Categories
Chuyện ngắn

Trâu già thích gặm cỏ non


107832984_859232264480386_3405415211583737708_n

Trâu già thích gặm cỏ non – ONE WAY TICKET

Năm đó ông bà bán căn nhà lớn, mua một town house có hai phòng ngủ trên lầu để thỉnh thoảng con cháu về chơi có chỗ cho chúng nó ở.

Từ số tiền dư hai người du sơn du thủy mấy chuyến Cruise rồi quay về cố hương thăm họ hàng và rong chơi đó đây coi như chuyến du lịch Việt Nam cuối cùng.
Sau khi khám phá Nam Kỳ Lục Tỉnh, thăm hàng xóm bạn bè xong họ bay ra Hà Nội quê quán của ông.
Trong bữa tiệc xum họp họ hàng xa gần ông gặp cô Huệ, cụng vài ly bia ông say men cô gái xa lạ bỗng thật gần gũi với ông.
Tuần sau bà trở vào Sài Gòn gặp gỡ đám học trò cũ, mua sắm một số quà mang về tặng bạn bè, ông ở lại cặp tay em Huệ hóng mát Hồ Gươm rồi chuyện gì đến phải đến.
Sau mấy buổi nhậu «quành chán» cao lương mỹ vị, thịt rượu thừa mứa, cô đưa ông vào chốn bồng lai chỉ có hai ta mà thôi.
Ông như trẻ đi vài chục tuổi, quê hương bỗng ngọt hơn chùm khế ngọt, giã từ Hà thành ông để lại một nửa con tim khao khát tình yêu sôi nổi, ông vừa tìm lại tuổi thanh xuân bị lãng quên khá lâu.
Về Miền Nam với bà, ông ngẩn ngơ như người mất hồn, nói năng lộn xộn khiến bà giựt mình nghĩ có thể ông bị «trầm cảm» sau khi chia tay với họ hàng ngoài Bắc, hy vọng rồi đâu sẽ vào đấy.
Đúng vậy, sau mấy cú điện thoại với Hà Nội ông như hồi sinh tươi tỉnh hơn, bớt nói năng linh tinh không đầu không đuôi như trước.
Trở về nhà hơn một tháng, ông mở lời với bà:
– Hôm ở Hà Nội, cô Huệ có nhờ anh làm giấy mời cô sang đây du lịch để cô tìm trường đại học cho con trai của cô, mai anh ra văn phòng di trú hỏi thăm xem sao.
Bà ngạc nhiên:
– Sao lúc ở Việt Nam anh không nói cho em biết.
– Chuyện vặt vãnh có gì quan trọng.
– Ô hay việc lớn đấy, rồi cô ấy sẽ ở đâu?
– Nhà mình chứ ở đâu, chỉ vài tháng thôi mà!
Giọng ông hơi gắt, bà không lạ tính chồng, khi ông khó chịu bà chớ có tò mò, tính gia trưởng của ông bà chịu đựng lâu rồi, điều đó khiến các con bất bình nên chúng nó thương mẹ nhiều hơn bố.
Bà hơi hoang mang, chưa thấy mặt mũi cô ấy ra sao, lại là dân “Hà Nội mới”, không biết bà có kham nổi vị khách bà không mời nhưng phải tiếp đón lịch sự cho vừa lòng chồng.
Tính ông đãi bôi vui vẻ với bạn bè, nhỏ nhẹ với phụ nữ, galant ra phết để tự trấn an mình còn trẻ chán, ý nghĩ đó khiến ông vui đến quên bà vợ già ngồi cạnh ông trong bữa tiệc.
Mấy tháng sau, đúng hẹn với em Huệ ông ra phi trường San Franciso đón khách, bà chuẩn bị khăn tắm, dép… trong phòng dành cho Huệ không thua khách sạn ngoài phố.
Cơm chiều theo yêu cầu của ông có món «nem rán» (chả giò), phở Bắc không có tương đen, đỏ mà chỉ rau quế, hành tây thái mỏng, chanh, ớt, chè hoa cau tráng miệng.
Cho hành lý của Huệ vào cốp xe xong, trước khi nổ máy ông gọi báo cho bà biết đã đón khách, ông sẽ về đến nhà sớm nếu không bị kẹt xe.
Xe vừa đậu trước cửa, ông nhấn chuông bảo bà ra phụ ông mang hành lý vào nhà, lần đầu tiên diện kiến Huệ, bà ngẩn ngơ khám phá cô khá trẻ so với độ tuổi ngoài bốn mươi, thân hình săn chắc hấp dẫn…
Cô giành lấy vali trên tay bà, líu lo:
– Em chào chị, chị để hành lý cho em, chị thật chu đáo đúng như anh Vinh nói.
Đưa cô lên phòng, bà bảo cô tắm rửa, nghỉ ngơi một lúc rồi xuống dùng cơm với ông bà, đi xuống bếp bà đặt chén đủa lên bàn, ông lăng xăng bày bia rượu.
Giọng ông như chim sáo:
– Em thấy cô Huệ thế nào?
Câu hỏi làm bà buồn, ông không cảm ơn bà chu đáo với khách mà lại hỏi một câu làm bà chạnh lòng, dĩ nhiên là cô trẻ đẹp hơn bà nên ông mới lăng xăng như gà mắc đẻ.
Để giấu nỗi niềm của mình, bà nhỏ nhẹ:
– Cô ấy nhỏ tuổi hơn chúng mình nhiều nên tươi trẻ là đúng rồi.
Thấy bà vả lả ông hiểu câu hỏi hớ hên của mình nên ông ba hoa chuyện đón cô ngoài phi trường khá lâu vì cô phải khai báo, lăn tay, chụp hình với nhân viên nhập cảnh…
Bữa cơm chiều hôm đó diễn ra trong sự vui vẻ gượng gạo của bà, ông chăm sóc khách từ tốn tránh để lộ cảm xúc của mình trước mặt bà, tuy nhiên khi rượu lên men, ông lộ nguyên hình.
Ông thường tự hào về bản chất galant «bẩm sinh» của mình trong đám đông, hôm nay cũng không ngoại lệ, ông cụng ly với khách, cười cười hỏi một câu ngớ ơi là ngớ:
– Huệ thấy nước Mỹ thế nào?
Khách quý Hà Thành đáp lời ông với ngôn ngữ nặc mùi cán cuốc:
– Nước Mỹ thật vĩ đại anh ạ (câu thần chú của vixi, bác hù vĩ đại).
Bà ngồi đó không nhận ra ông chồng mấy mươi năm đầu áp tay gối của mình bỗng «lột xác» đến choáng ngợp, ăn nói như đứa mới lớn vụng về trước mặt Huệ, đúng như ông từng nói tình yêu làm gì có tuổi.
Sau một tuần du sơn du thủy ông bắt tay vào việc tìm trường đại học cho con cô Huệ, hai người rong ruổi khắp nơi, chạy lòng vòng vài hôm họ trở về nhà nghỉ xả hơi lấy sức cho những ngày sắp tới.
Chạy mòn gót mấy tháng liền vẫn chưa ra ngô ra khoai, ngày trở về quê mẹ của cô em Hà Thành cận kề, kẹt một nổi là tình cảm của hai người ngày càng khắn khít, lửa gần rơm không cháy nhà thì cũng làm cháy lòng ai kia.
Có hôm ông bảo bà đừng chờ cơm chiều vì hai người sẽ về muộn, ngồi trước bàn ăn nước mắt của bà giọt ngắn giọt dài như ngày xưa ông từng bay nhảy với tình nhân ở Sài Gòn.
Tình yêu đã chết trong bà từ lâu, giọt nước mắt lần này bà xót xa cho phận mình, bà biết tình nghĩa hơn bốn mươi năm chung sống của hai người chỉ thế thôi.
Cứ tưởng khi các con ra riêng, hai người sẽ tựa vào nhau mà sống đoạn cuối ngắn ngủi hay rất ngắn của cuộc đời, xóa hết vết chàm ngày xưa để vui hưởng những ngày còn bên nhau.
Từ khi cô Huệ bước chân vào đây hai vợ chồng không còn như trước, đêm về họ ít trò chuyện để dỗ giấc ngủ, thỉnh thoảng ông nói về hoàn cảnh éo le của Huệ, một cách chuẩn bị tâm lý để bà chấp nhận cô ấy sau này.
Một hôm ông đưa ra đề nghị «động trời», bà nghe như trời đất sụp đỗ, nhưng cố giữ bình tỉnh ba mặt một lời với sự hiện diện của cô Huệ.
Giọng ông bỗng rụt rè, nhỏ nhẹ của kẻ có lỗi:
– Như em biết rồi đấy, chỉ còn hai tháng nữa cô Huệ phải về Việt Nam trong khi cô chưa tìm ra trường cho con của cô.
Em nghĩ sao nếu chúng mình làm giấy ly dị để anh làm hôn thú cho cô ở lại Mỹ, chì làm giấy thôi chúng mình tiếp tục chung sống với nhau.
Ông vừa dứt lời, cô nắm tay bà nài nỉ:
– Chị thương giúp em với, em đội ơn chị.
Bà cắn môi dằn cơn giận đang nổ tung trong lòng, đứng lên phán:
– Chuyện như thế mà hai người nói không ngượng miệng, tôi không có ý kiến.
Ông thừa hiểu, không có người đàn bà nào chấp nhận chồng mình ngoại tình, lại sẳn sàng nhường chồng cho người khác, nhưng khi ông dám đề nghị ly dị với bà để cưới cô Huệ thì ông đã đánh ván bài được ăn cả ngả về không.
Để hạ cơn giận của bà, ông thuê phòng cho Huệ ra ngoài, đồng thời thuyết phục bà giúp người «làm phước», ông cố tình để lộ bộ mặt đạo đức giả để bà căm hận ông mà ký giấy ly dị.
Ông đánh đúng tim đen của bà nhưng chỉ đúng một nửa thôi, bà chấp nhận trả tự do cho ông vì bà biết ông đang lọt vào mê cung của em Huệ, nói năng chi cũng thừa.
Sau khi hoàn thành thủ tục ly dị, họ bán nhà, mỗi người một nẽo, đời ai nấy sống, bà cảm thấy nhẹ nhỏm để ông sống đoạn cuối cuộc đời vui hay buồn do ông chọn lựa.
Đành rằng chia tay ông bà sẽ cô đơn nhưng từ nay bà không còn bận tâm đến ông chồng bạc tình.
Mới đó mà hai người đã chia tay gần hai năm, thỉnh thoảng nghĩ đến ông, bà thở dài thương hại ông mắt nhấm mắt mở sa vào hang cọp, trước sau gì cũng mang thương tích.
Một lần xuống Nam Cali chơi với bà Cúc bà hàng xóm cũ, sau khi ăn sáng hai bà đi bộ ra công viên gần nhà dạo chơi với Lí lắc, con chó nhỏ của bà Cúc rất thân thiện với người lạ, vừa sủa vừa vẫy đuôi chạy theo hai bà.
Đi bộ một lúc, hai bà chọn một băng ghế dưới tàn cây ngồi nghỉ xã hơi, bà Cúc mời bà trái quít :
– Loại này ngọt ngọt chua chua, không sợ tiểu đường, bà ăn thử đi.
Vừa cầm trái quít bỗng bà run lên suýt đánh rơi xuống đất, một ông già vịn chiếc xe 4 bánh, bước đi chập choạng như con nít tập đi ngồi vào băng ghế đối diện với hai bà.
Một cô trung niên dừng lại trước mặt ông, cô lớn tiếng:
– Mày ngồi yên ở đây chờ tao một chút, mày mà đi lạc như lần trước tao cho mày chết luôn, nghe chưa thằng khốn nạn.
Ông không trả lời, đầu của ông cụp xuống cổ, bàn chân co quấp, móng chân mọc dài cáu bẩn, quần áo nhàu nát trông ông không khác một lão ăn mày.
Ngồi băng ghế đối diện bà rơi lệ, anh Vinh của bà, một bô lão vừa bước vào tuổi bẩy mươi đầy sức sống, cao ráo chơi tennis mỗi tuần với bạn bè, sau vài năm xa vợ và bị đột quỵ ông trở nên tàn phế đến nhìn không ra.
Ngày trước cô Huệ cầm chắc cái vé ONE WAY đến Mỹ, bây giờ ông Vinh cũng thế Một Đi Không Trở Lại vì căn nhà xưa, bà vợ cũ và các con đã thuộc về dĩ vãng mất rồi.

Marie LêVăn

Leave a comment