Categories
9 - Trang thời sự Thế Giới

Trung Quốc Cộng sản đã quay lại điểm khởi đầu?


Trung Quốc Cộng sản đã quay lại điểm khởi đầu?

Ngoài cuộc khủng hoảng địa ốc tồi tệ nhất, Trung Quốc ngày nay đang ở thời điểm then chốt trong lịch sử phát triển của mình.

TOPSHOT-CHINA-ECONOMY-POLITICS-PLENUMMột sĩ quan bán quân sự Trung Quốc tuần tra Quảng trường Thiên An Môn trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 12/11/2013. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images) 

Milton Ezrati

Thứ ba, 18/6/2024

Trong số rất nhiều vấn đề về kinh tế và tài chính đang gây khó khăn cho Trung Quốc ngày nay, đáng chú ý hơn cả là vấn đề nghiêm trọng về niềm tin, hay chính xác hơn là thiếu niềm tin.

Các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã mất niềm tin vào tương lai và mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài cuộc khủng hoảng địa ốc thu hút giới báo chí, tương lai lâu dài của nền kinh tế — sự tăng trưởng và thịnh vượng mà người dân Trung Quốc và ĐCSTQ mong muốn — phụ thuộc rất nhiều vào việc giành lại niềm tin đó. Nỗ lực đó đang suy yếu dần.

Khoảng 50 năm trước, khi Trung Quốc bắt đầu thời kỳ phát triển đáng chú ý, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ là ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đã mô tả thực tế phát triển như một giai đoạn trong hành trình của quốc gia hướng tới một tương lai xã hội chủ nghĩa hoàn hảo hơn. Đúng như vậy. Doanh nghiệp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh phi thường, và hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo.

Mô tả này về những gì Trung Quốc làm vào thời điểm đó đã hoàn toàn dự đoán kết cục của chính họ, rằng vào một ngày nào đó trong tương lai, quốc gia này sẽ thiên về xã hội chủ nghĩa hơn. Một số người mô tả ông Đặng là người đa nghi, nói rằng ông ta sử dụng mô tả của mình chỉ để từ bỏ hệ tư tưởng cộng sản. Những người khác nói rằng ông ấy nghiêm túc. Bây giờ điều đó đã không còn quan trọng nữa. Người đàn ông này đã qua đời nhiều năm rồi. Điều rõ ràng là nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình dường như đã tiếp nhận lời của ông Đặng và rằng đã đến lúc Trung Quốc phải thực hiện bước tiếp theo vào một giai đoạn mà xã hội chủ nghĩa đi sâu hơn vào đời sống kinh tế-chính trị. Hành động dựa trên niềm tin đó, ông đã gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế quốc gia.

Ngay cả trước đại dịch COVID-19, ông Tập đã bắt đầu nói rõ ý định chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Ông tỏ ra vô cùng khó chịu với kinh doanh tư nhân. Đơn cử, vào năm 2018, chính quyền của ông đã cáo buộc người sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Ông Ngô bị kết án 18 năm tù, nhưng Bắc Kinh còn mạnh tay hơn. Đúng như thái độ coi thường doanh nghiệp tư nhân, chính quyền đã tịch biên công ty này.

Trong nhiều năm kể từ đó, ĐCSTQ đã thực thi nhiều việc hơn theo hướng này. Ví dụ, họ đã cắt nguồn tài trợ cho hai công ty gia sư sau giờ học rất thành công là Juren Education và Wall Street English, khiến họ phá sản. Các công ty này đã phục vụ hàng trăm ngàn học sinh Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng làm điều tương tự với hoạt động bán lẻ rất thành công Alibaba của ông Jack Ma, và cũng phạt công ty này vì hành vi mà họ mô tả là vi phạm chống độc quyền. Công ty hiện vẫn hoạt động nhưng ít nổi tiếng hơn trước.

Như để nhấn mạnh nguồn gốc chính trị của những hành động này, ông Tập nói tại Đại hội Đảng lần thứ 19 rằng đã đến lúc Trung Quốc bước vào một “kỷ nguyên mới,” nghĩa là bước từ giai đoạn phát triển của ông Đặng sang một cơ cấu xã hội chủ nghĩa/cộng sản hơn. Và để mọi người không hiểu nhầm ý của ông, ông đã bổ sung một cách đa dạng trong một số bài diễn thuyết sau đó rằng các chủ doanh nghiệp tư nhân và các nhà quản lý cần trở nên “khôn ngoan về mặt chính trị,” dành ít thời gian hơn cho lợi ích kinh doanh nhỏ nhoi của mình và “tuân theo Đảng.” Ông nói về việc giáo dục “các doanh nhân tư nhân trang bị tư tưởng của họ bằng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.”

Các chủ doanh nghiệp tư nhân và các nhà quản lý hiểu rằng tương lai của họ đang trở nên kém an toàn hơn và họ dễ mất tài sản hơn. Theo lời của nhà kinh tế Trần Khang (Chen Kang) viết cho tạp chí điện tử Think China rằng, “Trong một môi trường kinh doanh như vậy, họ chắc chắn chỉ có thể nghĩ đến việc chuyển tài sản ra ngoại quốc và di cư thay vì tiếp tục đầu tư.”

Trung Quốc khiến cho việc chuyển giao và di chuyển ra ngoại quốc trở nên khó khăn, nhưng sự do dự đầu tư rõ rệt của vốn tư nhân cho thấy rõ rằng những người đàn ông và phụ nữ này đã hiểu thông điệp của ông Tập. Đầu tư vốn tư nhân vào tài sản sản xuất thực tế, thường chiếm tới một nửa tổng vốn của cả quốc gia, đã chậm lại từ tốc độ tăng trưởng trên 23% vào năm 2013, trước khi tất cả các cuộc thảo luận về “kỷ nguyên mới” bắt đầu, xuống 10% vào năm 2015, 5% vào năm 2019, và cuối cùng là mức giảm nhẹ nhưng còn không đáng kể vào năm ngoái.

Tuy nhiên giờ đây, với những rắc rối kinh tế ngày càng chồng chất của Trung Quốc – một cuộc khủng hoảng địa ốc đã kéo theo hoạt động mua nhà, hoạt động xây dựng và giá bất động sản đi xuống; thái độ thù địch đối với thương mại Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Hoa Thịnh Đốn, Brussels, và Tokyo; đồng thời doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển đang đa dạng hóa nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc – ông Tập và các đồng sự của ông ở Trung Nam Hải đang xem lại thái độ của họ đối với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Họ mong muốn có một cộng đồng doanh nghiệp sôi động hơn và một động lực tăng trưởng khẩn cấp.

Vì vậy, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, ông Tập đã thay đổi giọng điệu của mình. Thay vì đòi hỏi phải trung thành với lợi ích của Đảng, ông bắt đầu nói với các chủ doanh nghiệp rằng họ “thuộc về gia đình của chúng ta.” Chương trình 31 điểm gần đây của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm 28 biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng Hai, khoảng thời gian gần đây nhất mà dữ liệu có sẵn, đầu tư tư nhân vào tài sản sản xuất cố định hầu như không tăng so với mức của những năm trước đó.

Ông Tập và các đồng sự của ông có thể vẫn chưa giành được thiện cảm từ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Thậm chí nếu họ làm được điều đó thì chiến thắng sẽ chỉ là giảm bớt các vấn đề kinh tế của Trung Quốc chứ không giải quyết được chúng. Nhưng chiến thắng vẫn còn quá xa vời. Người xưa thường nói: “Niềm tin một khi đã mất đi thì khó mà lấy lại được.” Rõ ràng quan điểm trước đây của ông Tập đã gây ra rất nhiều thiệt hại. Nếu như có thể thì cũng sẽ mất một thời gian dài để khắc phục vấn đề này. Và hiện tại, thời gian là một thứ xa xỉ mà ông Tập, nền kinh tế và chính quyền của ông khó mà có thể có được.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Hân Nhi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Milton Ezrati

Milton Ezrati
BTV Epoch Times Tiếng Anh

Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống”.)

Source :  https://www.epochtimesviet.com/trung-quoc-cong-san-da-quay-lai-diem-khoi-dau_475885.html

Leave a comment