu đã trổ mã thành một thanh niên cường tráng. Dần dần tài săn bắn của Mạn Thuyết đã vượt cả ông chú khiến thiên hạ đều khiếp phục cậu. Những phát tên của cậu buông ra vừa mạnh vừa rất chính xác. Con thú nào không may gặp phải cậu coi như hết số. Một tay thiếu niên giang hồ tứ chiếng tên là La Ngai nghe tiếng đồn đã tìm đến xin thi bắn với cậu. Kết quả Mạn Thuyết đã thắng La Ngai. La Ngai phục tài, xin kết nghĩa anh em với Mạn Thuyết. Lộ Đà thấy La Ngai cũng là một nhân tài hiếm hoi đã khuyên Mạn Thuyết kết nghĩa với y. Ông lại còn mời La Ngai ở lại với chú cháu ông nữa. Ít lâu sau, Lộ Đà rời bỏ nơi ở cũ, đến dựng một ngôi nhà sàn ở ven rừng để sống thoải mái hơn. Cả ba thành viên trong nhà đều là tay thiện xạ nên chẳng ai ngạc nhiên hay ái ngại cho họ khi họ dựng nhà ở sát khu rừng có nhiều thú dữ này. Ngôi nhà sàn này đã trở thành nơi tạm nghỉ cho đám thợ săn và cũng là chỗ trú chân an toàn cho những khách tha phương lỡ đường.
Từ ngày đến chỗ ở mới, Lộ Đà ít đi săn hơn. Ông hay phó mặc việc nhà cho Mạn Thuyết và La Ngai để có thì giờ chu du đây đó. Lộ Đà nói là đi chơi, nhưng chẳng bao giờ cho ai cùng đi, cũng chẳng cho ai biết lộ trình. Thường thường ông đi từng chuyến khoảng một tháng, lâu hơn là hai tháng. Trong thời gian ấy, Mạn Thuyết và La Ngai vẫn tìm niềm vui trong những cuộc săn bắn với các đồng nghiệp.
Lần đó Lộ Đà đi đâu đến hơn ba tháng vẫn chưa thấy về khiến Mạn Thuyết và La Ngai hết sức lo lắng. Hằng ngày những thợ săn khác cũng không ngớt hỏi han làm hai chàng càng thêm nóng ruột. Ai cũng lo sợ một chuyện bất trắc nào đó đã đến với người đầu đàn của họ. Họ thúc giục anh em Mạn Thuyết phải dò tìm ông Lộ Đà đang ở đâu và đang gặp phải chuyện gì? Khổ nỗi từ trước tới giờ Lộ Đà vẫn đi đi về về một mình, nào ai biết ông đi đâu, dễ gì tìm được?
May sao, anh em Mạn Thuyết bàn tính phương cách tìm kiếm chưa xong thì Lộ Đà lù lù hiện về! Đám thợ săn mừng rỡ kéo nhau đến vấn an. Ông vui vẻ báo cho họ biết một tin nóng hổi:
-Thầy trò tôi sắp về Đồ Bàn!
Ai nấy ngạc nhiên hỏi lý do, ông cười:
-Thủng thẳng sẽ biết!
Ba ngày sau Lộ Đà cho tổ chức một bữa tiệc rượu tại tư gia. Khách được mời dự gồm các vị chức sắc, các vị trưởng lão quanh vùng và đám thợ săn quen biết. Sau lời chào mừng quan khách, Lộ Đà bắt đầu đi vào vấn đề:
-Thưa quí vị, hôm nay chúng tôi trân trọng mời quí vị đến cùng chúng tôi uống chén rượu thân mật này, thật ra cũng có một số mục đích. Trước hết là để cảm tạ tấm lòng của quí vị – những người tiêu biểu cho dân tộc Churu – đã bao dung che chở chúng tôi trong hơn mười năm qua. Kế đến là để trình bày với quí vị một sự thật mà chúng tôi bất đắc dĩ đã phải giấu kín bao lâu nay như sau: Chúng tôi vốn gốc người Đồ Bàn, khi đương kim quốc vương lên ngôi, chúng tôi thuộc phe đối nghịch với ngài nên sợ ngài không dung thứ, buộc lòng chúng tôi phải tìm nơi trú ẩn. Đó là việc chúng tôi phải tự biết, vì xưa nay, bất cứ ai khi đã bị vua nghi ngờ thì chắc chắn khó mà sống yên. Chúng tôi đã phải cải trang, lẫn lút qua nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được chỗ thích hợp để nương thân. Khi đến địa bàn sinh hoạt của dân tộc Churu, chúng tôi mới cảm thấy đã gặp được đất lành. Và chúng tôi đã sống gắn bó với dân tộc Churu nhiều năm qua như quí vị đã thấy! Nhưng nếu chỉ có vậy cũng chỉ là một việc nhỏ, chúng tôi đâu cần trình bày với quí vị làm gì? Đây là một tiết lộ rất quan trọng mà khi nghe được, chắc hẳn sẽ làm tất cả quí vị sẽ kinh ngạc cùng độ: Người thợ săn trẻ tuổi ưu tú nhất của chúng ta – Mạn Thuyết – chính là hoàng tử Bà Bỉ Na Tác Nhĩ, em cùng cha khác mẹ của đấng Tiên vương Chế A Nan!
Toàn thể thực khách nghe qua đều sững sờ! Thật quá bất ngờ! Ai nấy đều hướng mắt về Mạn Thuyết. Phần đông, nhất là trong số thợ săn, vẻ hưng phấn, tươi vui lộ hẳn trên nét mặt họ. Ngược lại, số còn lại lộ vẻ hoang mang, lúng túng, thậm chí có phần hốt hoảng, lo ngại…
Có lẽ hiểu được tâm trạng của mọi người. Lộ Đà nói tiếp:
-Xin quí vị cứ yên lòng! Chúng tôi tiết lộ sự việc này không phải để lôi kéo, để áp lực hay để đùn đẩy quí vị vướng vào chuyện quốc sự phiền toái đâu! Xin báo với quí vị, quốc vương đã hạ chiếu cho tất cả con dân nước Chiêm, dù trước đây đã phạm bất cứ tội gì nay đều được phép ra giúp nước để lập công chuộc tội. Chính quốc vương cũng kêu gọi đích danh hoàng tử Na Tác Nhĩ và chính tôi – Du Đà chứ không phải Lộ Đà chỉ là cái tên mượn tạm – về triều sẽ được tha thứ lỗi cũ và trọng dụng. Vì vấn đề an ninh bản thân của chính mình, chúng tôi đã phải dò xét thật kỹ tính chân xác của bức chiếu chỉ. Chuyến này tôi đã đi xa nhà hơi lâu là vì thế. Nay chúng tôi đã biết được Chiêm vương hạ chiếu chỉ ấy với tất cả tấm lòng tha thiết của ngài. Ngài đã vì đại cuộc quốc gia mà khoan hồng với con dân như thế, chúng tôi đâu có thể khư khư ôm lòng nghi kỵ, tị hiềm đối với ngài? Bởi thế, chúng tôi đã quyết định trở về Đồ Bàn để giúp triều đình. Một lần nữa, chúng tôi xin cám ơn dân tộc Churu đã đùm bọc chúng tôi trong thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ không quên những ngày vui sống bên những người bạn Churu rất chân chất nhưng cũng rất quả cảm. Hôm nay chúng tôi xin tạm mượn chén rượu này để giã từ quí vị. Hi vọng sau này, nếu chúng tôi được quốc vương ủy thác một trọng trách nào đó, chính quí vị và con em của quí vị sẽ sẵn sàng tiếp tay với chúng tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức xây dựng một nước Chiêm hùng mạnh không còn bị cường bang lấn áp nữa! Chúc quí vị được trọn vui hôm nay và hứa hẹn một ngày tái ngộ rất gần!
Lộ Đà vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay của thực khách vang lên. Vẻ lo âu, sợ hãi trên một số gương mặt lúc này đã bay biến sạch. Nhiều người cao hứng hô lớn:
-Hoan hô hoàng tử Na Tác Nhĩ! Hoan hô hoàng tử Na Tác Nhĩ!
La Ngai cũng ngẩn ngơ giây lát rồi xốc tới ôm choàng lấy Mạn Thuyết tức Na Tác Nhĩ mà nói:
-Lâu nay tôi ở cạnh một bậc đại quí mà nào có biết gì! Từ nay xin nguyện làm tay chân của hoàng tử mãi mãi!
Na Tác Nhĩ cũng vui vẻ nắm tay La Ngai nói:
-Ta cũng sung sướng có được một người bạn như La Ngai! Chúng ta sẽ ở bên cạnh nhau, vui buồn có nhau, giúp đỡ nhau suốt đời!
Tiếp đó Du Đà, Na Tác Nhĩ lẫn La Ngai lần lượt đi mời rượu và nói chuyện với từng người. Buổi tiệc đã kéo dài từ buổi trưa tới mặt trời gần lặn mới tàn. Khách chủ đều trọn vui. Một số khách, cũng phần đông là đám thợ săn đã ngủ lại để sáng hôm sau đưa tiễn ba thầy trò Du Đà lên đường.
Sau khi hạ chiếu đại xá tội phạm toàn quốc và kêu gọi nhân tài ra giúp nước, vua Trà Hòa Bố Để gắng gượng làm việc trở lại. Nhưng chiếu chỉ phổ biến cả tháng mà vẫn chưa thấy ai ứng mộ, vua Bố Để lộ vẻ nôn nóng, than với quần thần:
-Cứ như tình trạng này thì bao giờ nước Chiêm mới mạnh lên được?
Tể tướng La Khâm tâu:
-Những người tài trí thường chẳng khinh xuất trước những việc lớn. Chắc hẳn họ phải thăm dò kỹ trước khi ứng mộ! Xin bệ hạ cứ kiên nhẫn chờ đợi!
Vua Bố Để trầm giọng:
-Đời người như bóng ngựa tơ qua cửa sổ. Nói thật với các khanh, đã nhiều đêm ta ngủ không được. Ta cứ sợ tìm chưa được người xứng đáng để ký thác hoài bão ta đã xuôi tay rồi!
Lời than thở của vị quốc vương như len sâu vào lòng đám quần thần. Hình như nó đã báo hiệu một điềm chẳng lành. Họ chỉ biết nhìn nhau ái ngại.
Một tháng nữa lại trôi qua, chỉ có mấy người ra ứng mộ nhưng đều là hạng tầm thường, vua Bố Để càng thất vọng. Thế rồi ngài phát bệnh, mấy ngày liền không thể lâm triều được.
Một hôm Tể tướng La Khâm vào thăm vua tại giường bệnh. Ngài chỉ nằm để nghe tâu bày chứ không ngồi dậy được. La Khâm lần lượt thưa lại những việc ông đã giải quyết. Nhà vua nằm nghe đến đâu gật gật đến đấy, tỏ dấu hài lòng…
-Tâu bệ hạ, còn tin này nữa, chắc bệ hạ nghe được sẽ vui lòng lắm… Viên Phụ giáo Du Đà đã cho người báo tin ông ta cùng hoàng tử Bà Bỉ Na Tác Nhĩ sắp về Đồ Bàn!
Vua Bố Để sáng mắt lên, ngài nhướng người muốn ngồi dậy, thều thào:
-Thật không? Khi nào thì họ về tới đây?
Người hầu vội vàng chạy đến. Nhà vua ra hiệu người hầu đỡ ngài ngồi dậy. Ngài nở một nụ cười nói với quan Tể tướng:
-Khanh nói đi! Khi nào họ về tới kinh thành?
-Tâu, theo thư hẹn họ sẽ về bằng đường thủy, nội ngày mốt sẽ vào cửa biển Thị Nại.
-Khanh hãy chuẩn bị mười thớt voi ra đón họ. Ta sẽ cùng đi với khanh!
Tể tướng La Khâm hoảng hốt nói:
-Không được đâu bệ hạ! Bệ hạ đang bệnh nặng không nên đi!
-Khanh cứ chuẩn bị đi! Ta đi được mà!
-Xin bệ hạ hiểu cho. Bệ hạ đi lỡ xảy ra chuyện không hay thần sẽ mắc tội với thiên hạ!
Vua Bố Để giải thích:
-Ta lâm bệnh chẳng qua vì sợ hoàng tử Na Tác Nhĩ không chịu về. Nay được tin hoàng tử sắp về bệnh ta ắt giảm. Mà dù bệnh ta chưa kịp giảm, ta cũng cần ra đón hoàng tử để hoàng tử thấy rõ tấm lòng của ta thế nào! Khanh cứ nghe lời ta đi!
Tể tướng La Khâm như đã thấy được tim gan của quốc vương. Biết không thể nào ngăn được ý định của ngài, ông tâu:
-Bệ hạ đã quyết, thần xin tuân mệnh. Bây giờ xin bệ hạ nằm nghỉ cho khỏe người!
Hai hôm sau, mặc dầu bệnh chưa thuyên giảm và quần thần hết sức can gián, vua Bố Để cũng nhất quyết ngự ra tận cửa biển Thị Nại để đón hoàng tử Na Tác Nhĩ. Khi thầy trò Du Đà rời thuyền bước lên dịch đình thì đoàn voi vua ngự cũng vừa đến. Thấy có lọng vua trên voi, họ ngạc nhiên lắm. Khi biết vua đang bệnh mà vẫn gắng đi đón hoàng tử Na Tác Nhĩ, họ cảm động vô cùng. Thật sự sau khi nghe được tin hoàng tử Na Tác Nhĩ sẽ trở về, vua Bố Để đã lên tinh thần nên cơn bệnh cũng đã suy giảm. Cả bọn Du Đà, Na Tác Nhĩ đều rơi lệ sụp quì trước con voi ngự mà nói:
-Quốc vương vạn tuế! Chúng thần là những kẻ có tội, sao bệ hạ lại nhọc công ra đón rước thế này làm chúng thần càng nặng tội thêm!
Vua Bố Để cũng lộ vẻ xúc động nói:
-Quí vị hãy bình thân! Chúng ta đều có lỗi cả, đừng nhắc chuyện cũ nữa! Ta rất vui mừng được gặp lại hoàng tử và quan Phụ giáo. Từ nay chúng ta sẽ sát cánh bên nhau để cùng lo việc nước! Mong quí vị sẽ vì triều đình, vì sự tồn tại của dân tộc Chiêm Thành mà ra sức!
Thế rồi nhà vua cho mời hoàng tử Na Tác Nhĩ và quan Phụ giáo Du Đà lên voi. Khi về tới Đồ Bàn, Tể tướng La Khâm mời hoàng tử Na Tác Nhĩ cùng quan Phụ giáo Du Đà và La Ngai tạm ở điện cũ của Chế Mỗ vừa được sửa sang lại.
Hôm sau, dù không được khỏe người, vua Bố Để vẫn sai bày tiệc để thết đãi hoàng tử Na Tác Nhĩ và quan Phụ giáo Du Đà. Trong tiệc, vua Bố Để đã nói chuyện khá nhiều với hoàng tử Na Tác Nhĩ. Qua cuộc tiếp xúc này, nhà vua rất mừng thấy hoàng tử quả là một nhân vật phi thường như ngài mong đợi. Ngài nói với quần thần:
-Ta đã tìm được người có thể thực hiện ý chí của ta! Ta tin thế nào hoàng tử cũng thành công! Bây giờ dẫu nhắm mắt ta cũng vui lòng!
Từ đó, hoàng tử Na Tác Nhĩ, Du Đà, La Ngai đều được giao phó một số công việc của triều đình. Hoàng tử Na Tác Nhĩ đã tỏ ra là một người có thực tài, đầu óc ngài hết sức linh mẫn, nhạy bén, giải quyết vấn đề nào cũng hợp tình hợp lý. Các quan trong triều ai cũng nể phục. Vua Bố Để cũng như Tể tướng La Khâm đều rất hài lòng và càng tin tưởng vào hoàng tử.
Một hôm vua Bố Để hỏi Tể tướng La Khâm:
-Khanh thấy hoàng tử Na Tác Nhĩ làm việc được không?
-Thưa, thần chưa thấy hoàng tử có khuyết điểm nào!
-Liệu hoàng tử có đủ khả năng thực hiện ý nguyện của ta không?
-Theo ý thần, có thể!
-Ta cũng có nhận xét như khanh. Nay ta có một chuyện muốn hỏi ý khanh!
-Bệ hạ cứ hỏi!
-Ta có một đứa cháu gái là Mỵ Thâm, con của chị ta. Hoàng tử Na Tác Nhĩ hiện vẫn chưa có vợ, ta muốn tác hợp cho hai trẻ, có nên chăng?
-Bệ hạ tính như vậy thì tốt lắm! Hai bên tình vốn đã thân sẽ càng thân hơn!
-Ta nhờ khanh và Du Đà đứng ra làm mai mối được không?
-Nếu bệ hạ quyết ý, thần sẽ nói chuyện với Du Đà!
Thế là một tháng sau hoàng tử Na Tác Nhĩ đã kết duyên cùng nàng Mỵ Thâm.
Ít lâu sau, Tể tướng La Khâm nại cớ già yếu, xin nghỉ việc. Vua Bố Để nói:
-Thời gian này ta cứ nay đau mai ốm mãi. Vì việc quốc gia không thể buông được nên ta phải gắng sức vậy thôi. Khanh tuy già yếu nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, vẫn có thể giúp ta được. Hoàng tử Na Tác Nhĩ quả là tay anh tuấn nhưng còn non trẻ quá, ta chưa dám giao việc lớn. Khanh gắng ở lại một thời gian nữa đi!
La Khâm thưa:
-Thần vì chịu ơn tri ngộ của bệ hạ nên còn ở tới ngày nay chứ thật sự thần cũng mệt mỏi lắm rồi. Vả lại, muốn canh tân triều đình phải có người trẻ mới được! Thần nghĩ hoàng tử Na Tác Nhĩ xứng đáng giữ chức Tể tướng lắm! Người không phải chỉ có tài, có chí mà còn đắc nhân tâm nữa. Đã có ý trông cậy hoàng tử thực hiện ý nguyện, bệ hạ còn ngần ngại gì nữa mà không chuyển giao quyền hành cho hoàng tử?
Vua Bố Để thấy La Khâm đã cạn lời như vậy bèn chấp thuận. Hoàng tử Na Tác Nhĩ được vua cử tạm quyền Tể tướng. Việc thay thế này làm tinh thần các quan trong triều phấn khởi lắm! Ai cũng tin tưởng, hi vọng một vận hội tốt lành sẽ đến với nước Chiêm Thành!
Vua Trà Hòa Bố Để đã già, lại hay đau yếu nên các việc lớn nhỏ trong triều ông đều giao cho hoàng tử Na Tác Nhĩ giải quyết. Đến giữa năm Canh Tý* vua Bố Để lâm bệnh nặng mà qua đời.
Sau khi triều đình tổ chức lễ hỏa táng cho vua Bố Để xong, hội đồng hoàng tộc Chiêm Thành bèn họp lại để bầu người kế vị. Trước uy đức rực rỡ của hoàng tử Bà Bỉ Na Tác Nhĩ, các hoàng thân, quí tộc đương thời đều trở thành lu mờ. Thế là hội đồng hoàng tộc Chiêm Thành quyết định tôn Na Tác Nhĩ lên làm vua. Nhà vua lấy hiệu là Chế Bồng Nga, mở đầu một trang sử oai hùng, oanh liệt cho dân tộc Chiêm.

 

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 5